Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Hành trình vượt “đáy nỗi đau” của ông chủ Kids Plaza Đỗ Văn Tuấn

Mở một mạch 71 cửa hàng mới phát hiện doanh nghiệp không còn tiền, một loạt nhà cung cấp đòi thanh toán, thậm chí thuê đầu gấu đến đòi nợ.

Đó là chia sẻ của chủ tịch Kids Plaza Đỗ Văn Tuấn khi nói về khủng hoảng trong những ngày đầu khi lập chuỗi siêu thị mẹ và bé mang tên Kids Plaza.

Mở một mạch 71 cửa hàng chỉ vì… đam mê

Thời điểm năm 2007, bộ sách Dạy con làm giàu được chuyển ngữ sang tiếng Việt, tạo nên một làn sóng hâm mộ lớn. Bộ sách này cũng ảnh hưởng không ít đến Đỗ Văn Tuấn. Tuy nhiên, khác với những độc giả khác, ông còn tìm thấy cơ hội kinh doanh sau trang sách.

Ông Đỗ Văn Tuấn, CEO, người sáng lập hệ thống siêu thị Kids Plaza

Ông kể: “Trong bộ sách có đề cập đến bộ trò chơi “Game Cashflow” (Trò chơi dòng tiền), ở nước ngoài, bộ trò chơi này được bán với giá khá đắt. Biết là phần đông người Việt sẽ không chạm đến được bộ trò chơi này, dù rất thích, tôi đặt hàng các đơn vị trong nước sản xuất bộ trò chơi này và bán trực tuyến. Lúc đó, tôi không nghĩ đây là cơ hội kinh doanh mà chỉ đơn giản là sản xuất để nhiều người, trong đó có mình và người thân, có thể thực hành những kiến thức trong trò chơi này”.

Đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, 5.000 bộ “Game Cashflow” làm ra được tiêu thụ sạch. Thế nhưng, sự đón nhận của thị trường cùng với khoản lợi nhuận có được không làm Đỗ Văn Tuấn hài lòng. Ông cảm thấy ray rứt do biết điều mình làm là sai vì đã vi phạm bản quyền, lợi dụng tài sản trí tuệ của người khác. “Tôi quyết định dừng lại. Một quyết định không dễ dàng khi phải đặt lợi nhuận và lòng tự trọng ở hai đầu của một cán cân”, ông trải lòng. 

Từ bỏ công việc kinh doanh ông Tuấn tiếp tục làm thuê, tìm hướng khởi nghiệp riêng.

Đến năm 2009, nhận thấy thị trường dành cho trẻ em đang bị chiếm lĩnh bởi sản phẩm kém chất lượng từ Trung Quốc, các bậc phụ huynh phải mua hàng xách tay từ nước ngoài mới có thể yên tâm về chất lượng cho con em mình, ông Tuấn đã nghĩ ra ý tưởng sản xuất những sản phẩm an toàn, chất lượng mang thương hiệu Việt.

Thời điểm ban đầu khá khó khăn và phải mất một năm để ông tìm hiểu và quan sát các sản phẩm của nhiều cửa hàng khác nhau. Từ đó phân tích và rút ra những mong muốn của khách hàng. Ông Đức quyết định đi vay tiền mở cửa hàng. Chạy vạy khắp nơi được 100 triệu đồng làm vốn, sau một thời gian, ông Tuấn mở cửa hàng đầu tiên tại tầng 3 của một ngôi nhà trên phố Thái Thịnh, Hà Nội.

Thời điểm đầu, cửa hàng của ông chỉ bán những sản phẩm đồ chơi thông minh và bình sữa. Thế nhưng, vì khách hàng trước đây đã quen dùng các loại bình sữa Trung Quốc nên ông không bán được nhiều.

Đứng trước khó khăn như vậy, ông Tuấn phải chuyển sang hình thức kinh doanh online. Website Kidsplaza.vn đã ra đời trong hoàn cảnh này. Chỉ trong vòng 4 tháng, trang web đã tạo được chú ý và trở nên nổi tiếng đối với các mẹ bỉm sữa. Với lượng khách lớn, ông Tuấn quyết định mở rộng quán xuống tầng 1. Kid Plaza có địa chỉ chính thức đầu tiên ở số 20 Thái Thịnh.

Tiếp tục kinh doanh thuận lợi đến năm 2011, Kids Plaza mở thêm cửa hàng thứ 2. Sau đó, chuỗi cửa hàng bắt đầu bùng nổ trong giai đoạn 2015-2016 ở các tỉnh thành phía Bắc như : Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng và khu vực phía Nam với TP. Hồ Chí Minh nâng con số cửa hàng lên 71.

Đi lên từ “thất bại xương máu”

Chia sẻ về những bài học kinh doanh, ông Đỗ Văn Tuấn cho biết Kids Plaza đã phát triển rất nhanh. Chỉ trong vài năm, hệ thống này đã phát triển lên tới 71 cửa hàng.

Nhưng trên đời, cái gì nhanh quá cũng không tốt. Và khủng hoảng đã ập đến với Kids Plaza vào lúc hệ thống này đang phát triển ở đỉnh cao. “Khi mở đến cửa hàng thứ 71, bỗng nhiên có rất nhiều nhà cung cấp đòi thanh toán trong khi công ty không có tiền. Lúc đấy tôi mới hiểu thế nào là khủng hoảng dòng tiền”, ông Đỗ Văn Tuấn kể lại.

Theo ông Tuấn, thời kì ban đầu, ông mở Kids Plaza mà không có khái niệm gì về chuỗi bán lẻ, dòng tiền hay quản trị hiện đại… tất cả chỉ dựa vào nỗ lực và niềm đam mê. Công ty thậm chí còn không có giám đốc tài chính mà chỉ có kế toán làm thống kê đơn thuần.

“Khi có quá nhiều nhà cung cấp đòi tiền, tôi mới phát hoảng, hóa ra mình không có đồng nào trong tay mà dám mở một loạt cửa hàng. Tôi cũng không biết rằng mình có bao nhiêu tiền để mở nữa.

Có thời điểm khó khăn quá, một số nhà cung cấp không cho nợ nữa mà mình cũng không có tiền để trả, thế là họ thuê đầu gấu đến đòi nợ. Cuộc đời mình chưa khi nào vấp phải chuyện thế này. Trong 3 – 4 tháng, mình không thể ngồi một chỗ, lúc nào cũng phải đi lại, đến các cửa hàng để xem khách hàng đang nói gì về mình. Các nhà cung cấp cũng vậy, họ đồn với nhau là “đừng bán hàng cho Kids Plaza nữa”, ông Tuấn kể lại.

Thời điểm cùng cực nhất cuộc đời, vị Chủ tịch sinh năm 1983 lên thư viện tìm kiếm tất cả đầu sách có từ “Thất bại” và mua một loạt.

Lúc ấy, ông Tuấn bình tĩnh ngồi lại khi đọc được câu chuyện của vị tỷ phú Donald Trump, nay là Tổng thống Mỹ. “Trong một lần ngân hàng có ý định siết nợ, vị tỷ phú này đã nói rằng: “Tôi còn sống. Các anh phải để cho tôi sống thì tôi mới trả tiền được””, ông Tuấn kể.

Và từ câu chuyện của ông Trump, ông Tuấn quyết định cùng một sáng lập viên khác của Kids Plaza đến gặp từng nhà cung cấp để khất nợ.

“Các nhà cung cấp bắt đầu đồng ý giãn nợ cho 6 tháng, có nhà cung cấp cho giãn nợ nhiều hơn, thậm chí cho vay tiền”.

Do mở quá nhiều cửa hàng mà không quản trị tốt, các cửa hàng mới còn chưa kịp sinh lời đã mở thêm cửa hàng mới, dẫn đến việc thời điểm ấy các cửa hàng Kids Plaza còn rất ít hàng, trong khi công ty không còn tiền để mua hàng.

Khất nợ được các nhà cung cấp nhưng lương của cán bộ công nhân viên Kids Plaza lại là một vấn đề nan giải. Để giải quyết bài toán này, ông Tuấn kể: “Thời điểm ấy, chúng tôi họp các nhân viên lại, chia sẻ tình hình, mong các bạn tạm thời không nhận lương và cho công ty vay tiền. Rất may là các nhân viên đã đồng ý để công ty hoãn lại tiền lương. Chúng tôi khi ấy chỉ trả lương cho nhân viên bán hàng, các cấp quản lý và lãnh đạo Kids Plaza không nhận lương”. 

Những biện pháp mang tính tình thế này đã cứu nguy cho Kids Plaza. Sau một thời gian, hệ thống cửa hàng bắt đầu được hồi sinh và dần trở lại nhịp phát triển như trước.

Sau những vấp váp, chia sẻ về nghệ thuật quản trị của công ty, ông Tuấn cho hay trước đây Kids Plaza chỉ có một phần mềm, không đủ đáp ứng được nhu cầu báo cáo lỗ/lãi. Lỗ/lãi tháng này có khi phải đợi 2 – 3 tháng sau mới có báo cáo. Do đó, các lãnh đạo rất khó khăn trong việc đưa ra quyết định.

Để cải thiện tình hình, ông Tuấn quyết định đưa vào vận hành một phần mềm mới. Nhưng khi áp dụng phần mềm này, Kids Plaza phải đối mặt với khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng.

“Mỗi ngày công ty phải tiếp nhận hàng chục lá đơn xin nghỉ việc. Thời điểm đấy chị trưởng phòng nhân sự phải than thở ‘Nếu có kiếp sau, tôi sẽ không làm hành chính nhân sự nữa’”, ông Tuấn kể.

Khủng hoảng nhân sự của Kids Plaza đã khiến ban lãnh đạo công ty khủng hoảng theo. “Chúng tôi không biết phải làm sao. Trong 3 tháng đầu áp dụng phần mềm mới, chúng tôi không nhìn thấy tồn kho để đặt hàng, không nhìn thấy công nợ của nhà cung cấp. Các bạn biết với cửa hàng bán lẻ thì tỷ lệ mất hàng thường chiếm 0,5 -1% doanh số và công ty bị mất nhiều hàng vì không kiểm soát được”.

Phải mất 6 tháng, Kids Plaza mới áp dụng thành công phần mềm. “Và thành quả bây giờ là chỉ cần click chuột là biết lợi nhuận hôm nay là bao nhiêu. Tôi đã nói với các lãnh đạo “đỉnh cao của kiên trì là lì lợm’”, ông Đỗ Văn Tuấn nói.

“Kinh doanh bán lẻ nói chung và ngành mẹ và bé nói riêng là một cuộc đua đường dài. Để thành công trong thời gian ngắn thì có nhiều người làm được, nhưng để duy trì thì rất khó. Người ta nói ‘Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi’ nên chúng tôi phải luôn cố gắng để đi một quãng đường dài, chứ đi một thời gian người ta không thấy mình đâu nữa thì đó không phải là cách làm kinh doanh”, ông Tuấn kết luận.

Theo Enternews.vn