Mỗi chiếc bánh của Công ty TNHH The Vagabond không đơn thuần là món ăn mà còn là “tác phẩm” nghệ thuật, là sự sáng tạo đầy đam mê của chủ nhân thương hiệu – Giám đốc Nguyễn Hoàng Việt.
Cùng sở thích, tạo nhân duyên
Vốn mê chụp ảnh, trở về nước sau khi học ngành Nhân loại học và làm nghiên cứu sinh cho Viện nghiên cứu Đông Bắc Á – Hàn Quốc, Nguyễn Hoàng Việt xách máy ảnh đi khắp nơi và tình cờ gặp Thanh Sơn. Việt kể: “Lúc đó, Sơn có nhiều mẫu bánh và muốn có những tấm hình “đậm” chất nghệ thuật cho sản phẩm, nhưng loay hoay chưa có tấm hình nào như mong muốn”. Chạm đúng sở trường của mình, Việt đã chụp cho Sơn bộ ảnh “không thể đẹp hơn được nữa”. Cũng từ đây, mối “nhân duyên” The Vagabond ra đời.
Bí quyết để“mối nhân duyên” này luôn hòa thuận và phát triển suốt ba năm qua là cả Sơn và Việt đều mê cái đẹp, luôn thích khám phá, sáng tạo. Trong công việc, họ luôn biết “phân vai” rõ ràng, Việt cho biết: “Trong một hợp tác,nếu cả hai đều chung sở trường, chuyên môn chưa hẳn đã thành công, thậm chí đôi khi còn tranh cãi. Nhưng nếu mỗi người có điểm mạnh và sở trường riêng, sẽ tạo ra sự bổ sung cho nhau. Người này luôn muốn tìm hiểu công việc của người kia và cảm thấy thú vị khi thấy thành quả của nhau”.
Việt giải thích: “Vagabond trong tiếng Pháp nghĩa là kẻ lang thang, nó giống như cách chúng tôi mở tiệm bánh này vậy – một cuộc dạo chơi mang tính thử nghiệm.
Chọn tên thương hiệu là The Vagabond, ngụ ý của Việt và Sơn muốn thể hiện sự sáng tạo không ràng buộc, không giới hạn. Đơn cử, nếu làm bánh theo chuẩn Pháp, bánh sẽ rất ngọt và béo. Còn nếu chỉ làm chuyên vị Á thì lại bỏ lỡ những loại nguyên liệu như dâu, cherry. Vì vậy, sáng tạo của The Vagabond là sự kết hợp giữa Á và Âu. Có những loại bánh Pháp, thay vì sử dụng lớp thạch dai, chúng tôi dùng bánh bò Việt Nam thay thế. The Vagabond còn sử dụng mè đen, sầu riêng, mứt vỏ bưởi non… để làm nên hương vị đặc trưng cho các loại bánh mới”.
Khác biệt sẽ thành công
Bất cứ ai làm kinh doanh cũng biết “khác biệt” và “sáng tạo” là hai yếu tố quyết định thành công. Thị trường đã có nhiều thương hiệu bánh tên tuổi, nên Việt chọn cách đi khác biệt. Theo anh, ngoài vị ngon, mới, bánh còn phải đẹp, bao bì độc đáo. Theo nguyên tắc marketing, bao bì, mẫu mã quyết định đến 70% thành công của một sản phẩm. Đó là lý do Việt không tiếc tiền đầu tư cho mẫu mã, bao bì. Anh đi khắp các nước, tìm tòi từng chiếc ly thủy tinh hoặc pha lê có giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng để đựng bánh. Hay đi tìm từng chiếc nến nhũ vàng đặt trên bánh sinh nhật cho sang trọng thay vì dùng các loại nến đủ màu có sẵn trên thị trường.
Năm 2015, thắng lợi đầu tiên của The Vagabond là làm thử 50 hộp bánh Trung thu. Chiếc bánh Trung thu của The Vagabond nhỏ hơn bánh truyền thống, có màu đen do trộn than tre Nhật Bản, không chỉ tạo sự khác biệt mà còn bổ sung chất khoáng và thải độc cho cơ thể. Đặc biệt, trên mặt bánh có quét lớp vàng thật khiến bánh sang trọng và hình ảnh “trăng vàng trên nền trời đen” chính là thông điệp mà The Vagabond muốn truyền tải. Ngay lập tức, bánh đã “gây sốt” với hơn 300 hộp được đặt giao.
Cứ nghĩ sẽ thành công như bánh Trung thu nên mùa Tết năm đó, Việt đi tìm các xưởng gỗ và đặt đóng thùng quà bằng gỗ cho độc lạ, thay vì giỏ quà Tết làm bằng mây thông dụng. Nhưng kết quả không như mong muốn, thùng gỗ tồn kho chất đống. Thất bại, Việt rút ra bài bài học, dù bánh ngon, dù bao bì, mẫu mã độc đáo đến đâu nhưng không có kế hoạch kinh doanh sâu sát, không tìm hiểu nhu cầu thực tế của khách hàng và cách marketing phù hợp thì không thể thành công.
Món bánh “tủ” được rất nhiều khách hàng ưa thích của The Vagabond sau khi rút ra bài học kinh nghiệm thương trường kể trên là bánh bơ. Bánh bơ được làm từ trái bơ có ruột bơ vàng, dẻo, không có sọc chỉ, xay ra có màu xanh tự nhiên. Hai năm tìm kiếm giống bơ độc lạ này, Việt phát hiện được vườn bơ tự lai giống của một nông dân có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn đang tìm. Năm 2018, The Vagabond đã tiêu thụ hết 1,5 tấn bơ cho món bánh bơ.
Thuê một căn biệt thự giữa quận 1 và set-up hai cửa hàng cà phê – bánh sang trọng theo phong cách cổ châu Âu, không ít người cho rằng đôi bạn Việt – Sơn quá táo bạo. Với số tiền này, đầu tư bất động sản có thể sẽ sinh lãi hơn nhiều. Tuy nhiên, Việt tiết lộ: “Tạo ra lợi nhuận từ chính sự đam mê và sức lao động của mình thú vị hơn nhiều so với một phi vụ đầu tư kiếm lời phụ thuộc vào may rủi”. Từ số vốn khởi nghiệp chưa đến 10 triệu đồng, hơn ba năm qua, Việt – Sơn đã tích lũy được gần 5 tỷ đồng vốn và thương hiệu The Vagabond được định giá không nhỏ.
Theo DNSG