Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Gói hỗ trợ 180.000 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn chưa hết khó?

Với quy mô khoảng 180.000 tỷ đồng, chia thành năm nhóm đối tượng hỗ trợ, Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19 được đánh giá sẽ có tác động tới 98% số DN hiện nay.

Theo tinh thần Nghị định 41, các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bao gồm nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: sản xuất, xây dựng, vận tải; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế, du lịch, các hoạt động văn hóa khác… và thậm chí cả hoạt động kinh doanh bất động sản, các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là DN, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất thêm 5 tháng.

Mặc dù gói hỗ trợ tài khóa tại Nghị định 41 đã được Chính phủ và Bộ Tài chính cân nhắc và cân đối sao cho vừa đảm bảo thu chi ngân sách vừa hỗ trợ DN vượt qua khó khăn hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Chính phủ phải ưu tiên cho hoạt động phòng, chống dịch nhưng đa số DN vẫn mong chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa. 

Tựu chung, các ý kiến cho rằng Nghị định 41 hỗ trợ DN giải quyết được những khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, chính sách giãn nộp thuế GTGT không tác động nhiều đến DN vì thực tế, có nhiều DN vẫn còn nguồn hoàn thuế GTGT chưa sử dụng hết. Còn quy định giãn tiến độ nộp thuế thu nhập DN thì DN mong sớm được thực hiện vì thời hạn kê khai đăng ký xin giảm trước ngày 30/7.

Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành thời trang chia sẻ: “Các công ty may mặc, da giày có đội ngũ lao động rất đông, mỗi tháng tiền đóng phí bảo hiểm lên đến cả trăm triệu đồng, cao hơn nhiều tiền thuế GTGT, vì vậy, nếu như được giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ tốt hơn. Đồng thời, ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho các khoản vay chưa đến kỳ đáo hạn bằng lãi suất được giảm cho khoản vay mới vì sẽ có nhiều công ty gặp khó khăn, không đảm bảo trả nợ.

Trả lời báo chí mới đây, ông Chu Tiến Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho rằng: ‘Nghị định 41 như một liều thuốc kháng sinh cho DN, cứu đói ngay, hỗ trợ ngay DN trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn, khó khăn vẫn còn nguyên. Về lâu dài, chưa biết bao giờ dịch bệnh sẽ hết và mọi hoat động kinh tế lại bình thường hóa trở lại, ngay cả khi bình thường thì cũng phải DN có ngay sức bật để trả nguồn thuế đã “mượn” của Nhà nước trong ngắn hạn”. Theo ý kiến của các DN, nếu gia hạn thêm 5 tháng thì DN cũng phải trả nên nguyện vọng của DN là Chính phủ nên giảm một nửa hoặc không thu tiền sử dụng đất trong một năm cho các DN đi thuê đất là giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh cũng cho rằng: “DN bán được hàng mới phát sinh thuế GTGT. Nếu DN không bán được hàng thì cũng không có số thuế này. Hơn nữa, chính sách cho giãn thời hạn đóng thuế, thực ra là cho DN được giữ tiền lại lâu hơn, xoay xở qua thời kỳ khó khăn. Nhưng sau khó khăn này, sẽ có không ít DN không còn tiền mà giữ. Điều các DN cần nhất hiện nay là được giãn nợ, không ghi nợ xấu nên cần có thêm chính hỗ trợ liên quan đến vốn vay càng nhanh càng tốt”.

Theo thông tin từ Tập đoàn Vingroup, tất cả các ngành nghề của Tập đoàn này đều bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Cụ thể, giải đua xe F1 tạm dừng, phải hoàn lại 100% tiền vé cho khách, khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy dẫn đến thiếu linh kiện để sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy… Về du lịch, hơn 18.000 cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng phải nghỉ làm nhưng vẫn phải duy trì lương, lỗ khoảng 3.000 tỷ. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Mới đây, tại buổi “Đối thoại với doanh nghiệp” do Thành ủy – HĐND – UBND thành phố Hà Nội tổ chức, đại diện Tập đoàn Vingroup cũng kiến nghị kéo dài thời gian gia hạn thuế là một năm thay vì 5 tháng như hiện nay, đồng thời thực hiện giãn thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn tiền thuê đất năm 2020 với cơ sở lưu trú.

Còn theo Tập đoàn FLC, chính sách ưu đãi chỉ trong 5-6 tháng là chưa đủ, vì vậy đề xuất kéo dài thời gian hỗ trợ, cũng như có thêm chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho cộng đồng DN. Các ý kiến khác cũng kiến nghị nên cắt giảm thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp FDI, giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép cho  DN, giảm các loại thuế và kéo dài thời gian hơn để hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh.

Theo DNSG