Dù được đánh giá tích cực trong dài hạn, song những hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể cản trở sự tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam trong ngắn hạn.
Năm 2019, ngành hàng không Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng hai chữ số trong bối cảnh một số vấn đề về hạ tầng hàng không tại các sân bay quan trọng vẫn còn tồn tại.
Tổng sản lượng hành khách hàng không tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt xấp xỉ 116 triệu lượt. Mặc dù tốc độ tăng trưởng lượt hành khách quốc tế tiếp tục cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của lượt hành khách nội địa, sự khác biệt giữa hai thị trường đã được thu hẹp. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của sản lượng hành khách nội địa được ước tính đạt 11%, tăng mạnh so với mức 6% trong năm 2018.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định động lực tăng trưởng có thể được dẫn dắt bởi nguồn cung mới từ hãng hàng không Bamboo Airways, sau nhiều năm thị trường nội địa chỉ do Vietjet Air, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific khai thác.
Ngược lại, tốc độ tăng trưởng của hành khách quốc tế cho thấy sự giảm tốc nhẹ, chỉ tăng 14% trong năm 2019 so với mức tăng 21% trong năm 2018. Sự chậm lại này bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng hành khách quốc tế thấp tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay chiếm hơn 40% lượt hành khách hàng không quốc tế của Việt Nam. Trong năm 2019, Tân Sơn Nhất ước tính chỉ tăng 5% so với cùng kỳ. Đường băng cũng như nhà ga hành khách tại sân bay này đang gặp vấn đề quá tải tương đối trầm trọng.
Trong khi đó, ACV – đơn vị vận hành các sân bay lớn khác như Nội Bài, Cam Ranh và Đà Nẵng cho biết các sân bay này đều duy trì mức tăng trưởng hai con số về lượng hành khách quốc tế, tương ứng ở mức 14%, 25%, và 23%.
Dù xuất hiện nhiều vấn đề, song Hội đồng các sân bay quốc tế ACI vẫn dự báo Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng hành khách hàng không nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2018-2040 với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,2%.
Trên thực tế, ngành hàng không được hưởng lợi từ nhiều yếu tố thuận lợi như sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ, làm cho việc đi lại bằng đường hàng không ngày càng dễ dàng hơn. Ngoài ra, những nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy du lịch cùng với việc mở rộng các mạng đường bay quốc tế của các hãng hàng không nội địa dự kiến sẽ tăng cường hơn nữa sự tăng trưởng của lưu lượng hành khách hàng không trên các chuyến bay quốc tế.
Tuy nhiên, những hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể cản trở sự tăng trưởng trong ngắn hạn. Năng lực của cơ sở hạ tầng hiện tại đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng của ngành.
Bên cạnh sự quá tải của một số nhà ga hành khách trong những năm gần đây, hạ tầng khu bay (đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay) cũng dần chạm ngưỡng giới hạn, đặc biệt tại 2 sân bay chính là Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Theo đó, Cục Hàng không (CAAV) cho biết các vị trí đỗ tàu bay qua đêm, slot bay tại các khung giờ cao điểm ban ngày tại Tân Sơn Nhất đã được sử dụng hết. Trong khi đó, CAAV cũng dự báo vị trí đỗ tàu bay qua đêm, slot bay tại Nội Bài nhiều khả năng sẽ sớm rơi vào trường hợp tương tự khi mà nhu cầu khai thác từ hãng hàng không tăng nhanh trong thời gian tới.
Một vấn đề quan trọng khác liên quan tới hạ tầng hàng không là đường cất hạ cánh, đường lăn tại hai sân bay nói trên đã xuống cấp sau nhiều năm không được bảo dưỡng lớn.
Mặc dù công tác bảo dưỡng là rất cấp thiết, tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế đầu tư nên vẫn chưa được triển khai. Bộ Giao thông Vận tải và ACV đã liên tục đề xuất lên Chính phủ nhiều đề án để tháo gỡ những khó khăn về cơ chế quản lý này để sớm thực hiện công tác bảo trì.
Trong trường hợp Chính phủ phê duyệt, công tác bảo dưỡng sẽ diễn ra vào mùa thấp điểm của năm nay, dự kiến sẽ là từ tháng 8 tới tháng 12. Do đó, VDSC nhận định tốc độ tăng trưởng chung của số lượng chuyến bay cũng như lưu lượng hành khách sẽ có sự giảm tốc trong nửa cuối năm 2020.
Theo The Leader