Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Hành trình truyền lửa của Nữ hoàng mía đường Huỳnh Bích Ngọc

Với kinh nghiệm 40 năm và đặc biệt là niềm đam mê đối với cây mía, bà Huỳnh Bích Ngọc có thể được xem là người phụ nữ quyền lực bậc nhất của ngành Mía đường Việt Nam.

Mới đây, CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar, HoSE: SBT) công bố bà Huỳnh Bích Ngọc, vợ doanh nhân Đặng Văn Thành được bầu làm Chủ tịch HĐQT công ty. Bằng việc mua vào 35 triệu cổ phiếu cũng như tham gia HĐQT SBT vào tháng 10, bà Huỳnh Bích Ngọc đã cho thấy tâm huyết đối với ngành mía đường.

Người “giữ lửa” của TTC

Bà Huỳnh Bích Ngọc – vợ doanh nhân Đặng Văn Thành được biết đến là người tâm huyết và hoài bão với ngành nông nghiệp. Sau khi có những thành tựu ngưỡng mộ ở mảng nông nghiệp của TTC, bà vẫn tiếp tục nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao theo “công thức vàng”: lắng nghe, học hỏi, chọn lọc, áp dụng, chia sẻ.

Vào thời kỳ đại gia Đặng Văn Thành gặp khó khăn, mọi công việc sản xuất, thương mại đều giao lại cho bà Huỳnh Bích Ngọc điều hành.

Những ngày đầu khởi nghiệp, bà Ngọc đã cùng chồng là Doanh nhân Đặng Văn Thành rong ruổi ngược xuôi các tỉnh miền Tây Nam Bộ để thu mua mật rỉ về nấu cồn. Giai đoạn ông Đặng Văn Thành xây dựng Sacombank, bà Ngọc chính là người đã quán xuyến, điều hành mảng mía đường của TTC.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, bà Ngọc chia sẻ: “Có thể nói, cơ duyên đến với nghề đường của vợ chồng tôi đơn giản là vì mưu sinh. Tôi cũng là người luôn đi đầu trong việc áp dụng những cách làm mới, hướng đi mới để nâng cao năng lực không chỉ cho nhà máy của tôi mà cho cả ngành đường. Vì vậy, nhiều người còn nói đùa “trong máu của tôi cũng có đường”.

Lúc đó kinh doanh mật rỉ đường là nghề của dì ông Đặng Văn Thành, vợ chồng vị doanh nhân đã lập cơ sở Thành Công sản xuất kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ đường dùng trong sản xuất bột ngọt, cồn, men thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc…

Thời gian đầu, cơ sở Thành Công do một mình ông Thành quản lý, bà Ngọc chỉ làm thủ quỹ và nội trợ. Năm 1991, khi ông Thành quyết định chuyển sang lĩnh vực mới là ngân hàng, bà Ngọc mới chính thức quản lý tiếp và sau đó là sự ra đời của Thành Thành Công.

Tiền thân của Thành Thành Công hiện nay là cơ sở kinh doanh cồn được thành lập vào năm 1979. Tại thời điểm bấy giờ, Thành Thành Công được xem là một trong hai cơ sở kinh doanh Cồn có quy mô lớn nhất ở TP. HCM.

Năm 1999, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh, Công ty TNHH SX-TM Thành Thành Công được thành lập trên cơ sở phát triển của Cơ sở Cồn Thành Công. Trong giai đoạn này, Thành Thành Công ưu tiên phát triển hệ thống phân phối trải rộng cả nước, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh,

Đến ngày 28/7/2007, Công ty Thành Thành Công đã chuyển sang hoạt động ở mô hình mới – mô hình công ty cổ phần với tên gọi là Công ty cổ phần SX – TM Thành Thành Công.

Ban đầu, Thành Thành Công chủ yếu làm phân phối. Với tiềm lực tài chính của mình và quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, công ty đã tiến hành đầu tư vào nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường khác.

Những doanh nghiệp mía đường mà tổ hợp Thành Thành Công nắm quy.ền chi phối hoặc có ảnh hưởng lớn có thể kể đến: Bourbon Tây Ninh (SBT), Đường Ninh Hòa (NHS), Đường Biên Hòa (BHS), Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Mía đường 333 (S33), Mía đường Phan Rang, La Ngà,…

Thương vụ lớn nhất của Thành Thành Công là đã mua lại cổ phần chi phối của Bourbon Tây Ninh khi Tập đoàn Bourbon (Pháp) quyết định thoái toàn bộ vốn tại công ty này. Khi đó, Bourbon Tây Ninh là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành.

Trong bối cảnh ngành đường gặp nhiều khó khăn từ việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu, kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, chính bà đã cho ra giải pháp gia tăng năng suất, chữ đường cây mía giúp cả nông dân và nhà máy của mình thoát cơn “hiểm nghèo”.

Từ việc kinh doanh hàng nông sản ở Tây Ninh, bà Ngọc từng bước trở thành nữ hoàng của ngành mía đường khi quản lý, điều hành những doanh nghiệp đường quy mô lớn.

“Giữ lửa” tổ ấm

Không chỉ sát cánh bên cạnh chồng – doanh nhân Đặng Văn Thành trong các cuộc đàm phán thương mại, những buổi ký kết hợp tác, nhiều quyết định mang tính chiến lược, chuyến công tác với cường độ làm việc cao, chuyến đi thiện nguyện…, bà Huỳnh Bích Ngọc còn chu toàn với vai trò làm vợ, làm mẹ khi trở về tổ ấm của mình.

Nguyên tắc giữ lửa của gia đình vị đại gia này là luôn duy trì bữa cơm gia đình, đặc biệt là buổi trưa. Dù bận công việc gì thì vợ chồng con cái đều phải tụ họp để ăn cơm cùng nhau.

Bà Ngọc chia sẻ, nấu ăn là một trong những sở thích giúp bà cân bằng cuộc sống và công việc. Chính sở thích này đã kết nối các thành viên trong gia đình, dù cuộc sống kinh doanh của mỗi người rất bận rộn. “Đó là khoảng thời gian quý báu để cả nhà quây quần, gần gũi với nhau”, bà Ngọc nói.

Bà Ngọc cũng luôn tâm niệm rằng, dù thành công đến đâu, giữ vị trí gì trong xã hội nhưng về nhà, vợ bao giờ cũng “thấp” hơn chồng một bậc.

Vì vậy, ngoài sự hiểu biết để ứng xử, người phụ nữ luôn phải giữ sự dịu dàng, nhân hậu. Đó là nguyên tắc thành công trong cuộc sống và công việc.

“Tuy nhiên, cũng có lúc công việc căng thẳng, mình không kiểm soát được cảm xúc và dễ nổi nóng, nhưng sau đó phải biết nhìn lại vấn đề, đặt mình vào người khác để cảm thông, chia sẻ. Nhiều người còn hỏi tôi, khi hai vợ chồng cùng làm công việc kinh doanh, chắc rất ít thời gian dành cho nhau và cũng có nhiều quan điểm, cách nghĩ trái ngược nhau. Đối với chúng tôi thì không phải vậy, anh Thành luôn tư vấn và hỗ trợ tôi trong mọi việc, kể cả chăm sóc tôi khi tôi ham làm việc đến quên cả ăn uống, nghỉ ngơi. Chúng tôi quan niệm, thương trường nhiều sóng gió nên mái ấm bình yên là nơi giúp giảm căng thẳng và cân bằng cuộc sống”, bà Ngọc chia sẻ.

Nói về việc nuôi dạy các con, bà Ngọc cho biết, điều hạnh phúc và may mắn nhất đối với bà không phải là giàu có, địa vị, mà là một gia đình rất hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo và thành đạt.

Bà Ngọc nói: “Hồi trước, khi hai cháu Hồng Anh và Ức My chưa trưởng thành, tôi bị khá nhiều áp lực vì anh Thành rất coi trọng việc học hành của các con, anh nói: “Mình thành công bao nhiêu mà con cái không học hành đến nơi đến chốn thì chẳng có ý nghĩa gì. Và anh giao trách nhiệm này cho tôi, thậm chí bảo tôi nếu không cáng đáng nổi thì không nên làm kinh doanh nữa.”

Chưa bao giờ người ta thấy bà Huỳnh Bích Ngọc đứng một mình dưới ánh hào quang của sự thành công và viên mãn. Bà luôn chọn cho mình vai trò là hậu phương vững chắc cho chồng và các con. Tại TTC Group, bà Ngọc thường được biết đến với vai trò điều hành, thực thi những chiến lược mà ông Đặng Văn Thành xây dựng.

Truyền lửa cho thế hệ kế thừa

Nói riêng về nông nghiệp, ngành kinh tế mà bà Huỳnh Bích Ngọc đặt nhiều tâm huyết, Đặng Huỳnh Ức My là cái tên thường được bà nhắc đến với niềm tự hào. Với việc phát triển thành công mảng mía đường, bà Ngọc được biết đến là “nữ hoàng mía đường” còn con gái bà được gọi là “công chúa mía đường”.

Bằng tầm nhìn và tư duy hiện đại cùng nền tảng kiến thức chuyên sâu được đào tạo bài bản từ môi trường quốc tế, bà Đặng Huỳnh Ức My thể hiện suất xắc vai trò lãnh đạo khi sát cánh cùng mẹ mình phát triển mảng nông nghiệp của tập đoàn. Công ty thương mại TSU của TTC do bà My điều hành 5 năm nay ở Singapore, được xem là một trong những kênh chiến lược quan trọng của hoạt động thương mại, giúp TTC chủ động hơn trong việc nắm bắt tình hình thị trường mía đường toàn cầu.

Sau gần 10 năm trong ngành mía đường, bà Đặng Huỳnh Ức My đã đưa thương hiệu TTC Sugar chinh phục hơn 50% thị phần ngành đường tại Việt Nam, đưa sản phẩm vươn ra 21 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Singapore… vốn là những nơi đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.

Nối nghiệp con đường của mẹ, cô gái được mệnh danh là “công chúa mía đường” từng tâm sự trên Forbes Việt Nam: “Tôi buộc mình phải có trách nhiệm với những người, những thứ “đã cho” mình có cuộc sống trọn vẹn như ngày hôm nay… Tôi thương cha, thương mẹ. thương công sức, tâm huyết mà họ đã bỏ ra để có được “người mới” ngày hôm nay… Đối với riêng tôi, tôi hãnh diện vì mình là người “kế thừa” hơn là người “thừa kế”. Tôi yêu công việc, yêu trách nhiệm mà mình nhận lãnh theo hướng tích cực”.

Chính vì quan điểm “không có gì thay thế được gia đình” và sẵn sàng nhận trách nhiệm theo hướng “tre già, măng phải mọc” nên sau những biến cố lớn của gia đình, cùng với người anh cả, Đặng Huỳnh Ức My vẫn luôn nỗ lực để gìn giữ và phát huy những gì cha mẹ đã đổ bao mồ hôi, nước mắt để xây dựng nên.

Những giá trị bền vững được người giữ lửa Huỳnh Bích Ngọc cùng với con gái Đặng Huỳnh Ức My xây dựng và gìn giữ trong hơn 50 năm qua, đã giúp TTC Sugar khẳng định vị thế của một trong những công ty mía đường đầu ngành niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ENTERNEWS.VN