Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, Grab duy trì vị thế nền tảng gọi xe số 1 tại Việt Nam, theo số liệu do ABI Research (Mỹ) đưa ra vào tháng 9 vừa qua.
Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, Grab duy trì vị thế nền tảng gọi xe số 1 tại Việt Nam, theo số liệu do ABI Research (Mỹ) đưa ra vào tháng 9 vừa qua.
Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co mới công bố vào quý III/2019, thị trường gọi xe tại Việt Nam đạt quy mô 1,1 tỷ USD vào năm nay, tăng hơn 5 lần so với thời điểm cách đây 4 năm. Đây được coi là một trong những thị trường hấp dẫn và tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á.
Tăng trưởng ngoạn mục
Cũng bởi hấp dẫn, sự cạnh tranh trên thị trường diễn ra ngày càng khốc liệt. Năm vừa qua chứng kiến cuộc đua của cả những “tay chơi” mới và cũ trên thị trường. Trong bối cảnh các đối thủ cũng tích cực tăng tốc, Grab vẫn chứng minh thực lực bằng những con số tăng trưởng thuyết phục, đồng thời giữ vững định hướng phát triển thành “siêu ứng dụng”. Cách đi này cho phép hãng gọi xe công nghệ tăng trưởng ở không chỉ mảng cốt lõi là dịch vụ vận chuyển mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, phát triển thêm những sản phẩm mới.
Với dịch vụ vận chuyển cốt lõi, Grab vẫn duy trì vị trí nền tảng đặt xe được lựa chọn hàng đầu tại Việt Nam, với 73% thị phần xét trên tổng số chuyến xe đã hoàn thành. Con số này được hãng nghiên cứu uy tín ABI Research (Mỹ) đưa ra vào tháng 9 vừa qua.
Đáng chú ý, mức tăng trưởng của Grab ổn định qua các năm, với số lượng chuyến xe tăng 29% trong năm 2019. Trung bình cứ 4 người thì có 1 người Việt Nam sử dụng dịch vụ của Grab mỗi ngày. Có thể nhận thấy, Grab là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt.
Ra mắt năm 2018, GrabFood cũng có những bước tiến đáng kể trong năm 2019. Một số chuyên gia nhận định GrabFood đã thay đổi “cuộc chơi” trên thị trường giao nhận đồ ăn tại Việt Nam bởi mức tăng trưởng kỷ lục 1.800% trong năm qua.
2019 đánh dấu sự kiện Grab ra mắt mô hình “căn bếp trung tâm” GrabKitchen. Đây là mô hình hoàn toàn mới khi Grab tạo lập một địa điểm đắc địa, thu hút các đối tác nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp… đến kinh doanh. Địa điểm cũng chính là nguồn cung hàng hóa phục vụ khách hàng trên ứng dụng GrabFood.
Bứt phá trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt
Song song đó, GrabExpress duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trên 97% trong năm qua. Grab kỳ vọng dịch vụ giao nhận hàng hóa có thể tận dụng, đồng thời góp phần phát triển mạnh mẽ lĩnh vực logistics ở Việt Nam. Do đó, trong chiến lược phát triển của Grab, GrabExpress không chỉ là một nền tảng giao nhận đơn thuần, mà dần chinh phục các đối tác là những sàn thương mại điện tử uy tín tại Việt Nam… Sự tăng trưởng của nền tảng này dự báo tiếp tục duy trì với tốc độ cao hơn trong tương lai gần.
Hoàn thiện chiến lược phát triển thành “siêu ứng dụng”, Grab bắt tay với Moca – một trong những công ty dẫn đầu thị trường về thanh toán di động để gia tăng số lượng giao dịch không dùng tiền mặt. Năm 2019, lượng giao dịch thanh toán qua ví Moca trên ứng dụng Grab đã tăng 131%. Có 43% giao dịch trên nền tảng Grab được thực hiện không dùng tiền mặt tính đến tháng 11.
Sự nỗ lực phát triển ở tất cả mảng dịch vụ giúp Grab duy trì đà tăng trưởng tốt trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt. Sự tăng trưởng đến từ mọi mảng mà Grab đang phát triển, đặc biệt là những mảng mới.
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cộng đồng
Song song với việc mang đến nhiều dịch vụ để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của người dân, Grab còn có nhiều đóng góp cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. “Siêu ứng dụng” này đã đóng góp 13 tỷ đồng trong năm qua cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng như giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho học sinh nghèo… Sự hỗ trợ này càng góp phần khẳng định nỗ lực theo đuổi sứ mệnh “Grab Vì Cộng Đồng” của Grab.
Tháng 8 vừa qua, Grab tuyên bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính (fintech), công nghệ di động mới (mobility) và logistics. Hãng kỳ vọng khoản đầu tư này sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.
Ông Jerry Lim, Tổng giám đốc tại Việt Nam, cho biết: ”Khoản đầu tư 500 triệu USD này sẽ tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực của chúng tôi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho không chỉ người dùng trong hệ sinh thái siêu ứng dụng Grab, mà còn cho hàng triệu người dân Việt Nam. Bằng cách triển khai chiến lược kinh doanh phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ, chúng tôi cam kết tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cũng như đóng góp vào công cuộc thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam”.
Theo Zing.vn