Có thực tế đáng buồn và lãng phí của Việt Nam hiện nay là tuyển một người có trình độ cử nhân, nhưng làm một việc yêu cầu trình độ cao đẳng và trả lương ở trình độ trung cấp.
Ông Lê Quân – Thứ trưởng Bộ LĐYB&XH khẳng định, kỹ năng nghề là rất quan trọng để bất cứ sinh viên nào bước vào đời. Trong khi thực tế chúng ta không có chuẩn nghề nghiệp, không có nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử, quy trình phục vụ chuẩn, vì thế không quản lý được chất lượng và rất khó để “cất cánh”.
Người có chứng chỉ kỹ năng nghề thu nhập gấp 5 lần đại học
Ông Lê Quân dẫn chứng: “Khi vào một trung tâm hội thảo, tôi hỏi tất cả các em đang phục vụ lễ tân. Các em nói rất buồn là học ở trường đại học ra, nhưng lương được có khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó những em pha chế, nấu ăn cũng trong khu vực đó, có chứng chỉ kỹ năng nghề đáp ứng trình độ tốt thì mức lương cao hơn 3 – 5 lần, mà khó tuyển dụng”.
“Như ở Phú Yên, thu ngân sách của địa phương từ du lịch rất lớn, nhưng dành cho đào tạo kỹ năng nghề du lịch lại rất ít. Điều đáng buồn là tất cả các nhà hàng, khách sạn ở địa phương này các em làm không đúng ngành nghề, thiếu kỹ năng nghề. Doanh nghiệp nào bài bản thì đào tạo lại, nên chất lượng nguồn nhân lực tốt hơn, còn lại là khách hàng thường xuyên không hài lòng”, ông Tuấn cho biết.
Từ đó, vị Thứ trưởng khẳng định, cần hướng nghiệp để làm sao mọi người chọn được công việc phù hợp. Không những có việc làm, có thu nhập mà còn có cơ hội học tập, phát triển tiếp. Bất cứ ai, dù làm công nhân hay công việc nhỏ nhất đều có thể học tiếp và đảm nhận những công việc ở trình độ cao hơn nhiều.
“Xã hội ngày nay dần sẽ trọng kỹ năng, trọng năng lực hơn chứ không trọng bằng cấp và sẽ dẹp bỏ tư duy học nhiều, học rộng mới tốt. Thực tế thấy rằng, có người sở hữu 3 bằng đại học, hay cao học vẫn không bằng người có một chứng chỉ nghề vững chắc. Nhiều người sai lầm là cứ học để có “bộ sưu tập” bằng, như vậy không đúng, rất lãng phí do công tác hướng nghiệp chưa tốt.”, ông Tuấn đánh giá.
Làm sao để tránh “học một đàng, làm một nẻo?”
Theo ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều đổi mới, mỗi năm tuyển sinh 2,2 triệu người. Tuy nhiên so với quy mô 97 triệu dân với 55 triệu lao động của Việt Nam thì con số này vẫn quá ít. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là nâng quy mô đến 2025 là 4,6 triệu và đến 2030 là 6,4 triệu.
So sánh cho thấy, ở Australia cứ 4 người dân thì có 1 người đi học nghề, tại Đức có 60 – 70% lực lượng thanh niên trẻ tham gia học nghề. Việt Nam đặt mục tiêu tối thiểu 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường giáo dục nghề nghiệp; tối thiểu 40% học sinh tốt nghiệp THPT vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề.
Trên thực tế, hướng nghiệp cho trẻ em, học sinh, sinh viên, thậm chí cho người lớn tuổi, người đang đi làm là điều tất yếu trong xã hội. Để phát triển một thị trường lao động năng động, linh hoạt, nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần phải chú trọng công tác này. Điều quan trọng là chúng ta cần truyền thông cho xã hội biết danh mục ngành nghề trong xã hội, mỗi ngành nghề đó làm những công việc có yêu cầu ra sao, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm như thế nào, cơ hội phát triển, cơ hội thăng tiến như thế nào?
Theo ông Lê Quân, kỹ năng lựa chọn nghề và kỹ năng ứng tuyển của học sinh, sinh viên là vô cùng cần thiết. Hiện nay, nhiều sinh viên năm thứ 4 vẫn mơ hồ chưa biết ra trường sẽ làm gì, không biết nhận xét điểm mạnh, yếu của bản thân, học chỉ biết làm sao thi môn nào điểm tốt môn đó.
Đây cũng là thực trạng của hệ thống giáo dục, tức là bản thân các thầy cô khi dạy môn gì cũng chỉ biết giảng hết trong giáo trình môn đó, nhiều khi không quan tâm đến việc sinh viên của mình ra trường dùng những kiến thức đó như thế nào, vào việc gì. Dẫn đến tình trạng doanh nghiệp cần những người làm công việc này thì chúng ta lại dạy một nội dung khác.
Do đó, sinh viên cần xác định kế hoạch học tập gắn với kế hoạch phát triển nghề nghiệp. Cần xác định ra trường sẽ làm gì và công việc đó cần những năng lực gì, doanh nghiệp cần gì để tập trung ưu tiên bồi dưỡng trong quá trình học tập. Tuy nhiên, đang tồn tại một thực tế là rất nhiều doanh nghiệp kêu ca về lao động thiếu kỹ năng có tay nghề, tuyển dụng hết sức khó khăn, trong khi đó quy mô và số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn rất hạn chế.
Theo các chuyên gia, thị trường lao động Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó nổi lên là chất lượng việc làm rất thấp, thậm chí có 20% những người đang đi làm việc thuộc nhóm có thu nhập rất thấp, bấp bênh. Hiện chúng ta có khoảng 3/4 các công việc có rủi ro cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới đây, nguyên nhân trình độ đào tạo và kỹ năng nghề thấp. Như vậy, một tỷ lệ rất lớn lao động của Việt Nam có nguy cơ về việc làm trong 5 – 10 năm tiếp theo.
Trong khi nhu cầu nhân lực sắp tới cần rất nhiều về kỹ năng công nghệ, lao động gắn với thực hành. Rất nhiều ngành nghề sẽ có nhu cầu rất lớn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ, logistic, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, y tế…
Bên cạnh đó, nhu cầu xuất khẩu lao động lành nghề ra nước ngoài cũng rất lớn, hằng năm có tới khoảng 200.000 người. Do đó, nếu sử dụng tốt ngoại ngữ, có trình độ, kỹ năng, lập tức người lao động sẽ có việc làm tốt ở môi trường nước ngoài một cách hợp pháp mà không cần đi chui đi lủi, phải chịu rủi ro như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Theo ENTERNEWS.VN