Mặc dù đi sau Now trong mảng giao đồ ăn, nhưng bằng tiềm lực khổng lồ đến từ sự hậu thuẫn của nhiều tập đoàn và quỹ đầu tư lớn trên thế giới, Grab đang tiến rất nhanh và dần dẫn đầu trên thị trường giao nhận thức ăn. Hiện tại, họ đã phủ với 18 tỉnh thành, trong khi Now có 16 tỉnh thành.
Hôm nay, ngày 2/1/2020, Grab vừa chính thức triển khai dịch vụ GrabFood tại TP. Thanh Hoá (Thanh Hóa), TP. Vinh (Nghệ An) và TP. Pleiku (Gia Lai), nhằm gia tăng trải nghiệm liền mạch cho người dùng tại các thành phố này với các dịch vụ: di chuyển, giao nhận hàng hóa, giao nhận thức ăn, thanh toán không dùng tiền mặt – tất cả trên một ứng dụng duy nhất.
Với việc triển khai này, GrabFood hiện đã có mặt tại 18 tỉnh thành, trở thành nền tảng giao nhận đồ ăn có mạng lưới rộng nhất Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại.
Theo đó, dù mới chính thức triển khai dịch vụ GrabFood từ 5/2018, nhưng bằng tiềm lực khổng lồ đến từ sự hậu thuẫn của nhiều tập đoàn và quỹ đầu tư lớn trên thế giới, Grab đang tiến rất nhanh và dần dẫn đầu trên thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam.
GrabFood là nền tảng giao nhận thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam. Theo báo cáo của Kantar công bố vào tháng 8/2019, 87% người dùng lựa chọn GrabFood là nền tảng giao thức ăn họ sử dụng thường xuyên nhất. Số lượng đơn hàng giao nhận thức ăn của GrabFood tăng trưởng gần 1800% lần.
Trong nửa đầu năm 2019, GrabFood đạt tổng giá trị giao dịch tăng 400%, ghi nhận số lượng đơn hàng xử lý trung bình hàng ngày lên đến 300.000 đơn hàng.
Grab là nền tảng đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu mô hình “căn bếp trung tâm” (cloud kitchen) với Grab Kitchen đầu tiên chính thức hoạt động vào tháng 10/2019, đặt tại quận Thủ Đức – TP. HCM. Vào cuối tháng 12/2019, Grab đã ra mắt thêm một cloud kitchen khác tại Quận Bình Thạnh – TP. HCM. Căn bếp thứ hai này quy tụ 15 nhà hàng/quán ăn bao gồm: Say Coffee, Cơm Văn Phòng Rio, Bánh Mì Que Pháp BMQ, Gà Bó Xôi Yummy, Cháo Sườn Chú Chen, Bánh Canh Cua 91, Dừa Sáp Travico, Tiệm Ăn Chợ Lớn Cơm & Bánh Canh…
Ông Jerry Lim – Tổng Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi rất phấn khích với việc trở thành nền tảng giao nhận thức ăn có mạng lưới hoạt động rộng nhất Việt Nam ngay trong ngày đầu tiên của năm 2020. Triển khai dịch vụ GrabFood tại Thanh Hóa, Vinh, Nghệ An không chỉ giúp người dùng tại các thành phố này tiếp cận các dịch vụ sẵn có trên hệ sinh thái Grab, mà còn mang đến cơ hội gia tăng thu nhập cho các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng tại đây, gián tiếp phát triển nền kinh tế số của các địa phương này“.
Cùng bước tiến mới này, Grab không chỉ dẫn đầu thị phần giao nhận thức ăn, mà còn dẫn đầu về số lượng bếp trung tâm và độ phủ dịch vụ tại Việt Nam.
Trong các đối thủ chính của GrabFood tại thị trường Việt Nam, chỉ có Baemin có triển khai dịch vụ “căn bếp trung tâm”. Dù mới chính thức vào Việt Nam từ 5/2019, nhưng do phải chạy đua với Grab, chỉ đầu tháng 11/2019, trên Techbike.vn đã rò rỉ hình ảnh về Baemin Kitchen, được cho là hình ảnh “căn bếp trung tâm” của “kỳ lân” Hàn Quốc này, tọa lạc tại phường Cô Giang – Quận 1 – TP. HCM.
Còn xét về độ phủ, thì trước khi có động thái nói trên, không phải Grab, mà chính Now – với việc có mặt rất sớm ở thị trường Việt Nam, mới là nền tảng giao nhận thức ăn có độ phủ rộng nhất – 16 tỉnh thành (dựa theo thông tin trên website now.vn). Ngược lại, 2 ‘tân binh’ Go-Food và Baemin chỉ mới hoạt động ở 2 thành phố lớn nhất nước là Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo Trí Thức Trẻ