Tháng 10/2019, quỹ đầu tư ESP Capital tuyên bố rót vốn 500.000 USD (11,6 tỷ đồng) vào startup giáo dục MindX. Đây là một công ty hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái giáo dục công nghệ theo mô hình “Little Silicon Valley“.
Ngoài ra, MindX còn kết hợp mô hình không gian làm việc chung co-working space với 5.000 m2 mặt sàn tại 5 trung tâm tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, là nơi làm việc của hơn 200 startup.
Mục tiêu của MindX muốn tạo ra các nhà sáng chế, doanh nhân khởi nghiệp, những người tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội. Ở đó, trẻ em được học những kĩ năng mới trong thời đại 4.0 như lập trình, robotic, đồ hoạ máy tính, 3D, VR/AR, làm phim/video, v.v. từ rất sớm.
Ít ai biết rằng, founder của startup này là một cô gái rất trẻ sinh năm 1994, khởi nghiệp khi còn là sinh viên năm 2 của trường đại học Ngoại Thương.
Từ Top 3 đại sứ sinh viên Google Đông Nam Á
Nguyễn Thị Thu Hà, hay còn gọi là Hà San sinh ra trong một làng quê nghèo ở Ân Thi, Hưng Yên. Bạn bè cùng lứa với Hà đến cấp 2, cấp 3 là bỏ học, đi làm công nhân hoặc làm thuê phụ giúp gia đình. Ngay từ cấp 3, Hà đã nghĩ sau này mình sẽ làm gì đó về giáo dục, vì chỉ có giáo dục mới thay đổi cuộc đời một đứa trẻ và thay đổi số phận của một quốc gia.
Lên đại học Hà thi đỗ trường đại học Ngoại Thương. Năm 2015, Google tuyển chọn đại sứ sinh viên tại mỗi quốc gia để tham gia các dự án của Google, truyền tải các sản phẩm của Google ở nước sở tại. Thời điểm đó, Hà chỉ là một chấm nhỏ trong vô vàn các sinh viên xuất sắc của trường đại học Ngoại Thương, những bạn đã được tiếp cận với tiếng Anh và công nghệ từ rất sớm, trong khi Hà thì vẫn “mù tịt” về công nghệ.
Chỉ còn một tuần để nộp hồ sơ. Tình cờ, Hà được xem một clip của đồng sáng lập Google Larry Page về một nông dân ở Kenya trồng khoai tây. Nhờ các kiến thức trên internet, anh nông dân đã tìm được cách để mùa màng bội thu. Thu Hà đã nghĩ về làng quê nghèo khó của mình, nơi những người nông dân phải trông đợi mùa màng để kiếm ăn. Trong bài luận gửi cho Google, Hà mong muốn dùng công nghệ thay đổi cuộc sống cho người dân ở vùng xa xôi.
Cả Việt Nam khi đó có 5 đại sứ, thì Hà là người duy nhất được đánh giá là một trong 3 đại sứ Google xuất sắc nhất Đông Nam Á, bên cạnh một bạn Indonesia và Philippines.
Khởi nghiệp từ năm 21 tuổi
Ban đầu, Hà mở một công ty nhỏ lấy tên là Illiat, làm về tư vấn du học. Gọi là tư vấn du học cho oai, nhưng đó là một lớp học phi lợi nhuận, ai có bàn góp bàn, ai có ghế góp ghế, giảng viên đi dạy lấy đồng lương tượng trưng. Lớp sẽ dạy các kỹ năng săn học bổng đi du học ở các trường hàng đầu ở Mỹ. Việc học tiếng Anh bên ngoài rất đắt đỏ, những bạn không có điều kiện sẽ không thể tiếp cận nổi. Hà muốn các bạn có tiềm năng có thể tự học và săn học bổng tìm kiếm cơ hội bước chân ra thế giới và đổi đời.
Sau khóa đào tạo ở Google Philipines và Singapore, Hà đã thực sự yêu thích và muốn tìm hiểu sâu về công nghệ. Lúc này, ý tưởng về giáo dục công nghệ đã nhen nhóm. Hà nhận ra rằng Việt Nam có thế mạnh rất lớn về nguồn nhân lực, chỉ là thiếu sự định hướng và hiểu biết về thị trường, kỹ năng mềm ngoại ngữ và kiến thức trên trường không có tính ứng dụng cao.
Team của Hà có 2 bạn làm chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một bạn làm việc ở Âu Mỹ, và một bạn chuẩn bị học PhD ở Mỹ, nhưng cả 2 quyết định ở lại Việt Nam khởi nghiệp. Lúc này team có ý tưởng mở trường học về công nghệ. Và đó là tiền thân cho TechKids sau này.
Ban đầu, Hà và các bạn mở lớp dạy học về công nghệ cho sinh viên. Đã có những ngày, team phải đứng ở cổng trường Bách Khoa phát tờ rơi và thuyết phục từng em một. Vào tận “sào huyệt” của lò đào tạo công nghệ thông tin của Việt Nam để rủ sinh viên đi học công nghệ, Hà cho rằng chương trình học đại học quá nặng lại không thực tế.
Lớp học đầu tiên của Hà có 10 bạn. Những ngày đầu, co-founder trực tiếp đứng lớp. Hà đã đi tuyển các kỹ sư lập trình đi làm nhiều năm kinh nghiệm để có các kiến thức thực tế truyền tải cho học sinh. Nhưng những anh IT thì thường không có nền tảng sư phạm, lương lại cao. Để kiếm được những người có tâm huyết với nghề, Hà phải mất từ 3-6 tháng.
Lớp học vận hành được 1 năm. Hà mới định hướng sẽ dạy cho các em độ tuổi nhỏ hơn, từ cấp 1 đến cấp 3. Ở các nước, trẻ em được tiếp cận với công nghệ từ rất sớm. Một người bạn ở Đức năm đó 24 tuổi đã đi làm lập trình viên được 12 năm, tức là tiếp cận công nghệ từ trước năm 12 tuổi.
Thế hệ học sinh và phụ huynh đầu tiên của Techkids, có những phụ huynh làm Tổng giám đốc công ty công nghệ hàng nghìn nhân viên vẫn gửi con đi học, họ là những người cấp tiến và thích nghi với xu hướng thời đại.
Khi vận hành lớp học Techkids, Hà đã nhận thấy một thực trạng, buổi tối các lớp học đều kín chỗ nhưng ban ngày trống hoe, rất phí tài nguyên xã hội. Hà đã rủ một số bạn startup về chia sẻ không gian làm việc buổi sáng đến 6h30 tối, trước khi lớp học bắt đầu lúc 7h.
Hình thành Little Silicon Valley
Khu vực làm việc của TechKids khi đó có cả khu ăn, ngủ, cantin bán đồ ăn vặt. Những năm tháng khởi nghiệp ăn ngủ ở công ty đã tạo ra một văn hóa làm việc cống hiến và các thành viên rất thân thiết.
Hà đã nhận ra rằng, việc kết hợp giữa trường học công nghệ và cho thuê không gian chung co working space đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp bổ trợ lẫn nhau. Có những công ty 10 người thì 8 người là học viên của TechKids, có những bạn học xong, khởi nghiệp thuê luôn văn phòng ở công ty.
Thành công tự đến như những trái ngọt được ươm giống từ môi trường như thế.
Có bạn 17 tuổi khởi nghiệp và nhận được vốn 25.000 USD từ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ Vietnam Silicon Valley, có bạn ở Lào Cai lên học trại hè sau này một trong các dự án thời gian đấy thi được giải nhất quốc gia và giải 3 cuộc thi khoa học kỹ thuật của Mỹ và được tuyển thẳng đại học.
Từ đấy, Hà đã có ý tưởng về một Litte Silicon Valley, nơi tập hợp những người trẻ học tập và kết nối trên chính không gian của mình. Và MindX ra đời, kết hợp giữa mô hình giáo dục và co-working space. Đó cũng là chiến lược mới khi MindX nhận vốn 500.000 USD của ESP Capital. MindX có nghĩa là Extraordinary mindset, nghĩa là từ duy sáng tạo vượt mọi giới hạn. Đó là môi trường không hề theo đuổi thành công, không cần trở thành Mack Zukerberg hay Bill Gate, chỉ cần cố gắng theo đuổi đam mê của mình.
Ở thời điểm hiện tại, MindX có 4 cơ sở tại Hà Nội và 1 cơ sở tại Sài Gòn. Tổng diện tích mặt sàn 5.000 m2, đã giảng dạy cho 8.500 học sinh, có 1.500 học sinh đang làm việc và học tập ở 15 quốc gia trên thế giới. Có gần 200 công ty đang làm việc tại các co working space, có khá nhiều công ty mổi trên thị trường như Jamja, We Fit, …
Hà chia sẻ, bình quân một mặt sàn của MindX sẽ rộng khoảng 8.00m2, tại Nguyễn Chí Thanh là 1.500m2, để tìm được mặt bằng team của Hà phải mất từ 2-6 tháng với mức thuê bình quân khoảng 12 USD/m3 và tiền décor, lắp đặt bàn ghế khoảng 3-4 triệu/m2.
… đến nửa triệu USD cho dự án “Little Sillicon Valley”
MindX đã chính thức nhận được vốn góp 500.000 USD từ quỹ đầu tư ESP Capital. Hà cười, bảo “Chưa bao giờ bọn em cầm một khoản tiền lớn như thế”. Nhưng không giống các startup khác, Hà tự nhận MindX vẫn là “startup con nhà nghèo”. Đó là tiền của nhà đầu tư, là tiền của sự tin tưởng của người khác cho mình nên phải tính toán thật kỹ để tối đa được quy mô và hiệu quả đem lại. KPI của Hà trong 3 năm tới sẽ mở từ 20-50 cơ sở, và phát triển mô hình học mới cho các bạn học sinh.
Hà cho rằng với mô hình hoạt động của MindX dòng tiền luôn dương. Tiền học được thu trước cả quý, còn việc mở mới co working space thì chỉ sau 2-3 tháng là đến điểm hòa vốn, vì đó chỉ là mảng cung cấp hạ tầng, chỉ cần cover đủ chi phí về thuê nhà điện nước, còn giáo dục mới là mảng đóng góp chính.
Khi nhận tiền của nhà đầu tư, đã có những ngăn cản ban đầu từ những startup xung quanh. Họ cho rằng việc chọn nhà đầu tư phải rất cân nhắc, chọn người đồng hành cùng chung giá trị, chứ không phải nhà đầu tư chỉ lăm le lấy lãi hoặc ép founder phải tăng trưởng khủng khiếp mà đánh đổi về giá trị. Vì giáo dục là ngành khác với các mô hình khác, từng bước đi phải rất thận trọng. “May mắn là ESP Capital đáp ứng các mục tiêu của bọn em, một năm làm việc vừa qua khá trôi chảy”, Hà chia sẻ.
Khi thực hiện bài phỏng vấn này, Hà mặc một chiếc váy màu trắng, tóc ngắn, gương mặt thông minh, có vẻ hơi “bánh bèo”. Nhưng thực tế, đây là một cô gái rất mạnh mẽ. “Thường ngày có khi em mặc quần đùi áo phông lên công ty. Kể ra em cũng hơi liều thật. Em theo đuổi những gì mình mong muốn mặc dù bố mẹ em phản đối gay gắt. Bố mẹ chỉ muốn con gái được ổn định, có con bồng cháu bế. Nhưng em không hối tiếc vì đã bỏ thời gian ra làm nó. Làm startup rất vất vả, không có ngày nghỉ và đôi khi phải hi sinh rất lớn. Nhưng em nhận thấy sự dấn thân ngày càng nhiều của nữ giới trong lĩnh vực startup nói chung và công nghệ nói riêng, họ là những tấm gương truyền cảm hứng. Phụ nữ có nhiều bạn rất có tố chất, nhưng bị gặp rào cản về suy nghĩ “tôi chỉ làm được đến thế thôi”, phải ổn định, phải vào con đường an toàn nên họ tự giới hạn mình ở những thứ họ làm được. Em thì nghĩ rằng không có giới hạn nào ngăn cản con người theo đuổi mơ ước của chính mình”.
Theo Trí thức trẻ