FPT Shop ngưng bán mặt hàng điện máy sau một thời gian thử nghiệm hợp tác với đối tác Nguyễn Kim.
Trả lời ICTnews mới đây, FPT Shop cho biết dự án hợp tác với Nguyễn Kim bán hàng điện máy chỉ là thử nghiệm, và hiện nay chuỗi này chưa có kế hoạch đẩy mạnh mảng kinh doanh mới này.
Như vậy sau khoảng nửa năm thử nghiệm, FPT Shop chính thức dừng bán mặt hàng điện máy.
Trước đó, vào giữa tháng 4 năm nay, FPT Shop bất ngờ mở bán tivi, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt,… trên website của họ. Theo thông tin từ nhà bán lẻ này, FPT Shop mở bán mặt hàng mới trên kênh online, việc lưu kho và hàng hoá sẽ do đối tác Nguyễn Kim đảm nhận.
Việc mở bán mặt hàng điện máy được cho là sự bổ sung hợp lý cho FPT Shop khi nhóm ngành này khá phù hợp với điện thoại, laptop và các mặt hàng công nghệ mà FPT Shop đang có thế mạnh.
Trước đó, Thế Giới Di Động đã mở chuỗi Điện máy Xanh để bán hàng điện máy, và hiện chuỗi này công bố chiếm khoảng gần 40% thị phần.
FPT Shop là chuỗi bán lẻ điện thoại và phụ kiện đứng thứ hai tại Việt Nam xét về số lượng cửa hàng, xếp ngay sau Thế Giới Di Động. Việc này khiến mô hình kinh doanh của hai bên thường được đem ra so sánh.
Khi mở chuỗi Điện máy Xanh, Thế Giới Di Động chủ động hoàn toàn trong các khâu nhập hàng, lưu kho, bán hàng, đào tạo nhân viên,… trong khi đó FPT Shop hợp tác với Nguyễn Kim được cho là bước khởi đầu dễ dàng hơn, là bước đệm để mở rộng trong tương lai. Tuy nhiên FPT Shop rút lui khá sớm khỏi bước thử nghiệm này.
Nhà bán lẻ có thị phần số 2 này không trả lời ICTnews nguyên nhân vì sao ngưng hợp tác, đồng thời cho biết chưa có kế hoạch cụ thể cho mảng điện máy.
Ngay sau cú hợp tác bất ngờ với Nguyễn Kim, FPT Shop tiếp tục gây chú ý khi bắt tay với Fado để mở trang chuyên nhận mua hàng từ Mỹ, Nhật về Việt Nam. Khách truy cập vào trang “hàng Mỹ” của FPT Shop sẽ được xem các mặt hàng bán trên Amazon.com. Mức giá thể hiện trên website sẽ bao gồm mọi chi phí vận chuyển về Việt Nam.
Như vậy, khởi đầu từ bán điện thoại và các mặt hàng liên quan, FPT Shop những muốn lấn sân sang điện máy, và ngay sau đó lấn hẳn sang thương mại điện tử – bán vô số mặt hàng khác nhau có trên Amazon. Cho đến thời điểm hiện tại trang bán hàng Mỹ của FPT Shop vẫn hoạt động bình thường.
Việc cùng lúc thử nghiệm hai ngành hàng mới hồi đầu năm chứng tỏ FPT Shop quyết tâm đẩy mạnh mảng online. Kết quả, hết quý 3/2019, doanh thu mảng bán hàng trực tuyến (online) của FPT Retail đạt mức 2,974 tỷ đồng, tăng trưởng tới 59,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tỷ trọng 23,9% tổng doanh thu FRT.
Cũng như Thế Giới Di Động buộc phải mở nhiều ngành hàng để tiếp tục tăng trưởng, bài toán sắp tới của FPT Shop vẫn là mở rộng quy mô kinh doanh nếu muốn giữ đà tăng doanh thu trong bối cảnh ngành hàng điện thoại bão hoà.
Theo Hải Đăng
ICT News