Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Khởi nghiệp giữa mùa dịch Covid-19: Cơ hội nghìn năm có một!

Khởi nghiệp thời dịch Covid-19 không hề là ý tưởng điên rồ!

Vào tháng 3/2020, trong khi hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa trên khắp cả nước vì dịch Covid-19 thì Shanel Fields lại khởi nghiệp với MD Ally. Với bản thân Fields, đây là cơ hội nghìn năm có một bởi startup này hoàn toàn phù hợp trong tình hình dịch bệnh.

MD Ally cho phép nhân viên tổng đài kết nối những cuộc gọi nhờ trợ giúp về y tế nhưng không khẩn cấp đến các bác sĩ, qua đó giúp chính phủ đối phó tốt hơn với những trường hợp khẩn cấp trong mùa dịch.

“Mọi người thường không biết rằng có đến hơn 50% cuộc gọi đến đường dây nóng 911 là những vụ việc hoàn toàn không khẩn cấp. Những cuộc gọi này khiến hệ thống trợ giúp y tế khẩn cấp bị quá tải và làm chậm chễ việc cứu chữa cho các trường hợp nghiêm trọng hơn”, cô Fields nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, Fields hoàn toàn nhận thức được việc khởi nghiệp thời dịch Covid-19 điên rồ như thế nào. Trong khi startup của cô tuyển thêm người thì nhiều doanh nghiệp nhỏ khác đang lo lắng liệu họ có sống sót được qua mùa dịch hay không.

Tuy nhiên, tờ New York Times cho thấy những nhà khởi nghiệp như cô Fields không đơn độc. Nhiều startup vẫn mọc lên bất chấp đại dịch dù với tốc độ chậm hơn trước. Số liệu của Tổng cục thống lê Mỹ cho thấy kể từ giữa tháng 3/2020 đến nay đã có hơn 500.000 đơn xin thành lập doanh nghiệp. Dù con số này thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm trước nhưng rõ ràng dịch bệnh không dập tắt được kinh doanh và khởi nghiệp.

Trong khoảng giữa tháng 3 đến giữa tháng 4/2020, Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) đã cho vay 153 triệu USD với gần 300 startup, dù giảm 36% so với cùng kỳ năm trước nhưng không hề biến mất. Hãng xử lý thanh toán bằng thẻ tín dụng Stripe cũng cho biết đã ghi nhận hơn 1 triệu USD doanh số cho những công ty mới bắt đầu mở trong khoảng thời gian trên.

“Thời kỳ khó khăn sẽ là cơ hội tốt để bắt đầu khởi nghiệp bởi 2 nguyên nhân chính. Một là sẽ ít cạnh tranh về nguồn lực hơn. Tiếp nữa là dù chúng ta phải đối mặt với bất kỳ sự thay đổi nào, tiêu cực hay tích cực thì chúng cũng đem lại nhu cầu mới từ khách hàng. Mà nhu cầu của khách hàng mới là yếu tố cốt lõi cho sự tồn tại của doanh nghiệp”, Chuyên gia Rashmi Menon tại Viện nghiên cứu khởi nghiệp Zell Lurie thuộc đại học Michigan nói.

Đối với những nhà khởi nghiệp như cô Fields, mở công ty vào thời điểm này đồng nghĩa với cơ hội tiếp cận được những lao động chất lượng. Hiện cô đã tuyển được nhân viên thứ 4 và vẫn còn hơn 200 hồ sơ đăng ký xin việc nữa. Ngoài ra, việc khởi nghiệp trong ngành y tế mùa đại dịch giúp startup của cô thu hút hơn với nhà đầu tư cũng như dễ xin trợ cấp từ chính phủ hơn. MD Ally đã ký hợp đồng được với các khách hàng đầu tiên cũng như gọi vốn được 1 triệu USD cho vòng đầu.

Bên cạnh đó, việc khởi nghiệp mùa dịch Covid-19 cũng giúp các startup vay vốn với lãi suất thấp hơn, thu mua được các thiết bị với giá rẻ do những doanh nghiệp đóng cửa bán lại hoặc thậm chí thuê văn phòng với giá hời do các chủ đất muốn lấp đầy những khu nhà trống.

Người thắng kẻ thua

Số liệu của Tổng cục thống kê Mỹ cho thấy trong thời kỳ kinh tế phát triển, khoảng 20% số doanh nghiệp mới mở không sống quá 1 năm và tỷ lệ này còn tệ hơn trong giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên không phải công ty nào cũng đối mặt thách thức như nhau trong mùa dịch Covid-19. Một nhà hàng hay hiệu sách sẽ chịu tổn thương nhiều hơn so với những công ty công nghệ, vốn có thể làm việc từ xa cũng như không cần thiết phải gặp mặt trực tiếp khách hàng.

“Sẽ có những ngành kinh doanh giành chiến thắng và những ngành trở thành kẻ thua cuộc trong mùa dịch. Tôi có lẽ không muốn liên quan đến những ngành phải đi lại tiếp xúc nhiều, nhưng lại rất hứng thú với mảng công nghệ y tế”, Đồng sáng lập David Brown của tổ chức hỗ trợ startup Techstars nhận định.

Trong thời buổi hiện nay, định hình được nhu cầu của khách hàng là mấu chốt để một doanh nghiệp sống còn. Những nhu cầu này bao gồm giáo dục trẻ em từ xa, làm việc tại nhà, quản lý chuỗi cung ứng trực tuyến, nhu cầu cắt tóc hay dọn dẹp nhà cửa, dịch vụ tư vấn y tế hay giải trí tại gia…

Thậm chí những nhà hàng vẫn có thể thành công nếu họ xem xét ứng dụng công nghệ cho phục vụ khách hàng trong thời kỳ mới thay vì truyền thống cũ. Những sản phẩm như giao đồ ăn tới tận nhà hay phục vụ bữa ăn thịnh soạn tại gia đều có thể sống sót trong mùa dịch.

“Nếu bạn tìm ra phương án sáng tạo để giúp mọi người hưởng thụ bữa ăn mùa dịch thì điều này nghe có vẻ khả thi hơn. Tất cả những gì bạn cần là phải vạch ra được khách hàng muốn gì”, Chuyên gia Menon khẳng định.

Tìm cách mở cửa hàng ăn mùa dịch cũng đang là nhiệm vụ khó khăn của Maarten Jacobs,  giám đốc phụ trách cộng đồng tại quỹ từ thiện Allyn Family Foundation ở New York. Anh được giao nhiệm vụ quản lý việc đầu tư của quỹ vào tòa nhà 4 tầng, rộng 80.000 ft2, tương đương 7.400 m2. Khu vực này được quy hoạch trở thành nơi bán thực phẩm cho những nhà khởi nghiệp nhỏ. Trung tâm của dự án là khu chợ Salt City Market, nơi bày các quầy ăn, quán cà phê và cửa hàng thực phẩm.

Khu chợ được lên kế hoạch mở cửa vào tháng 11/2020 và ông Jacobs đang đâu đầu để chúng hoạt động suôn sẻ sau lệnh cách ly vì dịch Covid-19.

“Trong quá khứ, chúng tôi sẽ chỉ quan tâm làm thế nào thiết kế cho thật ngầu. Giờ đây thiết kế của các cửa hàng không chỉ phải bắt măt mà còn phải đảm bảo vệ sinh cũng như bền vững do lau chùi nhiều”, ông Jacobs thừa nhận.

Đầu bếp Ngọc Huynh

Tuy nhiên, những nhà khởi nghiệp chấp nhận mở cửa hàng tại khu chợ Salt City Market mới là mối lo lắng nhiều nhất của Jacobs. Ông đã quyết định tổ chức cuộc thi đầu bếp trong cộng đồng để lựa ra 8 người giỏi nhất. Họ sẽ được đào tạo thêm về kỹ thuật marketing cũng như hỗ trợ hết sức về trang thiết bị cùng với khoản vay 30.000 USD.

Tất nhiên không phải đầu bếp nào cũng dám tham gia. Việc theo đuổi giấc mơ mở nhà hàng là điều tuyệt vời với mọi đầu bếp, nhưng quyết định bỏ công việc ổn định trong mùa dịch để khởi nghiệp hàm chứa khá nhiều rủi ro.

Đầu bếp Ngoc Huynh là một trong những người chấp nhận bỏ công việc ổn định để mở nhà hàng tại khu chợ Salt City Market. Bản thân bà Huynh hiểu được những thách thức từ việc mở nhà hàng khi chứng kiến mẹ và cô của mình vừa làm việc chính vừa mở một quán ăn nhỏ. Tuy nhiên đầu bếp Huynh cho biết bà không đơn độc khi có sự trợ giúp của cả cộng đồng trong thời buổi khó khăn.

“Tôi muốn suy nghĩ lạc quan và tin tưởng vào những điều tốt đẹp”, bà Huynh nói.

Theo Cafebiz