Trong khi hạ tầng hàng không chưa được cải thiện, số slot bay, hay còn gọi là lốt bay, có hạn, cơ quan quản lý đang gặp khó trong việc phân chia lốt cho hãng cũ và hãng mới.
Cả đường cất hạ cánh, hạ tầng và nhân lực kiểm soát không lưu của hàng không Việt Nam đều đang không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường. Tình trạng này nảy sinh cảnh hãng bay muốn xin thêm slot để tăng chuyến phục vụ hành khách nhưng slot lại “cạn”.
Thiếu 270 lốt bay mỗi ngày
Theo phương án phân bổ slot lịch bay mùa đông 2019/2020 của Cục Hàng không gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), có thể thấy quỹ slot bay tại Việt Nam đang thiếu trầm trọng.
Cục Hàng không thống kê hiện số lượng slot bay còn lại tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn trung bình 188 slot/ngày, trong đó chỉ còn 118 chuỗi slot cả mùa (slot cùng giờ cho tất cả ngày trong mùa lịch bay để các hãng hàng không xây dựng lịch bay thường lệ), bao gồm 30 slot ban ngày và 88 slot ban đêm.
Trong khi đó, theo phương án xin thêm slot bay mà các hãng hàng không đề xuất, cần thêm tới 458 slot/ngày cho các hãng cả trong nước và quốc tế (446 slot/ngày cho các hãng hàng không trong nước, 12 slot/ngày cho các hãng nước ngoài).
Cụ thể về lượng slot bay mà các hãng muốn tăng thêm trong lịch bay mùa đông 2019/2020, Vietnam Airlines muốn có thêm 140 slot/ngày, Vietjet Air là 180 slot/ngày, Jetstar Pacific là 100 slot/ngày và Bamboo Airways là 26 slot/ngày.
Như vậy, Cục Hàng không nhận định trong văn bản nhu cầu của các hãng đang vượt số lượng slot còn lại trung bình 270 slot/ngày.
Việc lượng slot bổ sung không theo kịp tốc độ phát triển của các hãng bay đã khiến phương án phân bổ slot bay của mùa đông năm 2018 không còn phù hợp với mùa đông năm nay.
Cùng kỳ năm trước, 50% quỹ slot đã được phân bổ cho các hãng hàng không trong nước theo tỷ lệ 1:1, 50% còn lại được phân bổ cho các hãng hàng không quốc tế, các hãng nội địa mới và các hãng nội địa cho nhu cầu đột xuất.
Phương án mà Cục Hàng không đưa ra cho lịch bay mùa đông 2019/2020, dù chia như thế nào, chắc chắn đều không như mong đợi của các hãng bay trong bối cảnh hạ tầng đang nghẽn cổ chai.
Cửa nào cho Vinpearl Air, Vietravel Airlines?
Tại họp báo quý III của Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ này thừa nhận hạ tầng hàng không Việt Nam còn hạn chế nhưng quan điểm chung của Bộ là vẫn sẽ ủng hộ mở thêm hãng bay mới.
Cụ thể, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay đánh giá chung về hạ tầng hàng không của Việt Nam “là còn hạn chế” trong bối cảnh tăng trưởng của ngành hàng không rất cao, duy trì ở mức hai con số phần trăm trong 10 năm qua, từ 15-17%.
Dù vậy, theo Thứ trưởng Đông, “việc các hãng hàng không mới xin cấp phép thì về quan điểm chung Bộ GTVT ủng hộ các doanh nghiệp tham gia vào thị trường hàng không vì thị trường đang tăng trưởng rất nóng, mang lại lợi ích cho người sử dụng, càng nhiều thì giá cả sẽ tốt cho hành khách”.
Trước đó ít ngày, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACVACV+0.39%) cho hay, việc Vinpearl Air chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ là khả thi. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, slot khai thác vào khung giờ vàng, khung giờ đẹp tại 2 đầu Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã không còn.
Đối với Vietravel Airlines, theo đại diện ACV, do bay thuê chuyến (charter) là chủ yếu nên việc cấp slot tại 2 đầu sân bay này lại càng khó khăn hơn vì thứ tự ưu tiên cấp slot của chuyến bay charter thấp hơn chuyến bay thường lệ.
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Hàng không lại khá lạc quan về bài toán hạ tầng cho hãng mới.
“Về hạ tầng, việc Vinpearl Air lấy Hà Nội làm sân bay căn cứ là hợp lý. Với 6 tàu bay vào năm 2020, 2021 lên hơn 10 tàu, Nội Bài vẫn gánh được”, Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng nói.
Theo Zing.vn