“Việt Nam là một trong những thị trường lạc quan nhất về thương mại quốc tế và các doanh nghiệp có lý do để lạc quan,” TGĐ HSBC Việt Nam Tim Evans nhận định. Theo khảo sát mới đây, 97% doanh nghiệp Việt tin rằng doanh số bán sẽ tăng trưởng trong năm tiếp theo. Quan điểm trong trung hạn tại Việt Nam thậm chí còn tươi sáng hơn với 100% các công ty kỳ vọng doanh số bán sẽ tăng trong vòng 5 năm tới.
Được tiếp sức bởi một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và triển vọng quốc tế, các công ty Việt Nam đang kỳ vọng một tương lai kinh doanh tươi sáng, báo cáo mới nhất của HSBC, HSBC Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp cho biết.
Theo báo cáo, các công ty tại Việt Nam đang rất tự tin về tương lai. Một bộ phận lớn các công ty tham gia khảo sát (97%) tin rằng doanh số bán của họ sẽ tăng vào năm sau.
39% các công ty tại Việt Nam được coi là các công ty kỳ vọng tăng trưởng cao với mức kỳ vọng tăng trưởng ít nhất là 15% trong năm tới, gần gấp đôi con số trung bình toàn cầu (22%). Quan điểm trong trung hạn tại Việt Nam thậm chí còn tươi sáng hơn với 100% các công ty kỳ vọng doanh số bán sẽ tăng trong vòng 5 năm tới.
Các thị trường cũng lạc quan như Việt Nam là Indonesia, Bangladesh và Ấn Độ, với mức tự tin đạt hơn 95%.
“Việt Nam là một trong những thị trường lạc quan nhất về thương mại quốc tế và các doanh nghiệp có lý do để lạc quan,” ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhìn nhận.
“Nền kinh tế Việt Nam đang ở vào vị thế rất tốt, với mức tăng trưởng 7,1% năm 2018, cao nhất trong vòng 10 năm vừa qua, và động lực cho 2019 được duy trì khi tăng trưởng quý 3 vừa được công bố ở mức 7,31%. Thu nhập và tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đang gia tăng, lĩnh vực sản xuất đang phát triển mạnh mẽ và khu vực dịch vụ đang góp phần quan trọng trong tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Việt Nam vẫn duy trì động lực tốt để tận dụng được những lợi ích từ thương mại quốc tế trong những năm tới.”
Cuộc khảo sát cũng cho thấy các công ty Việt Nam lạc quan khi nói tới những tác động của thương mại quốc tế. Trong năm năm tới, 98% doanh nghiệp khảo sát tin rằng thương mại quốc tế sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo (so với trung bình 80% trên toàn cầu), trong khi 96% nói rằng thương mại quốc tế sẽ mang lại những cơ hội kinh doanh mới (79% trên toàn cầu) và gia tăng hiệu quả (95% so với 78% trên toàn cầu).
Hơn một phần ba số doanh nghiệp khảo sát (32%) đang nghiên cứu việc áp dụng các công nghệ số để tăng cường chuỗi cung ứng, gia tăng tốc độ đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường và tiến tới gần hơn với người tiêu dùng. Với việc thiếu hụt nhân lực có kỹ năng tiếp tục là rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đang cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ và đầu tư vào kỹ năng mới cho đội ngũ lao động.
Báo cáo của HSBC cho biết trong vòng 3 năm qua, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã ngày càng nhận thức hơn về các chính sách bảo hộ trên thế giới. Hơn bốn phần năm doanh nghiệp (87%) nghĩ rằng các chính phủ đang bảo hộ nhiều hơn đối với các doanh nghiệp trong nước, so với mức 78% năm trước và 67% năm trước đó.
Tuy nhiên, cũng như nhiều công ty trên thế giới, 72% các doanh nghiệp Việt Nam thấy họ đang hưởng lợi nhiều hơn là mất từ chủ nghĩa bảo hộ, so với 57% trên toàn cầu và 56% tại châu Á – Thái Bình Dương. Chỉ một trong mười doanh nghiệp thấy rằng họ đang mất nhiều hơn là hưởng lợi, ít hơn mức 16% trên toàn cầu và 17% tại châu Á – Thái Bình Dương.
Khảo sát HSBC Navigator là khảo sát toàn cầu xem xét lòng tin và kỳ vọng của 9.131 doanh nghiệp về hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh doanh tại 35 thị trường. Khảo sát do Kantar tiến hành trong khoảng thời gian tháng 8 – 9/2019. Hơn 5.000 công ty tham gia phỏng vấn là doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh thu hàng năm trong khoảng từ 5 – 50 triệu USD, số lượng còn lại là các doanh nghiệp cỡ lớn.
Theo Trí Thức Trẻ