Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững từ góc nhìn của Lazada

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng phát triển. Nhưng để thực sự ‘chắp cánh’ thì các doanh nghiệp TMĐT cần chú trọng xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử hoàn chỉnh.

Đó là một trong những nội dung được thảo luận tại Diễn đàn kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics vào ngày 4.12.2019 vừa qua. Diễn đàn là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2019 đã diễn ra tại thành phố Hạ Long từ ngày 4.12 tới 6.12.2019.

Có thể nói Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển TMĐT khi có tới 64 triệu người dùng internet (chiếm 66% dân số), 62 triệu người dùng mạng xã hội (64% dân số), số thuê bao di động đạt 143 triệu trong đó 72% dân số sử dụng smartphone. Mặc dù vậy, vẫn còn những nút thắt trong quá trình mua sắm trực tuyến, như cơ sở hạ tầng logistics, các phương thức thanh toán trực tuyến. Vì vậy, để thực sự có những phát triển ấn tượng, các doanh nghiệp TMĐT cần đầu tư vào xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Nhưng như thế nào mới là một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho TMĐT phát triển? Là một diễn giả trong diễn đàn, ông James Dong – Tổng giám đốc Lazada Việt Nam đã chia sẻ về mô hình hệ sinh thái TMĐT mà Lazada đang xây dựng, qua đó mở ra thêm góc nhìn và định hướng mới cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam.Theo ông James Dong, hệ sinh thái của Lazada mang đến các giải pháp đáp ứng nhu cầu của cả các thương hiệu, nhà bán hàng và của người tiêu dùng khi được xây dựng dựa trên 3 yếu tố trọng tâm: Phát kiến công nghệ tiên tiến; hệ thống Logistics và các phương thức thanh toán đa dạng.

Ông James Dong – Tổng giám đốc Lazada Việt Nam chia sẻ hệ sinh thái TMĐT của Lazada được xây dựng dựa trên 3 yếu tố trọng tâm: Công nghệ, Logistics và Phương thức thanh toán

Trong đó, về công nghệ, hiện Lazada đang được kế thừa các nền tảng công nghệ hiện đại nhất của Tập đoàn Alibaba. Sáng kiến nổi bật có thể kể đến là việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo để cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng, hay việc lồng ghép các trò chơi tương tác vào nền tảng TMĐT.

Bên cạnh đó, một trong những thế mạnh của Lazada là hệ thống logistics bài bản với nhiều trung tâm xử lý đơn hàng trải dài trên khắp Việt Nam. Đặc biệt, mới đây Lazada đã cho ra mắt dịch vụ mới là Điểm nhận hàng (Collection point) để giúp khách hàng có thể nhận hàng một cách thuận tiện và chủ động hơn. Thông qua dịch vụ mới này, người mua có thể dễ dàng chọn lấy hàng tại một trong hơn 300 địa điểm thuộc hệ thống các cửa hàng đối tác, bao gồm rất nhiều cửa hàng tiện lợi mở 24/7 như Circle K, các quán trà sữa, cửa hàng quần áo hay nhà thuốc của hệ thống PostCo. Tất cả các điểm lấy hàng này sẽ được hiển thị trên bản đồ và người dùng có thể lựa chọn phương án nhận hàng tại nhà hoặc tại các điểm nhận hàng khi đặt hàng trên Lazada.

Đi cùng với xu hướng công nghệ IoT, vào đầu tháng 10 vừa qua, Lazada cũng đã hợp tác cùng iLogic Việt Nam để triển khai hệ thống các điểm lấy hàng tự động qua “tủ khóa thông minh” (smart locker). Người mua hàng có thể chủ động lấy hàng mọi lúc và hoàn toàn tự động sau khi đặt hàng trên Lazada. Người mua chỉ cần quét mã QR (nhận qua email) hoặc nhập số điện thoại và mã OTP (mật khẩu sử dụng một lần) để mở tủ khóa và lấy hàng dễ dàng.Khác với công nghệ và logistics, vấn đề về thanh toán đang là một trở ngại đối với TMĐT tại Việt Nam do phần lớn người dân vẫn chưa quen với việc sử dụng thẻ tín dụng hoặc các ví điện tử. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với Chính phủ, các ngân hàng và các doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử, Lazada đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân lựa chọn các phương thức thanh toán đa dạng hơn, từ đó góp phần đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế không tiền mặt.

Lazada đã và đang hợp tác cùng với nhiều đối tác là các ngân hàng, các doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử để góp phần đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế không tiền mặt

Lazada hiện đang vận hành tại 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và cũng là một phần của Tập đoàn Alibaba – doanh nghiệp phát triển bền vững nhất hiện nay. Thông qua Diễn đàn kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics, Lazada mong muốn có thể giới thiệu mô hình phát triển bền vững này đến với ngày càng nhiều hơn nữa các doanh nghiệp TMĐT, qua đó, góp phần thúc đẩy nền kinh tế TMĐT tại Việt Nam vươn xa hơn nữa trong những năm kế tiếp.

Theo Thanh niên