Đại dịch Covid-19 đang ở giai đoạn đỉnh điểm và phức tạp hơn bao giờ hết. Trên toàn thế giới, virus corona đã lan đến từ phương Đông đến cả các nước phương Tây xa xôi. Trước đại dịch hoành hành, trong khi người dân tại các nước Châu Á hoang mang và lo lắng thì tại Châu Âu và và Châu Mỹ lại là sự chủ quan đến khó hiểu.
Xuất hiện đầu tiên vào cuối năm 2019 tại Vũ Hán, và đến hiện tại, sau gần 4 tháng virus corona đã xuất hiện trên toàn cầu và trở thành đại dịch của thế giới. Với thời gian ủ bệnh lâu, Covid-19 đang là mối nguy hại lớn nhất với dịch tễ toàn cầu. Trước sự lây lan kinh khủng của chủng virus mới này, ta thấy được sự khác biệt trong lối ứng xử thông tin của người Châu Á – và người Âu – Mỹ. Hai thái cực trước bệnh dịch hoàn toàn khác nhau.
1. Người phương Đông – Hoang mang và sợ hãi
Ngay thời điểm Vũ Hán, Trung Quốc bùng phát dịch bệnh mạnh mẽ trong kì nghỉ Tết nguyên đán 2020, thông tin về dịch bệnh càng lúc càng tăng lên và được người dân các nước châu Á vô cùng quan tâm. Đến hiện tại, khi dịch đã bùng phát mạnh tại Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Châu Á thì từng ngày, từng giờ thông tin được cập nhật liên tục. Trước mỗi thông tin mới về dịch bệnh luôn được người dân quan tâm đông đảo và chia sẻ. Đa phần đều có chung tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ sệt trước tình hình nguy cấp của dịch bệnh.
Trong tình hình đó, khi tâm lý người dân đang bất ổn về vấn đề bệnh dịch, việc tin giả – Fake News lan tràn khắp MXH. Đồng thời với đó là việc các mặt hàng y tế như khẩu trang, nước rửa tay rồi đến lương thực, thực phẩm tích trữ cũng bị người dân gom lại phòng nguy. Hình ảnh những siêu thị, những cửa hàng thuốc trống trơn những mặt hàng thiết yếu ngay khi thông tin mới về dịch được công bố tràn lan trên mạng xã hội.
Đối với người dân phương Đông, đây là một tâm lý không có gì là lạ. Thứ nhất, do mật độ dân số cao và người dân thường có lối sống, nét văn hóa sinh hoạt tập thể. Như vậy, khi dịch bệnh bùng phát dễ dàng lây lan trong cộng đồng. Đồng thời, do hệ thống bảo hiểm xã hội chưa phát triển và chất lượng y tế cũng chưa cao, thường xuyên quá tải. Do vậy, chuyện đi bệnh viện với người dân châu Á được ngầm hiểu đồng nghĩa là việc tốn nhiều chi phí, và không được chăm sóc chu đáo.
Người dân các nước này có một nỗi sợ vô hình với bệnh viện cũng như việc thăm khám sức khỏe cá nhân. Họ mặc định trong đầu mình rằng “Đã đến bệnh viện là phải mất tiền”. Suy nghĩ đó luôn khiến người dân lo sợ trước bệnh dịch cũng như việc đi cách ly. Mặc khác, đa phần họ lại không có các khoản thu nhập thụ động và bảo hiểm nên khi không đi làm sẽ tạo cho họ cái áp lực rất lớn về thu nhập.
Nói Covid-19 nguy hiểm và người dân cần phòng tránh là đúng. Nhưng việc chúng ta hoang mang lo lắng đến mức đổ xô đi mua lương thực, nhu yếu phẩm hay khẩu trang y tế tích trữ với số lượng lớn, gây tăng giá vô tội vạ khiến sản phẩm tăng giá và khan hiếm. Một số sản phẩm như khẩu trang y tế lại quá thiếu để những người trong ngành y tế sử dụng khi dịch bùng phát.
2. Người phương Tây – Sự lạc quan đến chủ quan khiến cho Đại Dịch bùng phát
Nói tới các nước Âu – Mỹ, ta lại thấy một câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Phải nói là từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc, các quốc gia Âu Mỹ luôn lạc quan và không mấy quan tâm đến sự việc này. Đối với họ, Châu Á hay Trung Quốc là một miền đất xa xôi nào đó ở bên kia bán cầu. Dẫu rằng, hằng ngày, hàng giờ vẫn có hàng triệu người châu Á bao gồm cả người Trung Quốc nhập cảnh tới đây.
Tại đây, hệ thống y tế phát triển mạnh và là một dịch vụ thông thường được sử dụng. Người dân nhiều quốc gia được thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ, được khám chữa bệnh tại các cơ sở ý tế một cách miễn phí. Đồng thời, tại đây họ rất nghiêm ngặt trong việc sử dụng thuốc và đi thăm khám bác sĩ. Dù chỉ là hắt hơi hay sổ mũi cũng đều cần được khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và gần như không có chuyện dùng thuốc tràn lan để tự chữa bệnh cho bản thân. Nhờ đó, người dân tin tưởng vào hệ thống khám chữa bệnh tại đây và sẵn sàng đến ngay bệnh viện khi cần.
Thêm nữa, chất lượng sống và môi trường tại đây đều ở mức cao. Người dân sống trong môi trường sạch và nguồn thực phẩm an toàn theo các tiêu chuẩn khắt khe của đất nước và khu vực. Cùng với sự phát triển của hệ thống dịch vụ xã hội và bảo hiểm khiến cho người dân không phải lo lắng về điều kiện sống cũng như sức khỏe. Với họ dù bản thân xảy ra điều gì thì đã có nhà nước và bảo hiểm lo.
Tại thời điểm dịch Covid 19 bùng nổ mạnh tại Trung Quốc và đã bắt đầu lan sang các nước Âu – Mỹ, người dân ở đây hầu như không quan tâm đến vấn đề sức khỏe, đeo khẩu trang hay hạn chế tụ tập đông người. Tại Mỹ, tất cả học sinh vẫn đi học bình thường. Tại Ý, mọi người vẫn tu tập rất đông đúc và thường xuyên đi tới các địa điểm trung tâm như Milan, Roma… Và kể cả bây giờ, trên đường phố Việt Nam chúng ta hoàn toàn dễ gặp những người bạn nước ngoài vẫn hồn nhiên tụ tập tại các địa điểm đông đúc như Tạ Hiện, Phố Cổ mà chẳng mảy may đeo một chiếc khẩu trang.
Chỉ vài ngày trước thôi, tổng thống Donald Trump vẫn rất lạc quan trên mạng xã hội Twitter: “Năm ngoái có 37.000 người Mỹ chết do cúm phổ thông. Mức trung bình dao động từ 27.000-70.000 mỗi năm. Chả có gì phải đóng cửa cả, cuộc sống và kinh tế vẫn tiếp diễn. Còn vào lúc này mới có 546 trường hợp nhiễm virus corona (tức SARS-CoV-2) được xác nhận ở Mỹ, với 22 ca tử vong. Hãy suy nghĩ về điều này!”.
Hay như Gober – Một ngôi sao bóng rổ NBA còn đùa cợt động tay vào tất cả các thiết bị ghi âm tại buổi họp báo vì nghĩ rằng Covid-19 không hề nguy hiểm. Để rồi 2 ngày sau anh chàng chính thức nhập viện vì virus corona.
Tâm lý chủ quan chính trước bệnh dịch chính là nguyên nhân chính khiến cho các nước Phương Tây hiện nay gần như “vỡ trận” bởi dịch Covid-19. Tại Ý, chỉ trong 2 tuần ngắn ngủi số ca nhiễm bệnh đã tăng tới con số 15.000 người và tử vong hơn 1.000 người. Các quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức hay Tây Ban Nha đều có số ca nhiễm lên tới hơn 1000 người.
Thậm chí đến lãnh đạo của các quốc gia lớn như Canada, Italia… cũng bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với các ca bệnh. WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đại dịch toàn cầu. Châu Âu – Châu Mỹ liên tục có các quốc gia “vỡ trận” vì coi thường đại dịch. Thị trường chứng khoán cũng ngập tràn sắc đỏ hơn bao giờ hết báo hiệu một cuộc suy thoái kinh tế là hệ quả phía sau đại dịch.
3. Điều chúng ta cần làm hiện tại là một sự tỉnh táo – ý thức và trách nhiệm
Hiện nay, tại Việt Nam phải nói là đã và đang triển khai rất tốt công tác Phòng Dịch – Chống dịch và Chữa Bệnh. Chưa từng có một ca nhiễm bệnh nào tử vong dù là cả những ca khó như người già và trẻ em. Ngay khi phát hiện ca bệnh nhanh chóng phân tích diễn biến và phân lập người tiếp xúc từ F1-F5. Quy trình cách cách ly và kiểm tra diễn ra bài bản.
Các kịch bản phòng dịch đều được dựng lên bài bản và đầy đủ cho cách trường hợp: huy động toàn dân và các lực lượng quân đội tham gia, Cách ly – Xét nghiệm và khám chữa bệnh miễn phí cho người dân… Đồng thời vấn đề thông tin đều được chính phủ công khai – minh bạch và cập nhật kịp thời nhanh chóng tới toàn dân.
Bước đầu chống dịch chúng ta đã gặt hái được những thành công nhất định. Nhưng diễn biến hiện nay của Covid-19 lại đang hết sức phức tạp. Số ca lây nhiễm đang tăng lên từng ngày và có dấu hiệu khó kiểm soát do việc di chuyển, tiếp xúc và khai báo thiếu trung thực của một số bệnh nhân. Do vậy, lúc này chúng ta không thể quá lạc quan khiến bệnh dịch dễ lây lan trong cộng đồng nhưng cũng không nên lo sợ và hoang mang. Điều chúng ta có làm bây giờ là một sự Tỉnh Táo – Ý Thức – Trách Nhiệm.
Mọi người cần tỉnh táo trước các thông tin được đăng lên. Trong thời buổi công nghệ số và việc chia sẻ thông tin rộng rãi như hiện nay, việc chọn lọc tin tức và điều cần thiết. Hãy theo dõi những trang thông tin chính thống và uy tín để cập nhật thông và kiến thức về dịch bệnh một cách nhanh chóng, chính xác nhất.
Đồng thời mỗi người dân cần có ý thức – trách nhiệm trong việc bảo vệ bản thân và bảo vệ cho cộng đồng. Hạn chế đi tới đông người. Đeo khẩu trang khi khi ra ngoài và tiếp xúc với mọi người. Rửa tay, khử khuẩn thường xuyên dụng cụ. Tuân thủ việc cách ly và khai báo rõ ràng, chính xác khi bản thân có nguy cơ nhiễm bệnh. Tuyên truyền và phổ biến kiến thức cho những người thân, bạn bè xung quanh về phòng – chống dịch, cùng tạo khối kết nối ý thức của cả cộng đồng. Chung tay đánh bại đại dịch.
Đại dịch sẽ không nguy hiểm và sớm được đẩy lùi nếu mỗi người trong chúng ta đều tỉnh táo – ý thức – trách nhiệm đối với mỗi cá nhân và cộng đồng. Biết người biết ta – Trăm trận trăm thắng, chỉ khi nào ta có những hiểu biết đúng về dịch bệnh và biết cách phòng, chống thì chắc chắn chỉ trong một thời gian ngắn nữa, Việt Nam sẽ chiến thắng vẻ vang trước Covid -19.
Theo Cafebiz