“Giữa dòng sóng dữ” là chủ đề tọa đàm trực tuyến (livestream talkshow) được Forbes Việt Nam thực hiện tối 19.5 cùng các doanh nhân và chuyên gia, chia sẻ về cách doanh nghiệp vượt giông bão trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tọa đàm: ông Nguyễn Đức Tài – chủ tịch công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động; ông Cô Gia Thọ – chủ tịch tập đoàn Thiên Long và ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo – trưởng khoa Tài chính của đại học Kinh tế TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo – trưởng khoa Tài chính của đại học Kinh tế TP.HCM, khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra là một cú sốc có tính cấu trúc, dai dẳng và bất định: Sự đổ vỡ và đứt gãy sẽ thay đổi hoàn toàn nền kinh tế thế giới, chuyển mọi thứ sang trạng thái bình thường mới (new normal), trong khi sẽ mất nhiều thời gian để tất cả khôi phục mà không ai có đủ kiến thức và kinh nghiệm có thể đoán định những gì sẽ tiếp diễn.
IMF đã gọi lần khủng hoảng này là cuộc đại phong tỏa, dự kiến sẽ nghiêm trọng hơn cả cuộc đại suy thoái năm 1929-1932 hay cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 được IMF dự báo sẽ rớt xuống mức -3% và nếu tất cả không nhanh chóng phục hồi, 2021 sẽ lại là một năm đen tối khác của nền kinh tế.
Để thấy được ảnh hưởng của đại dịch lên Việt Nam, cần nhìn lại cấu trúc vĩ mô của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, với tổng kim ngạch xuất khẩu cao gấp ba lần so với GDP, theo số liệu năm 2019. “Như vậy khi tổng cầu thế giới giảm sút thì xuất khẩu Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề,” ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định.
Ông Bảo cũng chỉ ra một trụ cột khác của nền kinh tế là đầu tư. Chính phủ Việt Nam lúc này đang đẩy mạnh đầu tư công và tranh thủ sự dịch chuyển nguồn vốn do chiến tranh thương mại. Nhưng tin đáng buồn là Indonesia đã kêu gọi thành công 27 nhà máy từ Mỹ dịch chuyển qua.
Nhìn về viễn cảnh phục hồi kinh tế hậu dịch, trưởng khoa Tài chính của đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng hiện tại kinh tế Việt Nam vẫn chưa chạm đáy và hình mẫu phục hồi kinh tế sẽ theo hình lưỡi liềm. “Chúng ta sẽ mất một thời gian nữa để trượt xuống đáy và việc phục hồi kinh tế sẽ không bật dậy như hình chữ V mà phải chờ đợi các gói hỗ trợ của chính phủ và hội đoàn có hiệu lực,” chuyên gia này nhận định.
Giữa bức tranh kinh tế bất ổn này, các doanh nghiệp Việt đều đang “gồng mình chịu bão”. Lãnh đạo của Thiên Long và Thế Giới Di Động đều nhìn nhận ảnh hưởng của Covid-19 khiến nhu cầu thị trường giảm mạnh.
Với tập đoàn chuyên sản xuất văn phòng phẩm Thiên Long, chủ tịch Cô Gia Thọ cho biết doanh nghiệp ông đã chuẩn bị tự chủ nguyên vật liệu và máy móc trong nhiều năm và sẵn sàng chịu tồn kho cao trong ngắn hạn để duy trì hoạt động sản xuất cho người lao động. “Chúng tôi có ba nhà cung cấp. Vào thời điểm này chúng tôi dịch chuyển sang bên chịu ít ảnh hưởng nhất để hạn chế tác động lên kinh doanh sản xuất,” ông Thọ bày tỏ.
Trong khi đó chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết mảng bán lẻ của ông đã phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng và cắt giảm chi phí bằng cách thương lượng lại với chủ nhà thuê, cắt giảm chi phí vận hành và thu nhập của nhân viên. Tuy vậy tập đoàn này vẫn bảo toàn 100% lực lượng lao động vì “sau dịch chúng tôi rất cần nguồn lực con người để phát triển,” ông Tài chia sẻ.
Đáng chú ý, cả Thiên Long và Thế giới Di Động không thụ động khi đối mặt rủi ro đại dịch. Cả hai đều chọn con đường thúc đẩy bán hàng trực tuyến và cho ra mắt các sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thiên Long, trong mùa dịch cho ra mắt các sản phẩm như gôm kháng khuẩn, bọc tay kháng khuẩn và cả gel rửa tay khô. “Thiên Long có bộ phận nghiên cứu phát triển (R&D) và bộ phận nghiên cứu thị trường hoạt động nhiều năm, vậy nên lúc này chỉ cần thúc đẩy hoạt động của họ,” ông Thọ cho biết.
Trong khi đó Thế Giới Di Động lại nắm bắt tâm lý ngại đám đông mùa dịch của các bà nội trợ và ra mắt dịch vụ đi chợ hộ sau 10 ngày phát triển. “Chúng tôi triển khai nhanh được dịch vụ là nhờ đội ngũ IT tốt và trên nền của Bách Hóa Xanh. Mô hình đi chợ hộ này đã tạo công ăn việc làm, giúp chúng tôi không phải sa thải hàng ngàn nhân viên,” chủ tịch Thế Giới Di Động chia sẻ.
“Thời cuộc tạo ra thay đổi”, ông Tài khi nói về tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh. Nêu dẫn chứng về sự lên ngôi của dịch vụ đi chợ thay trong giai đoạn dịch bệnh mà chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã nhanh chóng tung ra chỉ trong vòng 10 ngày, ông Tài cho rằng việc giãn cách xã hội do Covid-19 đã giúp thay đổi hành vi của một nhóm khách hàng mà lẽ ra sẽ phải tốn rất nhiều thời gian.
“Trước đây nhiều doanh nghiệp đã làm dịch vụ này rồi và gần như đều… chết hết. Nhu cầu mới lần này giống như từ trên trời rơi xuống. Đơn hàng nhiều đến mức có những lúc chúng tôi phải hoãn giao đến hai ngày. Nếu không nhanh nhạy nắm bắt, cơ hội này sẽ trôi qua,” theo chủ tịch Thế Giới Di Động.
Sự thay đổi theo đó còn đến từ sự tối ưu hóa hiệu quả. “Không còn chỗ cho sự lãng phí và kém hiệu quả. Chẳng hạn lúc trước mỗi cửa hàng cần 10 nhân viên, nay còn 3 nhân viên. Khó khăn cho chúng ta thấy được những cách thức mà bình thường chúng ta không làm,” ông Tài nhấn mạnh.
Nói về sự thay đổi, ông Cô Gia Thọ cho rằng thị trường nội địa vốn là thế mạnh của Thiên Long cũng luôn thay đổi theo thời đại, buộc công ty phải nắm bắt được những nhu cầu của diễn biến thực tiễn đó để có thể tồn tại và phát triển mấy mươi năm.
“10 năm trước chung tôi chỉ biết bán trên các kênh truyền thống, bán buôn, bán sỉ, sau này dần bán thêm ở kênh siêu thị, thương mại hiện đại, tập cho mình khả năng tham gia vào siêu thị lớn và bán trực tiếp cho người tiêu dùng, nay dần mở rộng ra kênh thương mại điện tử” ông Thọ kể, “dựa vào thời điểm, thị hiếu và sự thay đổi của thị trường mà nắm bắt, đó là cách chúng tôi giữ vững được thị trường nội địa.”
Với thế mạnh vừa tham gia sản xuất lẫn thương mại, chủ tịch Thiên Long cho rằng công ty “may mắn” khi tìm ra những sản phẩm có thể phù hợp với khách hàng trong và sau mùa dịch, như các sản phẩm kháng khuẩn, các sản phẩm có thể tái sử dụng để bảo vệ môi trường, sản phẩm an toàn cho sức khỏe… Sắp tới Thiên Long cũng sẽ đẩy mạnh phát triển telesale cho phù hợp với xu thế mới.
Tuy thị trường nội địa là thế mạnh của Thiên Long, thị trường xuất khẩu chiếm chưa đến 20% doanh số, nhưng ông Thọ khẳng định dư địa phát triển của thị trường xuất khẩu còn rất lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động xuất khẩu thực tế trở nên nhiều bấp bênh và rủi ro hơn. Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng không thể vì thế mà thay đổi chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu.
“Xuất khẩu là trụ cột lớn cho tăng trưởng kinh tế và vẫn là mũi nhọn quan trọng trong kinh tế vĩ mô, từ bỏ xuất khẩu là đi ngược lại với xu thế của thế giới,” theo ông Bảo. Do đó để tận dụng được lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và giảm tính bấp bênh của xuất khẩu, chuyên gia tài chính này cho rằng điều quan trọng là phải đa dạng hóa các thị trường đầu vào lẫn đầu ra, hạn chế lệ thuộc vào một thị trường hay một đối tác.
“Bối cảnh khó khăn lần này khiến chúng ta phải nhìn lại toàn bộ sức khỏe của nền kinh tế, về tính tự chủ trong sản xuất của nền kinh tế. Thực tế chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc ở cả đầu vào lẫn đầu ra. Dịch bệnh chỉ khiến tô đậm thực trạng này lên. Để giải bài toán này, không còn cách nào khác là phải đa dạng hóa. Cú sốc lần này khiến từng cá nhân trong nền kinh tế đến những kiến trúc sư vĩ mô đều phải tìm cách tái cấu trúc cần thiết để thích ứng với trạng thái bình thường mới,” ông Bảo nhận định.
Theo FosbetVietnam