Vị lãnh đạo NHNN nhấn mạnh xu hướng hợp tác giữa ngân hàng và các fintech đã đem lại nhiều thay đổi cho lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam. Ông cho rằng nếu không có fintech thì mobile banking của các ngân hàng sẽ không thể phát triển như hiện tại.
Tại diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam được tổ chức sáng nay (8/11), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, những năm gần đây, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) đang tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị – TW Đảng Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0.
Ở Việt Nam, lĩnh vực Fintech chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới được thành lập. Chỉ trong vòng gần 4 năm, số lượng công ty Fintech đã tăng từ 40 lên khoảng 150 như hiện nay.
“Điều này thể hiện sự năng động và nhạy bén của của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam khi môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, nhiều cơ quan quản lý trong đó có NHNN đã quan tâm và cố gắng tạo lập khuôn khổ pháp lý phù hợp với trình độ phát triển của công nghệ cũng như năng lực quản lý”, Phó Thống đốc nói.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, lĩnh vực tài chính Việt Nam đang có sự đổi mới với làn sóng phát triển của Fintech. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, song tỷ lệ người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận dịch vụ tài chính doanh nghiệp còn nhiều. Do đó, việc chuyển đổi ngân hàng số có thể mở rộng phạm vi dịch vụ tài chính đến những người dân một cách an toàn nhất. Ngoài ra, những bước tiến lớn trong an ninh mạng có thể đảm bảo an toàn bảo mật dữ liệu cho người sử dụng.
Tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN nhấn mạnh xu hướng hợp tác giữa Ngân hàng và các Fintech. Ông cho rằng, nếu không có fintech thì mobile banking của các ngân hàng sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay.
“Trên thực tế, trước đây, các ngân hàng cũng đã từng trang bị dự án mobile banking nhưng sau đó một số đã phải dừng lại, nhưng khi hợp tác với fintech thì ngoài giao diện được thay đổi toàn diện thì các ngân hàng còn có cả một hệ sinh thái số từ fintech”, ông nói.
Vị này lấy ví dụ, các ngân hàng triển khai với fintech, chẳng hạn với VNPAY thì tập khách hàng gia tăng đáng kể khi có hệ sinh thái khách hàng từ nhà hàng, vé máy bay,….Ông cho rằng, hệ sinh thái số đóng vai trò tiên quyết, và fintech nào có hệ sinh thái lớn sẽ làm chủ thị trường và cuộc chơi.
“Nhiều đơn vị đến với chúng tôi để xin giấy phép hoạt động trung gian thanh toán, tôi hỏi ngay đã có hệ sinh thái chưa. Vì nếu không có hệ sinh thái thì sẽ nhanh chóng phá sản”, ông Dũng nói.
Nhìn lại sự hợp tác của ngân hàng và fintech trong những năm qua, ông Phạm Tiến Dũng kỳ vọng 2-3 năm nữa lĩnh vực P2P trong tương lai cũng sẽ đạt được hiệu quả tương tự, trở thành cầu nối giúp ngân hàng đến với nhiều khách hàng hơn.
Thói quen sử dụng mobile banking của người dân Việt Nam cũng đã có sự thay đổi. “Tôi tin rằng nếu đã sử dụng mobile banking thì không ai còn muốn quay lại thời mà phải có người đến nhà thu tiền điện, tiền mạng, tiền nước nữa”, ông Dũng chia sẻ. Ông cũng tin rằng, với sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thì hệ sinh thái số dịch vụ công cũng sẽ sớm hoàn thiện.
Định hướng thời gian tới, ông Dũng cho biết NHNN sẽ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý thích ứng với cuộc CMCN 4.0, hỗ trợ chuyển đổi số ngân hàng. Xây dựng khuôn khổ Sand Box, xây dựng hoàn thiện hạ tầng, mở rộng hợp tác quốc tế,…
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại sẽ xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo. Các ngân hàng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng trải nghiệm khách hàng,…Đồng thời, cần tăng cường rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng,…
Ngọc Bích
Theo Trí thức trẻ