Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Giám khảo Startup Việt: ‘Không nhất thiết phải khởi nghiệp ở Việt Nam’

Giám đốc điều hành Endeavor Việt Nam, Nguyễn Lan Anh khuyên startup chọn thị trường mình hiểu rõ và phù hợp mô hình kinh doanh, không nhất thiết là Việt Nam.

Bà Nguyễn Lan Anh – Giám đốc điều hành Endeavor Việt Nam vừa nhận lời tham gia hội đồng giám khảo cuộc thi Startup Việt 2019. Với kinh nghiệm 15 năm làm báo quốc tế và hiện tham gia điều hành mạng lưới thúc đẩy doanh nghiệp quy mô toàn cầu, bà Lan Anh kỳ vọng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Startup Việt 2019 phát triển mạnh và hiệu quả.

Người điều hành Endeavor Việt Nam chia sẻ về cộng đồng khởi nghiệp Việt và mong đợi đối với các đội thi.

– Bà nhận xét gì về sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam những năm qua?

– Tôi quan sát môi trường kinh doanh cũng như cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam từ lâu khi còn tham gia sâu trong lĩnh vực báo chí. Tại Forbes Việt Nam, chúng tôi xây dựng danh sách những nhân vật nổi bật có tầm ảnh hưởng trong xã hội, trong đó đa số các bạn là doanh nhân khởi nghiệp. 

Trong 5-6 năm qua, có sự biến đổi nhanh chóng về số lượng startup. Về chất lượng, cùng thời kỳ cũng đã bắt đầu hình thành một số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có tính đột phá và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh. Hai trong số ba doanh nghiệp chúng tôi mới chọn tham gia mạng lưới Endeavor là Giao Hàng Nhanh và The Coffee House cũng hình thành trong giai đoạn trên. Đây là những tín hiệu đáng mừng.

– Còn về khả năng chinh phục thị trường nước ngoài của các startup Việt như thế nào thưa bà?

– Đã có một số doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam bước đầu phát triển ra các thị trường khu vực. Trong thời điểm thuận lợi như hiện tại, cơ hội có ở khắp mọi nơi, nhất là khi Đông Nam Á được xem là một thị trường chung hơn 600 triệu dân, đi lại, giao thương dễ dàng. 

Tôi cho rằng doanh nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu ở thị trường Việt Nam nếu cảm thấy mô hình có thể phát triển mạnh ở khu vực. Ví dụ có một số lĩnh vực như blockchain, business intelligence (phân tích số liệu và quản trị doanh nghiệp), là những mô hình mới chưa phát triển mạnh ở Việt Nam, trong khi đó lại đang rất phổ biến ở nước ngoài.

Dù khởi điểm ở đâu cũng cần lưu ý, đó phải là thị trường bạn hiểu nhất, thấy thoải mái nhất, có điều kiện phù hợp nhất với mô hình sản phẩm dịch vụ. Chẳng hạn với những mô hình truyền thống như chuỗi quán cà phê, một số doanh nghiệp chọn bắt đầu ở Việt Nam bởi đây là thị trường mà các bạn ấy hiểu rõ nhất, có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, thị hiếu người dùng.

Bà Nguyễn Lan Anh, giám khảo Startup Việt 2019, hiện điều hành Endeavor Việt Nam. Bà là thư ký tòa soạn Forbes Việt Nam từ 2012 đến 2018.

– Những lĩnh vực nào thì doanh nghiệp có lợi thế để “xuất ngoại” hơn?

– Bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào sử dụng công nghệ để tạo ra sự đột phá đều có khả năng mở rộng ra khỏi thị trường Việt Nam. Công nghệ là con đường nhanh nhất để vươn ra thị trường ngoại. Dĩ nhiên vẫn có những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực truyền thống như bán lẻ, nông nghiệp, hàng không… theo thời gian trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường và mở rộng chinh phục các thị trường khác. Nhưng họ mất hàng chục năm trời để làm việc đó. Bằng công nghệ, các doanh nghiệp có thể rút ngắn con đường này.

– Riêng tại thị trường Việt Nam, bối cảnh và điều kiện thị trường đã thay đổi ra sao?

– Nhìn chung hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã hình thành với những điều kiện thuận lợi, từ hỗ trợ của Chính phủ cho đến các tổ chức vườn ươm, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cũng như sự tham gia của các viện, trường.

Chưa bao giờ tôi gặp nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam như bây giờ. Nếu như mười mấy năm trước mới chỉ có IDG và một số quỹ nhỏ, hiện có hàng chục quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài, họ quan tâm rót vốn vào các giai đoạn phát triển của startup từ sơ khởi cho đến khi phát triển mạnh. Thị trường Việt Nam đang có sức hấp dẫn rất lớn. Các startup cũng không khó để gọi vốn như trước. 

Tuy vậy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn non trẻ, nhất là ở hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Đổi lại, thị trường dồi dào ý tưởng và nỗ lực tham gia thúc đẩy từ các bên. 

– Khi tham gia hội đồng giám khảo của Starup Việt 2019, bà mong tìm kiếm điều gì? 

– Tôi muốn đóng góp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp nhận diện những công ty tiềm năng và hỗ trợ họ. Việc tham gia những cuộc thi như Startup Việt giúp họ tiếp cận nhà đầu tư, truyền thông, chuyên gia… và điều đó tốt cho họ. Đây cũng là tinh thần của Endeavor. Tại Việt Nam đã có nhiều vườn ươm, lò ấp, nhưng khi tiến vào giai đoạn tăng tốc (scale-up) thì lại thiếu vắng các đơn vị đồng hành. Cách làm của chúng tôi là kết nối các doanh nhân trẻ tại Việt Nam với các đàn anh đàn chị nhiều kinh nghiệm trong nước và trên toàn cầu, từ đó giúp họ có kinh nghiệm, tránh vấp phải những sai lầm của người đi trước.

Tuy các công ty tham gia Startup Việt mới chỉ ở giai đoạn đầu, đa số chưa phải đối tượng tham gia Endeavor nhưng chúng tôi vẫn mong muốn hỗ trợ các bạn. Thực tế đa số doanh nghiệp chỉ mới ở giai đoạn đầu tiên này. Để có ứng viên chất lượng tham gia mạng lưới, chúng tôi cần tìm kiếm ở phạm vi lớn hơn. Giúp các bạn ngay từ đầu để các bạn tránh những sai lầm ở giai đoạn sau. Ví dụ như cách gọi vốn, làm thế nào duy trì tỷ lệ cổ phần tốt cho nhà sáng lập, như thế nào là gọi vốn thông minh, làm sao chọn nhà đầu tư đúng đắn…

– Đó có thể là những sai lầm gì thưa bà?

– Có rất nhiều vấn đề trong quá trình phát triển doanh nghiệp, tùy theo từng giai đoạn. Thậm chí những công ty lớn đã trở thành kỳ lân tỷ đô của Mỹ cũng phải thừa nhận họ vẫn tồn tại vấn đề cần giải quyết.

Ví dụ riêng trong chuyện gọi vốn, đa số các doanh nhân khởi nghiệp chưa hiểu thấu đáo về quy trình, cách thức, hiểu mình cần gì và nhà đầu tư cần gì. Chẳng hạn như startup nên gọi vốn hoàn toàn từ quỹ hay cần một nhà đầu tư chiến lược đồng hành lâu dài? Nhiều trường hợp không được tư vấn kỹ càng, các nhà sáng lập làm “loãng” cổ phần của mình, gây khó khăn cho các vòng gọi vốn sau. Việc nhà sáng lập nắm quá ít cổ phần ở những vòng sau cũng có thể khiến các bạn thiếu động lực.

Bài toán lựa chọn nguồn vốn và nhà đầu tư cũng rất quan trọng chứ không phải cứ khát vốn thì ai đầu tư cũng nhận. Có thể phải một thời gian sau mới nhận ra mình sai. Nhà đầu tư là bạn đồng hành, bên cạnh việc rót vốn thì cũng cần xem xét đôi bên có thể bổ sung giá trị gì cho nhau hay không. Bài học chọn sai người đồng hành là một trong những bài học “đau thương” mà nhiều startup ở Việt Nam đã nếm trải.

– Các startup có thể học hỏi được gì những chuyên gia, doanh nhân tham gia hướng dẫn, hỗ trợ?

– Môi trường kinh doanh hiện tại cực kỳ cạnh tranh. Các mô hình kinh doanh mới xuất hiện liên tục khiến vòng đời của một doanh nghiệp ngắn lại. Họ dễ dàng bị loại bỏ khỏi thị trường nếu không bắt kịp các xu hướng mới. Do đó các startup có nhiều thứ cần phải học hỏi và nhận biết đúng sai từ sớm. 

Một số bạn có mô hình kinh doanh đột phá thường nghĩ “không ai hướng dẫn được cho tôi vì lĩnh vực này hoàn toàn mới”. Đây cũng là một sai lầm. Những doanh nhân đi trước đều có thể giúp ích cho các startup ở một lĩnh vực nào đó. Ví dụ chuyên gia có kinh nghiệm quản trị nhân sự có thể khuyến nghị startup ở giai đoạn nào thì nên làm gì để đội ngũ hoạt động hiệu quả hơn. Một công ty hàng trăm, hàng nghìn người cần mô hình quản trị khác với quy mô vài người, vài chục người.

Có những bài học mà người đi trước đã trải qua, các bạn không nên lặp lại. Tuy vậy cũng cần lưu ý, cho dù đã biết rõ con đường cũng chưa thể đảm bảo phía trước đều là hoa hồng. Mỗi ngày đối với startup đều cần phải được coi là ngày đầu tiên.

Khánh Anh

Theo VNE