Maciej Kranz – Phó chủ tịch Đổi mới chiến lược của Cisco, tác giả cuốn Thiết lập internet vạn vật trong doanh nghiệp, đưa ra những điển hình về sự thay đổi để thích ứng của các DN sáng tạo trong trào lưu 4.0.
Xu thế kết nối internet vạn vật (IoT) đang tạo ra nguồn cảm hứng cho doanh nghiệp (DN) đổi mới và triển khai chiến lược theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng bằng cách nào để nhà quản lý biết cách tận dụng những tiến bộ mới nhất trong IoT để phục vụ DN của mình?
Maciej Kranz – Phó chủ tịch Đổi mới chiến lược của Cisco, tác giả cuốn Thiết lập internet vạn vật trong doanh nghiệp, đưa ra những điển hình về sự thay đổi để thích ứng của các DN sáng tạo trong trào lưu 4.0. Cuốn sách bán chạy hàng đầu thế giới của ông đã chỉ ra những cách tận dụng tác động về mặt kỹ thuật, tổ chức và xã hội của IoT để phát triển, nhằm tránh được sự gián đoạn do những phát kiến đột phá của các DN khác gây ra trong bối cảnh thị trường biến đổi không ngừng như hiện nay.
Cuốn sách dự đoán 9 ngành công nghiệp đang bắt đầu đạt được lợi ích từ IoT với những yếu tố như phương tiện, y tế công cộng, tiết kiệm năng lượng, dịch vụ cung cấp vận chuyển hàng hóa, con người, môi trường làm việc, bán lẻ, các nhà máy, văn phòng và tại nhà.
Kranz nhận định các quốc gia châu Á như Việt Nam từ lâu đã được hưởng lợi từ chi phí lao động thấp giúp họ trở thành các trung tâm sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, trào lưu kết nối IoT song hành với các công nghệ phân tích dữ liệu, trí thông minh nhân tạo, điện toán đám mây và tiền điện tử đang khiến các DN cần hoạch định các chiến lược vượt khỏi chi phí lao động thấp.
Dự đoán đến năm 2020, hơn 1.460 tỷ USD sẽ được đầu tư vào IoT, đưa công nghệ này thành xu hướng có tầm ảnh hưởng lớn trong tương lai. Nghiên cứu của Cisco mang tên “Ready – Steady – Unsure” (Sẵn sàng – Ổn định – Không chắc chắn) cho thấy hơn 50% DN ở Việt Nam xếp IoT là một trong ba công nghệ hàng đầu sẽ tác động đến tương lai kỹ thuật số của họ. Trong đó có 36% DN cho biết đã bắt đầu ứng dụng các giải pháp IoT, là tỷ lệ cao nhất ở Đông Nam Á.
Kranz lưu ý DN Việt muốn tiếp cận IoT và để triển khai thành công chiến lược cần xác định ngay từ đầu rằng việc quan trọng là giải quyết vấn đề kinh doanh chứ không phải mấu chốt ở công nghệ. Trước tiên phải đánh giá năng lực, các kỹ năng và cơ sở hạ tầng DN đang có. Tiếp theo phải xác định rõ ràng các vấn đề DN cần giải quyết. Một khi xác định chắc chắn mới có thể dùng công nghệ để giải quyết vấn đề, đánh giá về khoản đầu tư đó và khi hoàn tất dự án phải rà soát, đánh giá lại hiệu quả.
Song, Kranz cũng nhấn mạnh những sai lầm DN có thể gặp phải khi triển khai IoT, phổ biến nhất là khởi sự của chiến lược lại tập trung vào công nghệ mà không phải từ các quy trình nghiệp vụ. DN cũng thường sai lầm khi không xây dựng một hệ sinh thái trong DN, kết nối các bộ phận thành một liên minh sẵn sàng cho IoT mà chỉ thiết kế các nhóm rời rạc tự làm với nhau và mở rộng.
Cũng cần tránh quan điểm sai về triển khai IoT, xem cốt lõi là công nghệ. Quan niệm này không còn đúng với thời đại IoT, thực tế đó là thực hiện số hóa tổ chức, đưa DN tiếp cận công nghệ và đổi mới một cách toàn diện. DN không chỉ tìm được các giải pháp xây dựng hệ sinh thái bên trong mà cả bên ngoài tổ chức mình để thành công.
Theo Doanh nhân Sài Gòn