Năm 2020, áp lực già hóa dân số khiến nhiều quốc gia có xu hướng nới lỏng visa du lịch và cho phép tuyển thẳng lao động, dẫn đến rủi ro mất lao động hàng loạt. Thực tế này đặt ra bài toán khó cho ngành giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội từ Tổng cục Thống kê nhấn mạnh ngành giáo dục nghề nghiệp năm 2019 chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực. Ước tính năm 2019, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh khoảng 2,3 triệu học viên.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 cũng đánh giá chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam cải thiện 13 bậc so với năm 2018, mức tăng cao nhất trong khu vực ASEAN, tuy nhiên, tuy nhiên vẫn còn nằm ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng, xếp 102/141 quốc gia. Về khả năng doanh nghiệp tìm được lao động có kỹ năng phù hợp, Việt Nam tăng 8 bậc và xếp 96/141.
Những con số dù được cải thiện nhưng nhìn chung năng lực cạnh tranh của ngành đào tạo nghề nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp. Theo đánh giá của ông Trương Anh Dũng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam) tại một sự kiện giáo dục nghề nghiệp gần đây.
Thực tế còn có những bất cập khác, năm 2019 có gần 2,2 triệu học viên tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề thì chỉ hơn 22% tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp. Có đến 1,7 triệu người, chiếm hơn 77% ở trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác.
Theo đó, lắng nghe tín hiệu thị trường vẫn là một thách thức lớn với các hệ thống trường nghề, nhằm nắm bắt được nhu cầu thực tế để đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng phù hợp.
Trao đổi với Forbes Việt Nam về cách giải bài toán đào tạo nghề nghiệp, ông Jimmy Phạm, nhà sáng lập doanh nghiệp xã hội KOTO – cho rằng nên tạo sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành cho học viên các lớp đào tạo nghề. Chẳng hạn, với chương trình đào tạo trong hai năm tại KOTO, học viên phải đảm bảo song song giữ 400 giờ lý thuyết và 400 giờ thực hành.
KOTO vốn là một doanh nghiệp xã hội chuyên đào tạo kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng – khách sạn cho người trẻ khó khăn, nhờ mô hình này mà 20 năm qua họ đào tạo nghề và cung cấp việc làm cho 1.200 học viên.
“Nhờ đào tạo lý thuyết song song thực hành, từ ba tháng trước khi tốt nghiệp, các học viên có thể được mời làm việc tại nhiều khách sạn… nhờ họ được đào tạo nhuần nhuyễn không chỉ ở kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống và cả giao tiếp tiếng Anh,” ông Jimmy cho biết.
Nhận định về xu hướng nhân lực sắp tới, bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu lên khả năng ngay trong quý I.2020, một số quốc gia trước áp lực già hóa dân số đẩy mạnh hút nhân lực nước ngoài bằng cách cấp visa du lịch và cho phép tuyển thẳng lao động.
“Cần chú trọng vấn đề này để tránh tình trạng mất nhân lực ồ ạt,” ông Dung nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến chính phủ với các địa phương ngày 31.12.2019.
Theo ông Jimmy Phạm, học viên KOTO không thiếu việc làm ở thị trường Việt Nam nên phần lớn ổn định cuộc sống trong nước, nhưng thực tế vẫn có khoảng 10-15% học viên có xu hướng muốn đi Mỹ, Úc, New Zealand… để làm việc, đặc biệt là với nghề đầu bếp.
Chẳng hạn tại Úc đang thiếu nhân sự nghề bếp nên cả chính phủ lẫn doanh nghiệp đều có những chính sách thu hút lao động này với mức lương cao kèm theo các phúc lợi khác, như được nhập quốc tịch sau bốn năm, được nhận các chính sách ưu đãi khác nếu đồng ý ở lại làm việc nhiều năm… “Phần lớn đi vì yếu tố kinh tế, với mức lương tầm 20 triệu đồng/tháng ở Việt Nam, họ tin rằng sẽ không thể nào mua được nhà,” ông Jimmy nói.
Tại Việt Nam, ước tính mức lương lao động phổ thông ngành dịch vụ nhà hàng khách sạn (hospitality) trung bình 7-12 triệu đồng/tháng, cấp quản lý ở mức 15-20 triệu, giám đốc bộ phận 25-40 triệu, giám đốc 90-100 triệu.
Thực tế đề án Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đặt ra mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có khoảng 70 trường, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Hiện cả nước có 1.913 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 402 trường cao đẳng, 472 trường trung cấp và 1.039 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo ForbesVietnam