Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu: Khó xảy ra việc lây nhiễm chéo

Với vai trò lãnh đạo, chúng tôi không yêu cầu nhân viên của mình dấn thân vào những công việc nguy hiểm mà không có biện pháp phòng hộ, bảo vệ, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu nói.

Là một trong những cảng được chỉ định “giải cứu” công dân từ vùng dịch trở về, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã bố trí 2 máy đo thân nhiệt hiện đại giám sát hành khách, tổ chức xịt khử trùng toàn bộ luồng đi của khách để tránh lây nhiễm chéo Covid-19.

Ông Phạm Ngọc Sáu – Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tin tưởng và đảm bảo rằng việc lây nhiễm khó có thể xảy ra cho đội ngũ nhân viên. Việc lây chéo giữa các hành khách với nhau khi xuống sân bay cũng được hạn chế ở mức thấp nhất.

* Những chuyến bay “giải cứu” có thời gian chuẩn bị rất gấp, có những chuyến chỉ được thông báo trước vài tiếng. Vậy làm sao để sân bay có thể đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm vào Việt Nam thưa ông?

– Tại sân bay chúng tôi đã có kế hoạch và phương án cụ thể, bố trí từ nhân lực, phương tiện cho tới các phương án trong trường hợp đột xuất xảy ra. Chúng tôi triển khai một quy trình ngoài trời, tại sân đỗ máy bay và không làm ảnh hưởng tới hoạt động của nhà ga. 

Máy bay sẽ đậu ở bãi đỗ xa, sau đó xe bus sẽ lần lượt chở các hành khách vào làm thủ tục: kiểm tra thân nhiệt, làm tờ khai y tế điện tử, thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, lấy hành lý để lên các xe quân sự, sau đó chở thẳng đến các khu vực cách ly. 

Thời gian làm thủ tục mỗi chuyến bay chỉ khoảng một tiếng đồng hồ là hoàn tất, sau đó sẽ khử trùng tàu bay và xử lý rác thải nguy hại. Vậy nên, chúng tôi đón liên tiếp 3 chuyến bay về từ châu Âu chỉ mất khoảng 2 tiếng là giải quyết xong mọi thủ tục. 

Đến nay, chúng tôi có thể tin tưởng và đảm bảo rằng việc lây nhiễm khó có thể xảy ra cho đội ngũ nhân viên. Việc lây chéo giữa các hành khách với nhau khi xuống sân bay cũng được hạn chế ở mức thấp nhất.

* Sau chuyển bay “giải cứu” đầu tiên từ Trung Quốc, và cho tới nay khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, là “tư lệnh” ở sân bay, ông làm thế nào để ổn định tâm lý cho CBNV yên tâm công tác?

Với vai trò lãnh đạo, chúng tôi không yêu cầu nhân viên của mình dấn thân vào những công việc nguy hiểm mà không có biện pháp phòng hộ, bảo vệ. Chúng tôi phải có trách nhiệm tìm ra giải pháp an toàn nhất, động viên anh em, đưa ra chỉ đạo, hướng dẫn rõ ràng để anh em yên tâm. 

Hành khách là người Việt Nam sau khi đáp chuyến bay xuống sẽ được đưa đi cách ly theo dõi 14 ngày tại Trường Quân sự tỉnh Quảng Ninh (P.Nam Khê, TP.Uông Bí, Quảng Ninh). Hành khách là người Hàn Quốc sẽ được đưa đi cách ly tại Bệnh viện đa khoa TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Trước tiên phải giúp anh em hiểu được cơ chế lây nhiễm, giúp họ tin tưởng hơn. Việc bỏ qua một số bước theo thói quen có thể tăng khả năng lây nhiễm. Mình vừa động viên, vừa hướng dẫn đào tạo cho anh em để làm sao tuân thủ các bước trong phòng dịch như cách sử dụng trang bị thiết bị bảo hộ. 

Tôi luôn khích lệ anh em, đây là công việc mang ý nghĩa cộng đồng và xã hội. Sân bay Vân Đồn đang góp sức cùng cả nước trong công cuộc chống dịch, ngăn ngừa mọi nguồn lây nhiễm ra ngoài cộng đồng. Và dần dà, khi tâm lý anh em đã ổn định hơn, thì chính các anh em lại trang bị sẵn cho mình một tâm thế sẵn sàng, một niềm tự hào khi tham gia vào công việc ý nghĩa này. 

* Theo ông, tính đến thời điểm này, đâu là những bài học kinh nghiệm rút ra để chúng ta có thể đảm bảo tốt nhất việc đón các chuyến bay đặc biệt đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về nước? 

– Theo tôi, kinh nghiệm lớn nhất chính là sự phối hợp. Các đơn vị phải phân rõ trách nhiệm, ai làm gì và các đơn vị phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, tránh chồng chéo làm chậm tiến trình nhưng cũng tránh việc thiếu trách nhiệm. Chỉ một công đoạn không hoàn thành thì các công đoạn sau sẽ bị ảnh hưởng. 

Kinh nghiệm trước đây trong việc ứng phó với các dịch bệnh như MERS-CoV, cúm A (H1N1), Ebola… cũng đã hỗ trợ rất nhiều trong việc đưa ra quyết định cũng như giải quyết vấn đề.

Kể cả trước khi có những hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế thì trong sân bay, chúng tôi đã chỉ đạo đã phát khẩu trang cũng như sử dụng các chất tẩy trùng để làm sạch các bề mặt tiếp xúc của Nhà ga…

* Trong quá trình thực hiện sứ mệnh “giải cứu” công dân, có câu chuyện nào khiến ông thực sự cảm động?

Sự nhiệt tình của anh em trong việc chung tay chống dịch, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đột xuất. Nhiều anh em ban ngày vẫn phục vụ các chuyến bay theo lịch hoạt động chung nhưng đến khi nhận thông tin các chuyến bay giải cứu thì lại tiếp tục được huy động.

Đặc biệt, các anh em ở vị trí tiếp xúc gần với khách để hướng dẫn thủ tục, quy trình, họ là người chịu rủi ro cao nhất. Các chuyến bay bất thường lại hay về vào nửa đêm hoặc sáng sớm, trời mưa rét. Hình ảnh em bé trên chuyến bay được nhân viên nữ vẫn mặc nguyên đồ bảo hộ bế và cho em bú bình, vỗ về cho em khỏi khóc khiến tôi không khỏi xúc động. Đó là những hình ảnh ấm áp của tình người, chỉ thấy trong thời khắc khó khăn của dịch bệnh. 

* Xin cảm ơn ông.

Theo DNSG