Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Hai ông lớn công nghiệp nặng đầu tư nông nghiệp: Hòa Phát thắng lớn với chăn nuôi, Thaco kiên trì tái cấu trúc đưa HAGL Agrico và Hùng Vương thoát lỗ

Để có thể tận dụng tối đa đồng vốn đầu tư và tìm động lực tăng trưởng mới, nhiều ông lớn mở rộng kinh doanh bằng cách đầu tư trái ngành. Tuy nhiên không phải ai cũng thành công, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Số phận các dự án đầu tư nông nghiệp của hai ông lớn trong ngành công nghiệp nặng hiện nay là Thaco và Hòa Phát có sự khác biệt rất lớn.

Hòa Phát đã hái quả ngọt từ nông nghiệp

Tại đại hội cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát năm 2015, hơn 20 câu hỏi được gửi lên cho Ban lãnh đạo chỉ xoay quanh việc tại sao một tập đoàn sản xuất và kinh doanh thép lại đòi đi nuôi heo và làm thức ăn chăn nuôi.

5 năm trước, Hòa Phát bắt đầu đầu tư trái ngành và mon men sang làm nông nghiệp. Chủ tịch Trần Đình Long khi đó đã chia sẻ trước các cổ đông và các quỹ đầu tư cho rằng “lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi rất thiết yếu với đời sống, nhu cầu ngành này còn lớn hơn cả ngành thép và Hòa Phát sẽ làm thận trọng, vừa làm vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm nhưng không phải cứ lao đầu vào làm”. Nhưng thời điểm đó, câu trấn an của ông Trần Đình Long không thể khiến các cổ đông bớt hoang mang.

Thế rồi Hòa Phát với phong cách “xe lu” vẫn lầm lũi làm nông nghiệp, không ồn ào. Khởi đầu với nhà máy thức ăn nuôi ở Hưng Yên, sau 5 năm, Hòa Phát có thêm một nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai, các trang trại nuôi heo tại các trang trại ở Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bình Phước, trang trại chăn nuôi bò thịt công nghệ cao tại Thái Bình, Quảng bình và Đồng Nai, và công ty gia cầm cung cấp trứng gà phía Bắc với sản lượng 450.000 quả/ngày. Các trang trại chăn nuôi của Hòa Phát triển khai theo hướng quy mô lớn, chăn nuôi vỗ béo theo quy trình khép kín nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực thẩm.

Hòa Phát cung ứng 450.000 quả trứng/ngày ra các tỉnh phía Bắc

Tuy nhiên, chặng đường làm nông nghiệp của Hòa Phát không phải lúc nào cũng màu hồng. Năm 2017 khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu heo thịt đã khiến thị trường trong nước khủng hoảng thừa khiến giá heo hơi lao dốc không phanh, có lúc chỉ đạt mức 25.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp chăn nuôi heo đều lỗ lớn và bán dưới giá vốn. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng. Sang năm 2018, dịch dịch tả lợn Châu Phi tại Trung Quốc đã khiến thị trường heo hơi cân bằng trở lại. Năm 2020, giá thịt heo tăng thẳng đứng khiến các doanh nghiệp chăn nuôi heo lãi lớn. Và chặng đường 5 năm vừa qua của Hòa Phát đã đến ngày hái quả.

Năm 2019 tăng trưởng doanh thu đạt 72%. Tỷ trọng đóng góp doanh thu của Nông nghiệp cho Tập đoàn tăng từ 8% (2018) lên 12% (2019) và 17% (Q1/2020). Các sản phẩm nông nghiệp như cung cấp bò Úc, trứng gà sạch của Hòa Phát thuộc top đầu thị trường với thị phần thịt bò Úc hơn 50%. Lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp lớn thứ 2 sau thép về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019.

Hòa Phát tin rằng, với nhu cầu cao và ổn định, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là nhà nhập khẩu ròng thịt và gia súc trong giai đoạn từ 2019 – 2023. Trong khi đó, nước ta là quốc gia nông nghiệp, có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vì vậy, trong thời gian tới, Tập đoàn Hòa Phát sẽ tiếp tục phát huy các trang trại chăn nuôi hiện có, đồng thời mở rộng thêm khi đủ điều kiện. Mục tiêu của Công ty trong thời gian tới sẽ đạt tối đa công suất 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm; 450.000 đầu heo thương phẩm/năm; 150.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm.

Mảng nông nghiệp của Thaco vẫn lỗ

Câu chuyện Thaco đầu tư nông nghiệp phải bắt nguồn từ sự hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời và sản xuất máy kéo và máy gặt đập liên hợp. Nhưng Thaco thực sự đầu tư vào ngành nông nghiệp khi quyết định hợp tác chiến lược với bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai Agrico.

Khi bầu Đức chuyển hướng từ đầu tư bất động sản sang đầu tư nông nghiệp với hàng ngàn hecta cao su, cọ dầu và các dự án bò thịt, người ta vẫn chưa thấy ngày bầu Đức thu lợi được từ các dự án này. Thậm chí đến năm 2018, bầu Đức đã phải dừng hoàn toàn mảng chăn nuôi bò thịt.

Năm 2017, bầu Đức công bố dự án trồng cây ăn trái với tham vọng trở thành một trong những nhà sản xuất trái cây nhiệt đới tầm cỡ toàn cầu. Tuy nhiên sau 3 năm, con số trên báo cáo tài chính cho thấy tham vọng của bầu Đức đã không trở thành hiện thực. Năm 2019, HAGL Agrico đang quản lý 31.085 ha cây cao su và 18.305 ha cây ăn trái, trong đó chuối là sản phẩm chủ lực (hơn 10.000 ha). Công ty này lỗ 2.300 tỷ, lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2019 là 2.200 tỷ. Gặp khó khăn về tài chính, Hoàng Anh Gia Lai Agrico đã phải chuyển nhượng hàng loạt công ty con cho Tập đoàn Trường Hải (Thaco). Và cuộc chơi ngành nông nghiệp của Thaco bắt đầu.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thaco đã rót vốn 1 tỷ USD “giải cứu” Hoàng Anh Gia Lai, bao gồm gần 2.630 tỷ chuyển đổi trái phiếu HAGL Agrico thành cổ phần (26,29%), Đại Quang Minh tiếp quản dự án BĐS của HAGL tại Myanmar, và công ty con của Thaco là CTCP Sản xuất chế biến và phân phối Nông nghiệp Thadi đã đầu tư 11.684 tỷ vào lĩnh vực nông nghiệp, bằng cách tiếp nhận các công ty con của HAGL Agrico tại Campuchia, bao gồm công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương (sở hữu 2 công ty đang có quyền thuê đất dài hạn có tổng diện tích 9.634 ha tạ Campuchia), Công ty TNHH Đông Pênh (sở hữu các công ty có quyền thuê đất canh tác nông nghiệp tại Campuchia với tổng diện tích 9.063 ha), công ty TNHH MTV Cao su Trung Nguyên (sở hữu 3.765 ha diện tích đất canh tác nông nghiệp tại Gia Lai).

Chuối đang là sản phẩm chủ lực của HAGL Agrico

Do đó, cuộc chơi ngành nông nghiệp của Thaco gắn liền với số phận của Hoàng Anh Gia Lai Agrico, sự hợp tác tỷ USD này là một ván bài lớn của ông Trần Bá Dương khi đặt niềm tin vào bầu Đức. Năm 2019, Chủ tịch Thadi là ông Đỗ Xuân Diện đã nắm một ghế Phó Chủ tịch HĐQT của HAGL Agrico.

Là một ông lớn trong ngành sản xuất lắp ráp ô tô, khi đầu tư vào nông nghiệp, Thaco muốn “cơ giới hóa tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến và phân phối”, nghĩa là THACO quyết tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tháng 3/2019, THACO khởi công xây dựng Khu công nghiệp Nông Lâm Nghiệp rộng 451 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng là 8.118 tỉ đồng. Trong số đó bao gồm nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng; đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ tháng 6 năm 2020 với công suất 200.000 tấn/năm.

Kết quả đầu tiên sau sự hợp tác, là Thadi đã xuất khẩu được 30 container chuối sang Trung Quốc vào tháng 3/2019.

Không chỉ rót vốn vào trồng trọt, vừa qua Thaco còn đẩy mạnh rót vốn vào công ty Hùng Vương, với tỷ lệ sở hữu hơn 35%. Theo đó, Thaco sẽ tham gia vào quá trình tái cơ cấu Hùng Vương, với việc tiếp tục phát triển lĩnh vực cá tra và đầu tư mở rộng sang chăn nuôi heo.

Năm 2019, lần đầu tiên báo cáo tài chính của Thaco ghi nhận doanh thu từ mảng nông nghiệp, với 1.564,6 tỷ đồng, chiếm chưa đến 3% tổng doanh thu (56.507 tỷ), tuy nhiên vẫn lỗ trước thuế 14,6 tỷ.

Hòa Phát phải chờ 5 năm để có quả ngọt, và Thaco có lẽ cũng sẽ phải đợi một thời gian, khi các vườn cây ăn trái của bầu Đức tìm được thị trường ổn định và Thadi có thể tìm đước hướng đi mới cho các sản phẩm giá trị gia tăng hơn như sản phẩm trái cây sấy khô hay nước hoa quả để bao tiêu sản phẩm. Tín hiệu đáng mừng là doanh thu trái cây của HAGL Agrico đã tăng trưởng trở lại trong quý 1/2010 và công ty đã lãi nhẹ sau 6 quý lỗ liên tiếp.

Theo Cafef