Mộng mơ là yếu tố cần ở các Founders, nhưng cũng là yếu tố rất nguy hiểm, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân nhận định.
“Covid-19 là phép thử “sinh tồn””, bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam – chia sẻ tại sự kiện Grab Ventures Ignite Bootcamp.
“Bệnh mộng mơ”
Đại dịch lần này buộc các Founders, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải xem lại bản thân, chiến lược kinh doanh, hiệu suất công việc của đội ngũ (team), vấn đề quản lý chi phí… để đánh giá sức khỏe doanh nghiệp.
“Một yếu tố rất cần ở các Founders, nhưng cũng rất nguy hiểm: Sự mơ mộng. Startup được ví như đứa con mà ở điều kiện bình thường, các Founders đâu đó không ép bản thân vào thế phải thực sự soi “con” của mình từng chút một”, bà Vân nói.
Bà Vân cho rằng các nhà sáng lập startup giai đoạn đầu làm vì đam mê, đầy tự hào về “đứa con tinh thần” và ngộ nhận sản phẩm được nhiều người thích có nghĩa là thành công, thay vì nhìn vào khả năng sinh lời từ mô hình kinh doanh.
“Một trong những sai lầm của họ là không nghĩ nhiều về Monetization (tính sinh lời) và Unit economics (các chỉ số đơn vị kinh tế) của mô hình. Họ cứ nghĩ nên làm gì đó lớn lớn một chút, còn kiếm tiền từ nó thế nào thì… tính sau”, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam nhìn nhận.
Đánh giá các startup tham dự chương trình Grab Ventures Ignite lần này, bà Vân cho biết dù ở giai đoạn đầu, nhưng các nhà sáng lập trẻ đã thoát khỏi sự mơ mộng mang tính viển vông và có tư duy về tính sinh lời. Sự “thức thời” này có thể đến từ những Mentors (nhà cố vấn) tham gia khá sớm, hoặc các startup rút ra bài học khi chứng kiến một loạt startup thế giới vì nhìn bài toán sinh lời quá trễ dẫn đến thất bại.
Các bạn cũng sở hữu những đặc điểm nổi trội của các startup Việt như trẻ, nhiệt huyết, nắm bắt xu hướng nhanh, dám làm và rất tự tin.
“Tôi rất ngưỡng mộ sự tự tin, dám nghĩ dám làm của các bạn. Không phải ai cũng dám dấn thân khai thác những lĩnh vực mà Facebook và Google đang chiếm ưu thế như AI, Livestream… nhưng các bạn dám làm”, bà Vân nói.
Tài chính trong giai đoạn bình thường mới: 1 đồng giờ đây quý bằng 100 lần 1 đồng trước Covid
Trong giai đoạn bình thường mới, một câu chuyện rất quan trọng trước Covid-19, nay còn quan trọng gấp cả trăm lần, là chuyện bảo toàn vốn.
“1 đồng bây giờ quý bằng 10 – 100 lần 1 đồng trước Covid. Các nhà đầu tư sẽ dè dặt hơn rất nhiều khi xác định tiềm năng của một startup mà họ muốn đầu tư”, bà Vân nhận định.
Trước đây, khi nhìn vào một startup, nhà đầu tư sẽ đánh giá ý tưởng kinh doanh thế nào, giải quyết vấn đề gì, sau đó nhìn vào Founders… Giờ đây, các nhà đầu tư sẽ phải nhìn vào thêm các yếu tố khác như tính linh hoạt, tính thích nghi, khả năng đáp ứng nhu cầu mới, năng lực quản lý chi phí và hiệu quả kinh doanh…
“Hơn bao giờ hết, bây giờ việc quản lý chi phí và hiệu quả là rất quan trọng. Theo kinh nghiệm của Grab, điều quan trọng số 1 trước khi quyết định đầu tư nào, là xác định xem việc đầu tư có tạo ra được nhu cầu mới, và nhu cầu thực hay không. Nếu câu trả lời là không hoặc là “it may generate something in the future” (Nó sẽ tạo ra một cái gì đó trong tương lai), thì cần xác định rõ tương lai bao xa. Nếu không nằm trong khả năng quản lý của chúng ta phải kiên quyết từ chối đầu tư”.
“Tôi nghĩ mỗi doanh nghiệp cần dùng kim chỉ nam đó để trả lời việc đầu tư vào những khoản nào là hợp lý, khoản nào không”, bà Vân nói.
Với câu chuyện của chính Grab sau Covid-19, bà Vân cho biết kỳ vọng tăng trưởng 2020 có thể đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra đầu năm – thời điểm “tươi sáng và chưa có nhiều thông tin về đại dịch”.
Covid-19 vừa qua cũng là bài toán thử của Grab: Thử sức mạnh nền tảng công nghệ, Thử tốc độ phản ứng của team, và Thử tinh thần “không bao giờ từ bỏ” của Grabbers.
Tính riêng Quý 2, số đối tác nhà hàng hợp tác với nền tảng Grab tăng gấp 3 so với Quý 1/2020 và gấp 5 lần so với Quý 4/2019.
“Năng lực phục vụ số đối tác tăng gấp 3 so với quý trước không phải tự động xảy ra. Nguồn lực của chúng tôi giai đoạn đó đâu tăng gấp 3? Nhưng các bạn rất nhanh nhạy. Trong bối cảnh nhu cầu di chuyển (ride-hailing) đi xuống, các nhân viên mảng ride-hailing “nhảy sang” phục vụ đối tác nhà hàng (mảng Food) rất nhanh chóng và hiệu quả trong khi nghiệp vụ phục vụ đối tác tài xế khác xa với phục vụ đối tác nhà hàng…”
“Bản thân tôi tự tin hơn về sức bền của Grab qua sóng gió vừa rồi, nhưng cũng học thêm được một điều nữa: Sẽ không có câu trả lời hoàn hảo nào cho tình huống từ giờ tới cuối năm, hay thậm chí qua năm sau. Giờ cả team hiểu rất rõ ràng rằng phải sẵn sàng như thế nào cho bất cứ tình huống nào”, bà Vân nói.
Theo Cafebiz