Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Gojek nói gì về tin đồn sát nhập với Grab?

Đã có nhiều thông tin về việc hai “kỳ lân đa sừng” là Grab và Gojek đang bàn bạc để sát nhập. Người đại diện của Gojek đã lên tiếng về vấn đề này.

Trả lời phỏng vấn tờ The Business Times, đại diện Gojek đã phủ nhận tin đồn: “Không có bất kỳ kế hoạch nào về việc sát nhập. Tất cả các bài báo gần đây đều không chính xác”. Trong khi đó, Grab đã từ chối cho ý kiến về vấn đề này.

Thương vụ sát nhập nào giữa Grab và Gojek chỉ là tin đồn.

Trước đó, theo báo cáo từ The Information, 2 ‘ông lớn’ vận chuyển của thị trường Đông Nam Á là Grab và Gojek đã và đang có những cuộc thương thảo, hướng đến việc sáp nhập trong tương lai, nguồn tin từ DealStreetAsia cho hay.

Báo cáo cũng chỉ ra xuyên suốt 2 năm qua, quản lý Grab và Gojek vẫn thỉnh thoảng gặp gỡ trao đổi, và đến nay công tác thương thảo đang có những tiến triển nhất định. Trong đó, ghi nhận sau vòng đàm phán mới nhất giữa Chủ tịch Grab – ông Ming Maa và Giám đốc điều hành Gojek – ông Andre Soelistyo đầu tháng này, hai bên cho biết vẫn còn nhiều vấn đề để tiến đến một thương vụ chính thức.

DealStreetAsia cũng đã có liên hệ với các bên để xác minh, trong đó người phát ngôn của Gojek khẳng định: “Không hề có bất kỳ kế hoạch sáp nhập nào, những ghi nhận từ giới truyền thông về các cuộc gặp gỡ trao đổi là không chính xác”.

Trong khi theo The Information, phía Grab từng thông tin rằng Gojek đưa ra tỷ lệ sáp nhập 50-50, ngược lại Grab muốn chiếm đa số cổ phần. Ngoài ra, hai bên cũng chưa đạt được thoả thuận liên quan đến việc định giá cả hai công ty…

Mặt khác, một giám đốc điều hành cấp cao liên quan từng tiết lộ với DealStreetAsia: bước đầu tiên cả 2 bên phải xem xét hạn chế việc cạnh tranh giá cả tại mảng vận chuyển cũng như giao thức ăn để giảm thiểu thua lỗ. Vị này cũng dẫn chứng các đơn vị vận chuyển hác như Ola và Uber, sau khi đạt được thỏa thuận tương tự tại Ấn Độ, đến nay đã bắt đầu tăng chiết khấu cho tài xế cũng như tăng giá dịch vụ 2 năm qua.

Tuy nhiên, phía Gojek nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào cũng không được cắt giảm trợ cấp của tài xế hoặc tăng giá, vì điều này là bất hợp pháp; thậm chí cơ quan quản lý khu vực có thể kết luận 2 bên thông đồng làm giá thị trường.

Được biết, Grab là một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore, chuyên cung cấp các dịch vụ vận chuyển và đi lại bằng xe máy, ô tô khắp các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Ngoài ra, Grab còn vận chuyển hàng hoá, giao thức ăn, dịch vụ tài chính, thanh toán… Hiện Grab đang được định giá hơn 10 tỷ USD.

Tương tự, Gojek cũng có giá trị tương đương 10 tỷ USD, xuất thân là công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Jakarta (Indonesia) chuyên về dịch vụ vận tải và hậu cần. Đây cũng là Kỳ lân đầu tiên của Indonesia, đơn vị duy nhất Đông Nam Á được đưa vào 50 công ty của Fortune đã thay đổi thế giới năm 2017 và xếp thứ 17 cùng với Apple, Unilever, và Microsoft.

Hiện cả Grab và Gojek đều là những “decacorn” tại Đông Nam Á với định giá vượt mốc 10 tỷ USD. Danh sách nhà đầu tư của cả hai lên tới hàng chục cái tên bao gồm những ông lớn như SoftBank, Microsoft, Toyota, Honda phía Grab hay Google, Temasek, Mitsubishi, Samsung phía Gojek. Duy nhất Visa là nhà đầu tư của cả hai.

Một số nhà đầu tư của Grab và Gojek được cho rằng cũng cởi mở với thương vụ sáp nhập giữa hai bên.

Nếu thương vụ sáp nhập Grab-Gojek xảy ra, khu vực Đông Nam Á sẽ chỉ còn lại một cái tên duy nhất chi phối thị trường gọi xe. Tuy nhiên, điều này có thể vấp phải sự phản đối của các nhà chức trách và liên doanh mới khi đó sẽ phải trải qua các cuộc điều tra về chống độc quyền. Điều này từng diễn ra khi Uber bán lại mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho Grab vào năm 2018.

Gojek hiện đã gọi vốn thành công hơn 3 tỷ USD từ khi thành lập năm 2010. Trong khi đó, số tiền các nhà đầu tư đổ vào Grab đã vượt mốc 9 tỷ USD. Grab cũng đang chuẩn bị nhận thêm 700 triệu USD từ ngân hàng MUFG của Nhật Bản.

Từ lĩnh vực gọi xe ban đầu, hiện Grab và Gojek đều trở thành những siêu ứng dụng tại Đông Nam Á, cung cấp thêm nhiều dịch vụ như giao nhận, giao đồ ăn, thanh toán điện tử.

Trong diễn biến khác, một số nhà đầu tư chủ chốt tại Grab và Gojek cũng đang có những động thái dẫn đến một sự hợp nhất tiềm năng. Hiện tại, hai “kỳ lân” này đã bắt đầu chia nhóm các nhà đầu tư ở Đông Nam Á, chỉ duy nhất Visa và Mitsubishi hiện vẫn rót vốn vào cả Grab và Gojek. Chưa kể, trong quá khứ, các nhà đầu tư chủ chốt của Grab và Gojek cũng từng chia sẻ với báo giới về một sự sáp nhập tiềm năng.

Được biết, kể từ khi được thành lập năm 2010, Gojek đã huy động được hơn 3 tỷ USD sau 12 vòng. Công ty hiện đang ở vòng tài trợ Series F, Gojek đặt kế hoạch tổng vốn huy động tích luỹ vào mức 2,5 tỷ USD.

Còn với Grab, báo cáo mới nhất từ Nikkei cho biết Ngân hàng MUFG của Nhật Bản đã lên kế hoạch đầu tư 80 tỷ yên (727 triệu USD) vào Grab. Bằng hợp tác này, Grab hướng đến cung cấp các dịch vụ mới như cho vay và bảo hiểm thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh.

Theo Enternews.vn