Theo chia sẻ từ Giao Hàng Nhanh, nguồn vốn từ Quỹ Temasek sẽ được họ đầu tư vào những hoạt động chiến lược. Ngoài ra, Giao Hàng Nhanh chỉ cho biết đây là lần gọi vốn ‘khủng’ nhất của họ, nhưng không tiết lộ con số cụ thể. Còn từ nguồn tin từ DealAsia Street, số vốn mà Giao Hàng Nhanh gọn được có thể lên đến 100 triệu USD.
Với mục tiêu tăng tốc mở rộng thị trường nội địa, đầu tư công nghệ tiên tiến, tăng cường cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho khách hàng, Giao Hàng Nhanh (GHN) và AhaMove đã gọi vốn thành công từ Quỹ đầu tư Temasek (Singapore).
Nguồn vốn từ Quỹ Temasek sẽ được GHN và AhaMove đầu tư vào những hoạt động chiến lược, giúp công ty ngày càng mở rộng phạm vi & chất lượng dịch vụ trên toàn quốc. Cụ thể: doanh nghiệp này sẽ liên tục nâng cao hạ tầng và đội ngũ nhân sự công nghệ, cũng như đầu tư các hệ thống phân loại hàng tự động.
Trong đó, hệ thống phân loại hàng tự động đầu tiên đã ra mắt ở Hà Nội vào tháng 8/2019 và dự kiến tháng 11/2019 sẽ đưa vào hoạt động hệ thống thứ hai với năng suất kỷ lục 40.000 đơn hàng một giờ tại miền Nam.
Tận dụng lợi thế địa phương và khả năng vận hành với quy mô lớn, GHN là đối tác cung cấp dịch vụ giao nhận cho các đơn vị thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam và hơn 100.000 doanh nghiệp SME khác từ năm 2012.
Trong bối cảnh ngành giao nhận đang trở nên cạnh tranh ngày càng khốc liệt với nhiều tay chơi nước ngoài gia nhập thị trường, việc gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư uy tín với tầm nhìn dài hạn như Temasek là tín hiệu cho thấy, GHN và AhaMove có nền tảng mang tầm khu vực, cùng như thị trường Việt Nam đầy tiềm năng trong tương lai.
Anh Lương Duy Hoài – Nhà sáng lập và CEO Giao Hàng Nhanh chia sẻ: “Bước ngoặt này sẽ giúp GHN và AhaMove tiếp tục đầu tư vào công nghệ, năng lực quản trị, nhân sự, hạ tầng và mạng lưới để mang đến cho thị trường những dịch vụ nhanh, thông minh và hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu giao nhận ngày càng cao của khách hàng.
Sự tham gia của Temasek cũng mở ra cơ hội để chúng tôi học hỏi nhiều mô hình công nghệ và dịch vụ logistics đã thành công ở thị trường nước ngoài, từ đó tiếp tục đổi mới, tạo ra hàng trăm ngàn việc làm và dịch vụ có ích cho xã hội. Chúng tôi cám ơn và tự hào là một phần trong bước chuyển mình đầy hứng khởi của nền kinh tế số Việt Nam.”
Cũng theo Giao Hàng Nhanh, đây là vòng gọi vốn lớn nhất của họ từ trước đến nay, mặc dù họ không chịu tiết lộ con số cụ thể. Còn theo một nguồn tin của DealAsia Street, giá trị thương vụ ước tính có thể lên đến 100 triệu USD.
Ở khía cạnh khác, Quỹ Temasek đang chuyển hướng chuyên tập trung đầu tư vào những doanh nghiệp có tiềm năng trở thành ‘kỳ lân’ tại khu vực Đông Nam Á, nhất là trong lĩnh vực công nghệ – tài chính, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử cùng gọi xe.
Sở dĩ, Quỹ này đặc biệt quan tâm đến những lĩnh vực nói trên, đặc biệt ở Việt Nam, là bởi: trong báo cáo mới nhất về nền kinh tế số Đông Nam Á 2019 của Google, Temasek, Bain & Company phối hợp thực hiện, thì nền kinh tế số của Việt Nam đã thu hút gần 1 tỷ USD đầu tư và năm 2019 sẽ đánh dấu một năm kỷ lục.
Ngoài ra, nền kinh tế số Việt Nam dự tính đạt quy mô 12 tỷ đô la, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 38% suốt từ năm 2015. Với GMV của nền kinh tế số chiếm hơn 5% GDP năm 2019, Việt Nam đang nổi lên là nền kinh tế số hoá mạnh mẽ nhất trong khu vực.
Hiện có khoảng gần 70 doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á đạt được giá trị từ khoảng 100 triệu USD và 1 tỷ USD, có tiềm năng trở thành ‘unicorn’ trong tương lai.
“Temasek sẽ rất tập trung vào phân khúc này“, ông Rohit Sipahimalani – Trưởng nhóm Đầu tư và Rủi ro của Temasek, nói với báo giới đầu tháng 10/2019. Những doanh nghiệp nói trên cần rất nhiều tài nguyên ở giai đoạn sau này, thông qua các khoản đầu tư từ 25 triệu USD đến 100 triệu USD, để tăng tốc mở rộng thị trường. “Vẫn còn khá ít cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong phân khúc nói trên“, ông Rohit nhận định.
Trong 12 tháng vừa qua, trước Giao Hàng Nhanh, Temasek đã đầu tư vào ít nhất 3 công ty mà theo họ có khả năng biến thành một ‘kỳ lân’ trong tương lai, gồm: Zilingo – startup trong lĩnh vực thời trang, One Championship – công ty truyền thông thể thao toàn cầu và Sociolla – thuộc lĩnh vực thương mại điện tử.
Temasek không phải là cái tên xa lạ tại thị trường Việt Nam khi sớm đầu tư vào đây từ đầu những năm 2000s với danh mục trải dài qua các lĩnh vực như tài nguyên, nông lâm nghiệp, hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin, ngân hàng…
Tháng 3/2019, Temasek cũng đầu tư khoảng 100 triệu USD để trở thành cổ đông lớn VNG – “kỳ lân” duy nhất đến thời điểm hiện tại của Việt Nam. Thương vụ này đã nâng mức định giá của VNG lên hơn 2 tỷ USD. Còn tại Đông Nam Á, Temasek cũng đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tiêu biểu như Gojek, Razer và Lazada.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ