Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Giám đốc Công ty CP Đầu tư Organica Phạm Phương Thảo: “Công việc tôi đang làm mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng”

Organica có còn của mình hay thuộc quyền chi phối của người khác không quan trọng nữa, miễn sao trở thành thương hiệu uy tín, sản phẩm được nhiều người dùng là đủ thấy con đường mình đi đã đến đích, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Organica Phạm Phương Thảo nói.

Tôi biết Phạm Phương Thảo khi còn là nhân viên agency. Một ngày giữa năm 2012, Thảo thông báo “đã ra riêng”, kinh doanh trong một lĩnh vực mới mẻ và đầy thử thách là sản xuất thực phẩm organic. Tám năm với không ít lao đao nhưng Phạm Phương Thảo vẫn không bỏ cuộc, bởi “công việc tôi đang làm mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng” như bà nói.

Mười trang trại trồng rau củ theo phương pháp hữu cơ, kể cả liên kết với nông dân và 9 cửa hàng kinh doanh thực phẩm organic tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng là thành quả 8 năm của Phạm Phương Thảo khi theo đuổi chuỗi thực phẩm sạch.

Tuy nhiên, buổi trò chuyện của chúng tôi không đề cập đến thành tích hay hành trình khởi nghiệp mà chỉ xoay quanh những kinh nghiệm, bài học mà Phạm Phương Thảo đã trải qua và chiêm nghiệm. Đó cũng là giá trị mà bà muốn mang lại cho các bạn trẻ khởi nghiệp cũng như truyền cảm hứng cho những ai muốn và ước mơ đưa thực phẩm hữu cơ đến với nhiều người.

* Hiện nay, nhiều bạn trẻ cho rằng chỉ cần có ý tưởng khác biệt, mới mẻ là đủ tạo ra nền tảng để khởi nghiệp thành công. Quan điểm của bà về cách nghĩ ấy?

– Khác với nhiều bạn trẻ hiện nay cho rằng chỉ cần có ý tưởng và trái tim nóng là đủ để khởi nghiệp, ngay khi ấp ủ khởi nghiệp để tạo ra sản phẩm organic, tôi đã nuôi dưỡng nó không chỉ bằng trái tim, ý tưởng và tâm huyết mà còn xác định được tầm nhìn và sứ mệnh con đường mình chọn. Vì vậy, việc đặt tên cho công ty cũng bắt đầu từ sứ mệnh đó. Hướng đến những sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn loại A nên tôi đặt tên công ty là Công ty CP Đầu tư Organica. 

Bước vào kinh doanh chắc chắn gặp không ít thử thách. Nếu không xác định được sứ mệnh phải hướng đến thì khi gặp khó khăn, va vấp, rất dễ bị chơi vơi, mất phương hướng, thậm chí lạc lối. 

* Bà có thể nói về cách không bị “lạc lối” trên con đường kinh doanh…

Khi học về quản trị kinh doanh do một đơn vị giáo dục của Nhật Bản tổ chức, tôi nhớ mãi câu nói của một giảng viên: “Trong kinh doanh, ngoài sứ mệnh và tầm nhìn thì mọi thứ đều có thể đi thuê. Điều quan trọng để một doanh nghiệp thành công là chủ doanh nghiệp đó phải có ước mơ, tầm nhìn và biết đặt ra sứ mệnh cho mình”. 

Nhìn lại hành trình 8 năm theo đuổi thực phẩm organic, tôi đã trải qua bao khó khăn, từng phải bán nhà, hết tiền, không ít lần ngấp nghé bờ vực phá sản, thậm chí đã tính đến chuyện phải đóng cửa công ty, nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc, vẫn xây dựng trang trại tuân thủ theo tiêu chuẩn USDA organic của Mỹ và organic của Liên minh châu u (EU) – tiêu chuẩn organic phổ biến và khắt khe nhất thế giới. Nếu từ đầu tôi không quyết tâm thì không đạt được sứ mệnh đó. 

* Nhưng tại sao bà chọn thực phẩm organic mà không phải là lĩnh vực khác?

– Thời kỳ còn làm agency, tổ chức sự kiện, xây dựng hình ảnh, làm thương hiệu cho nhiều công ty, tôi đã ấp ủ ước mơ có một thương hiệu của riêng mình. Từ đó, tôi luôn tìm kiếm những sản phẩm vừa có thể kinh doanh, lại vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội và môi trường. 

Khi mang thai đứa con đầu tiên, tôi bắt đầu tìm hiểu những sản phẩm có lợi cho bà bầu và thai nhi, quá trình đó dẫn dắt tôi đến với thực phẩm organic. Song động cơ thúc giục tôi sản xuất và kinh doanh thực phẩm organic là ngoài tốt cho sức khỏe còn góp phần cải tạo môi trường đất và môi trường nước đã bị ô nhiễm nặng sau bao năm canh tác bằng phân hóa học và thuốc trừ sâu vô cơ. Lúc đó, ý định đầu tiên trong tôi là mở cửa hàng bán sản phẩm organic cho bà bầu, em bé và người lớn tuổi.

* Sản xuất sản phẩm hữu cơ đã khó, bà lại còn đi tìm chứng nhận organic cho trang trại…

– Ở các nước phát triển, hễ sản phẩm được gọi là organic thì phải có chứng nhận nhưng tại Việt Nam, rất ít sản phẩm organic có chứng nhận của Mỹ và EU, nguồn hàng lúc đó cũng ít nên sau khi mở cửa hàng, tôi xây dựng trang trại rau organic để đảm bảo nguồn cung cũng như chất lượng đúng tiêu chuẩn của Mỹ và EU.

Phải nói rằng, làm trang trại vô cùng gian nan vì mình là tay ngang, phải tự mày mò tìm kiến thức, sau đó là vốn. Xây dựng trang trại trước hết phải cải tạo đất, mua giống cây sạch nên lúc nào cũng thấy thiếu tiền. Lúc đó, có người khuyên tôi kêu gọi vốn, nhưng tôi biết không dễ chút nào vì Công ty Organica còn nhỏ, chưa có gì để thuyết phục, hơn nữa làm nông nghiệp organic rất nhiều rủi ro nên ít ai muốn đầu tư.

Giữa năm 2015, trang trại rau của Công ty CP Đầu tư Organica tại Long Thành (Đồng Nai) được trao chứng nhận USDA organic của Mỹ và organic EU. Đây cũng là trang trại trồng rau nhiệt đới đầu tiên của Việt Nam có được chứng nhận này. Chính cột mốc đáng nhớ đó đã khích lệ tôi rất nhiều nên tôi đã mở rộng sản xuất, kinh doanh rau củ sạch.

* Sau những cuộc thương thảo, thuyết phục đối tác góp vốn thành công, bà rút ra kinh nghiệm gì?

– Khi Công ty Organica còn nhỏ, kinh nghiệm còn non, việc thương thảo, thuyết phục đối tác góp vốn vô cùng khó. Nhưng do tôi chứng minh việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ là hướng phát triển bền vững, cũng như thể hiện khát khao đó bằng sự quyết tâm, đáng tin cậy thì có nhiều đối tác hỗ trợ mình. 

Còn nhớ lần đầu tìm đến một công ty ở Đức có trên 200 năm sản xuất nước ép trái cây, có người khuyên tôi nên đi tìm doanh nghiệp nhỏ hơn vì ngại công ty lớn họ… chê mình nhỏ, mua số lượng ít sẽ không hợp tác. Tuy nhiên, sứ mệnh của tôi là tìm những sản phẩm organic có chứng nhận loại A, không có A trừ nên tôi quyết tâm đến gặp đối tác.

Hiểu được sự chân thành, nhiệt huyết của tôi, vị chủ tịch công ty ấy không chỉ đồng ý bán hàng mà còn khuyên tôi, đã làm sản phẩm organic thì phải kiên trì, dù khó khăn đến đâu cũng không quay lại sản phẩm khác. Ông còn động viên tôi: “Thảo, mày cứ cố gắng và yên tâm mở rộng thị phần tại Việt Nam, có đơn hàng, tao sẽ gửi hàng cho mày”. Sau khi chuỗi cửa hàng Organica có mặt tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã tìm đến công ty của tôi mua hàng để phân phối lại. 

Tại Việt Nam, tôi tìm được gạo Hoa sữa của Công ty Viễn Phú và trà của Fito đạt chứng nhận organic EU và USDA organic, nhưng chỉ xuất khẩu, không bán lẻ. Tuy nhiên, khi biết tôi muốn đem những sản phẩm này đến cho người Việt và muốn tạo ra xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ, giúp thị trường phát triển, cả hai công ty đã hỗ trợ và đồng hành với tôi đến tận bây giờ.

Có một điều đáng trân trọng là nếu như sản phẩm organic là lĩnh vực phát triển bền vững thì các doanh nghiệp organic luôn có tinh thần gắn kết bền chặt, sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ nhau.

* Còn kinh nghiệm hợp tác với các quỹ đầu tư? 

– Năm 2016, khi Organica khởi sắc cả về thương hiệu và doanh thu, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề hợp tác vì họ thấy tiềm năng thị trường sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình hợp tác không thành vì họ muốn có lợi nhuận ngay, muốn công ty phải lớn nhanh, trong khi công ty tôi còn nhỏ, thị trường còn khó, phải đi từng bước mới có thể phát triển bền vững. Hơn nữa, nguồn cung lúc đó cũng có hạn, nếu tôi đồng ý hợp tác và đi theo hướng phát triển nhanh, rất có thể việc kinh doanh sản phẩm organic đảm bảo tiêu chí chất lượng cao sẽ không còn nữa.

Năm 2016, khi Quỹ Đầu tư SEAF (Mỹ) đặt vấn đề đầu tư, sau nhiều lần thương thảo, cả hai đều rụt rè, cuối cùng tôi đã đồng ý hợp tác với SEAF dù nhiều người khuyên nên thận trọng kẻo bị mất công ty.

Tiếp xúc với nhiều quỹ và nhà đầu tư, tôi nhận ra họ cũng có nhiều mối lo, thậm chí còn lo nhiều hơn mình vì phải bỏ tiền đầu tư và có thể gặp rủi ro. Tôi rút ra kinh nghiệm là nếu trên bàn thương thảo, cả hai đều đặt quá nhiều câu hỏi “được” và “mất” thì sẽ khó đi đến đích.

Vì vậy, tôi không quan tâm đến việc mình mất gì mà chỉ nghĩ mình muốn gì, được gì. Sứ mệnh và tầm nhìn của tôi là Organica phải trở thành thương hiệu được người Việt tin tưởng, người dùng khi nghĩ đến sản phẩm hữu cơ là nghĩ đến Organica. Vì vậy, Organica có còn của mình hay thuộc quyền chi phối của người khác không quan trọng nữa, miễn sao trở thành thương hiệu uy tín, sản phẩm được nhiều người dùng là đủ thấy con đường mình đi đã đến đích. Và tôi thương thảo với SEAF trên tinh thần đó.

* Bà có cảm thấy áp lực khi nhận đồng hành với SEAF?

– Không giống như các doanh nghiệp khi hợp tác với các quỹ đầu tư là nhận một gói tiền kèm theo cam kết phải phát triển bao nhiêu cửa hàng và thị trường. Ngay từ đầu hợp tác với SEAF, tôi nói không cần quá nhiều tiền mà chỉ cần đầu tư từng giai đoạn và tôi cho họ biết thị trường sản phẩm organic tại Việt Nam để họ hiểu nhu cầu người dùng và cùng thống nhất đưa ra lộ trình phát triển.

Vì vậy, tôi không bị áp lực với đối tác nhưng lại bị áp lực với chính mình. Trước đây, tôi ít quan tâm đến chi phí, cứ lao vào làm nhưng bây giờ nhận tiền của đối tác thì phải đảm bảo chỉ số tài chính cho họ, phải minh bạch mọi chi phí, phải có trách nhiệm và kỷ luật hơn trong tính toán làm ăn và điều hành để không làm mất niềm tin của đối tác.

Quá trình hợp tác với SEAF, tôi thấy mình được rất nhiều. Cái được đầu tiên là làm việc có kế hoạch và khi đưa ra quyết định không còn đơn độc nên tự tin hơn. Tám năm kinh doanh, tôi rút ra một bài học nữa là kinh doanh thì phải lo xa nhưng đừng lo xa quá vì sẽ làm hạn chế tầm nhìn dài hạn.

Ví dụ, khi hợp tác với nông dân, thuyết phục nông dân trồng rau củ theo phương pháp hữu cơ, tôi không tính toán thiệt hơn mà chỉ mong làm sao thuyết phục họ đi cùng mình, vì vậy tôi cho họ mượn tiền mà không bắt trả lãi, lại được chia nhỏ tiền để trả, trong khi tôi phải đi vay ngân hàng. Song đổi lại, tôi được nông dân tin tưởng hợp tác và cam kết cung cấp những sản phẩm tốt nhất.

* Nhu cầu thị trường luôn thay đổi. Đó cũng là áp lực đối với người kinh doanh. Chắc hẳn sản phẩm organic cũng không ngoại lệ?

– Ba năm trước, việc giao hàng tại nhà còn ít nhưng hiện nay dịch vụ này phát triển quá nhanh nên tôi đang nghĩ đến phương thức kinh doanh mới này. Xu hướng người tiêu dùng đang hướng đến sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, tôi sẽ tổ chức kho trung tâm để sơ chế sản phẩm tiện lợi như làm hộp rau dành cho hai người hay bốn người ăn, nhận hàng là người dùng có thể nấu ngay. 

Tuy nhiên, áp lực lớn nhất của tôi hiện nay không phải nhu cầu thị trường mà là tình trạng nhân viên nhảy việc. Organic là sản phẩm đang tạo xu hướng và khá cao cấp nên việc huấn luyện nhân viên bán hàng cũng như tư vấn khách hàng cần thời gian và công sức để đào tạo. Thế nhưng, được huấn luyện xong, một số nhân viên lại đi làm chỗ khác là áp lực rất lớn.

* Tám năm kinh doanh nhưng bà nói vẫn phải “thắt lưng buộc bụng”…

– Con đường đang đi cho tôi nhiều giá trị nên chưa bao giờ thấy hối tiếc, ngược lại thấy mình đang có cuộc sống đáng sống. Dù công việc vẫn còn vô vàn khó khăn và thử thách, thậm chí chi tiêu vẫn phải tính toán và “két sắt” vẫn hao hụt vì còn quá nhiều thứ phải đầu tư, nhưng mỗi đêm nằm xuống, thấy mục tiêu cuộc sống rất rõ ràng, thấy công việc mình làm có ích, nên tôi không còn trạng thái chông chênh, hoang mang như ngày trước.

* Bà có thấy… áy náy vì chưa dành nhiều thời gian cho gia đình?

– Cách đây vài năm, tôi cũng áy náy vì chưa dành được nhiều thời gian cho gia đình và ước mơ sinh đứa con thứ hai của vợ chồng tôi cũng chưa hoàn thành. Song may mắn là chồng tôi không tạo áp lực khi tôi chưa làm trọn vẹn vai trò người vợ, người mẹ và luôn đồng hành, chia sẻ công việc với tôi.  

* Cám ơn bà về những chia sẻ!

Theo DNSG