Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến thời điểm này đã có khoảng 1/3 số ngân hàng trong hệ thống hạ lãi suất huy động để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất.
Theo thông báo từ VietinBank, từ nay đến 30/6 tới, căn cứ trên mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, khách hàng sẽ được xem xét áp dụng ưu đãi giảm trừ lãi suất cho vay từ 1,25% – 3%/năm so với mức sàn lãi suất cho vay thông thường. Ngân hàng này sẽ tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi đối với dư nợ cũ trong thời gian tối đa 6 tháng.
Tương tự, ngân hàng VIB đã triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất và giảm phí nhằm hỗ trợ gần 600 khách hàng doanh nghiệp bị thiệt hại. Tổng dư nợ của khách hàng doanh nghiệp được giảm lãi trong đợt này là khoảng 2.500 tỷ đồng với mức lãi giảm từ 0,5 – 1,5%/năm.
Theo ước tính ban đầu, ngân hàng sẽ có khoảng gần 6.500 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có khoảng 86 doanh nghiệp lớn và vừa, còn lại là doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân.
Eximbank cũng triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp lớn và gói cho vay USD với tổng hạn mức là 50 triệu USD, lãi suất vay chỉ từ 3,2%/năm.
Mới đây, ACB cũng tung ra gói tín dụng ưu đãi quy mô lên đến 25.000 tỷ đồng.Theo đó, để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm cũng như hỗ trợ các khách hàng đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ACB tiếp tục công bố gói vay 25.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hấp dẫn từ nay đến hết 30.06.2020. Trong đó, với gói vay ưu đãi này, ACB dành 13.000 tỷ đồng cho các khách hàng cá nhân và 12.000 tỷ đồng cho các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Với các khách hàng là cá nhân, gói vay này ưu đãi lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm cho các khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và 8.5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn. Với gói ưu đãi lần này, khách hàng có thể lựa chọn nhiều kỳ hạn cố định lãi suất đầu tiên lên đến 36 tháng.
Ngoài ra, khách hàng vay vốn theo chương trình này chưa phải trả nợ vốn gốc (ân hạn vốn) trong 12 tháng và được áp dụng chính sách miễn phí trả nợ trước hạn linh hoạt trong thời gian ân hạn vốn.
Tương tự, Sacombank triển khai nguồn vốn 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm mạnh đến 2% một năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Căn cứ vào phương án kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, khách hàng có thể vay vốn ngắn hạn với lãi suất tối thiểu 6,5% một năm đối với doanh nghiệp và 8,5% một năm đối với cá nhân. Thời gian triển khai gói vay sẽ kết thúc vào ngày 30/6 hoặc khi hết hạn mức.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đã áp dụng chính sách giảm lãi suất, ưu đãi cho vay doanh nghiệp như: MBBank, Agribank, VPBank, Vietcombank… Toàn ngành ngân hàng đã cam kết gói tín dụng hỗ trợ với nhiều ưu đãi lên tới 285.000 tỷ đồng.
Đồng hành cùng các ngân hàng, NHNN đang tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch bệnh như: yêu cầu các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, rà soát đánh giá để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, không chuyển nhóm nợ… Về việc giảm và ưu đãi lãi suất, các ngân hàng sẽ phân tích và xác định mức độ thiệt hại của khách hàng trong dịch Covid-19 và đưa ra chính sách.
Với những động thái tích cực này, các chuyên gia kinh tế dự đoán, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới.
Theo đánh giá sơ bộ của các Tổ chức tín dụng gửi về Ngân hàng nhà nước, số dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tạm tính là 926.000 tỷ đồng, chiếm hơn 11% tổng dư nợ nền kinh tế. Đây là số dư nợ bị ảnh hưởng dẫn tới khả năng không thể trả nợ đúng hạn của các doanh nghiệp hiện nay.
Phương Nga
Theo Nhịp Sống Kinh Tế