Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Hàng Việt “nhọc nhằn” sang Ấn Độ

Sau khi áp thuế chống trợ cấp 12% với ống thép không gỉ từ Việt Nam, Ấn Độ lại tiếp tục điều tra chống trợ cấp đối với ván sợi bằng gỗ.

Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại nhiều mặt hàng khác của Việt Nam có thể cũng sẽ bị Ấn Độ điều tra chống trợ cấp.

Vừa qua, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) thuộc Bộ thương mại và Công nghiệp Ấn Độ thông báo khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ván sợi bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Để hạn chế những thiệt hại cho doanh nghiệp trong quá trình điều tra, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ và hợp lệ, đúng thời hạn cho DGTR trong toàn bộ quá trình điều tra để tránh bị cơ quan điều tra kết luận dựa trên thông tin, bằng chứng sẵn có bất lợi.

Quảng bá hàng Việt Nam tại Hội chợ nông nghiệp ở Ấn Độ 2018.

“Bản trả lời câu hỏi điều tra của doanh nghiệp cần gửi tới DGTR trong vòng 40 ngày kể từ ngày ban hành thông báo khởi xướng điều tra (tức chậm nhất là ngày 15/12/2019). Nếu không, DGTR sẽ sử dụng các dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán mức thuế chống trợ cấp”, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.

TS. Phan Ngọc Tâm, Giám đốc điều hành Công ty luật Tín & Tâm, cho biết trong bối cảnh xung đột thương mại lan rộng, thì nguy cơ hàng Việt bị áp thuế chống trợ cấp, chống lẩn tránh là rất cao.

“Ván sợi bằng gỗ, ống thép không gỉ có thể chỉ là hai trong những mặt hàng hứng chịu việc điều tra chống trợ cấp của Ấn Độ, tiếp theo sẽ có thể còn nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam cũng sẽ chịu chung số phận”, ông Tâm nhận định.

Theo TS. Phan Ngọc Tâm, Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ phù hợp với các cam kết quốc tế trước việc áp dụng các chính sách thương mại một chiều của các quốc gia khác nói chung và của Ấn Độ nói riêng tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Tâm cho rằng cần có sự đầu tư đúng đắn trong việc tiếp cận, tìm hiểu chính sách thương mại ở các thị trường liên quan, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời từ các chuyên gia, các nhà tư vấn, các luật sư… để giải quyết một cách hiệu quả nhất các vấn đề có thể phát sinh liên quan đến sự thay đổi chính sách thương mại của các nước.

Theo Enternews.vn