Startup tuyển dụng TopCV ra đời vào tháng 10/2014. Thời điểm đó, Trần Trung Hiếu mới 22 tuổi, chập chững bước vào thị trường tuyển dụng, vốn được coi là đại dương đỏ với hàng loạt “cây đa, cây đề” đi trước. Không kinh nghiệm, không quan hệ, không bệ đỡ, nhưng bằng cách nào đó, Hiếu đã đưa TopCV từ công cụ viết CV online đến nền tảng tuyển dụng số 1 Việt Nam.
Triệu phú công nghệ Hùng Đinh, một trong số những nhà đầu tư giai đoạn đầu của TopCV từng chia sẻ như sau: “Khi phỏng vấn nhân sự cho công ty tôi, cứ 10 bạn thì tôi phát hiện ra là có ít nhất 2 đến 3 bạn dùng CV in từ TopCV. Đó là dấu hiệu của việc TopCV đã làm lớn được một việc nhỏ”.
“Làm một việc nhỏ, thật lớn”, chính là con đường Trần Trung Hiếu đã đi để đưa TopCV từ những bước chập chững ban đầu đến thành công hôm nay. Nhân dịp Trần Trung Hiếu vừa lọt vào danh sách Forbes Under 30, hãy cùng chúng tôi ngồi xuống, nhâm nhi ly cà phê và nghe anh chia sẻ nhiều hơn về chặng đường hơn 7 năm khởi nghiệp của mình.
Chào anh Hiếu. Anh có thể chia sẻ một chút về cảm xúc khi nhận được tin mình lọt vào Top Under 30 của Forbes được không?
Tôi thấy rất bất ngờ, vui, và tự hào. Giống như đi thi hoa hậu và giành được vương miện (cười). Tôi không phải người có duyên với việc đi thi và nhận giải, từ lúc đi học tôi có cảm giác mình như kiểu “học tài thi phận”. Vậy nên danh hiệu lần này khiến tôi cảm thấy ấn tượng. Đó cũng là danh hiệu đến đúng thời điểm tôi chuẩn bị chạm dấu mốc 30 tuổi, kết thúc chặng đường đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của bản thân để có nhiều sự bứt phá và phát triển hơn trong 5 năm tiếp theo.
Thực tế, danh sách Forbes Under 30 này không phải để vinh danh những người giàu nhất hay giỏi nhất, mà là những người nổi bật, có cống hiến, có khả năng truyền cảm hứng trong nhiều lĩnh vực cho thế hệ trẻ Việt Nam. Việc lọt vào danh sách của Forbes truyền cảm hứng cho chính bản thân tôi, và hy vọng cảm hứng ấy có thể lan tỏa tới nhiều người khác.
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp đã qua, có điều gì khiến anh hối tiếc hoặc ước mình lẽ ra nên làm khác đi không?
Cuộc đời ai cũng có lúc vui, lúc buồn, cũng có tiếc nuối. Nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, đặc biệt những dấu mốc quan trọng, thì chưa một lần nào tôi thấy hối tiếc cả. Quan điểm của tôi khi sống và làm việc, đó là: Cuộc đời chỉ có 1 lần, sống và làm thế nào cho đáng. Khi mình suy nghĩ và tư duy như thế, làm gì mình cũng làm tới cùng, không chỉ với bản thân mà còn tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội.
Trước mỗi quyết định, tôi đều cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng xem điều mình chuẩn bị làm có tử tế, có chính trực hay không. Vì thế, khi hành động, tôi cứ vậy mà đi thôi, cứ vậy mà tiến lên phía trước thật nhanh, thật quyết liệt và chắc chắn là không hề hối tiếc.
Giai đoạn đầu, TopCV giành được vị thế nhờ ý tưởng tạo CV cho các bạn sinh viên và người lao động. Vậy giai đoạn sau, anh duy trì chỗ đứng này thế nào?
Khi TopCV xuất hiện, thị trường tuyển dụng ở Việt Nam, cả online lẫn offline, đang là đại dương đỏ. Bước đầu, TopCV lựa chọn đi vào nhu cầu cần thiết nhưng nhỏ thôi, đó là công cụ viết CV. Sau khi có chỗ đứng và có lượng data đủ lớn, chúng tôi thực hiện kết nối ứng viên với nhà tuyển dụng bằng công nghệ.
Tuy nhiên chỉ vậy thôi là chưa đủ, cần nhiều sản phẩm kết nối với nhau thành chuỗi giá trị để hỗ trợ hoạt động nhân sự trong doanh nghiệp. TopCV ra mắt TestCenter.vn – hệ thống số hóa việc đánh giá năng lực nhân sự. Thay vì phỏng vấn như truyền thống thì doanh nghiệp sử dụng công cụ này để đưa ra các bài test cho ứng viên, xem ứng viên có phù hợp để vào vòng phỏng vấn tiếp theo hay được nhận việc không.
Rồi chúng tôi giúp doanh nghiệp quản lý hệ thống nhân sự tốt hơn. Ví dụ sản phẩm HappyTime.vn của TopCV sẽ hỗ trợ doanh nghiệp mảng chấm công, đơn từ, nghỉ phép,…để giữ chân nhân sự tốt hơn. Vì bên cạnh yếu tố về chính sách, môi trường làm việc, thì yếu tố về công nghệ cũng góp phần giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Đó là 2 trong số những dòng sản phẩm đang được triển khai trong hệ sinh thái của TopCV. Qua đó TopCV hiểu được doanh nghiệp cần ứng viên như thế nào, còn ứng viên cần môi trường nào. Từ đó quay lại câu chuyện liên quan đến tuyển dụng, tạo kết nối phù hợp hơn cho cả 2 bên trong tương lai.
Nghĩa là bên anh hỗ trợ doanh nghiệp kể cả giai đoạn sau tuyển dụng?
Đúng vậy, chi phí tuyển dụng đắt đỏ nhất là chi phí tuyển sai người.
Nhắc đến chuyện tuyển dụng, mọi người nghĩ doanh nghiệp chỉ cần bỏ chi phí cho các kênh tuyển dụng là tìm được người đi làm. Nhưng chi phí ban đầu này là phần nhỏ. Chi phí doanh nghiệp mất nhiều nhất là khi tuyển sai người: Mất thời gian, mất tiền lương thử việc , mất chỗ ngồi, mất database,…Rồi phải tuyển lại. Nếu ứng viên có trải nghiệm không tốt trong quá trình làm việc, họ sẽ nghỉ tiếp. Các vòng lặp này sẽ tiêu tốn nguồn lực tiền bạc, thời gian của doanh nghiệp nên cần phải được tối ưu.
Sứ mệnh TopCV sinh ra là để giải quyết trọn vẹn bài toán đó của doanh nghiệp. Nếu TopCV chỉ là công ty tuyển dụng hoặc công ty công nghệ tuyển dụng cũng chưa đủ, mà là công ty về HRTech (công nghệ nhân sự), giải quyết cả quá trình từ tuyển dụng, gắn kết nhân sự cho đến khi nhân sự nghỉ. Ở Việt Nam TopCV là đơn vị đầu tiên đi theo hướng đó còn trên thế giới đã phổ biến rồi.
Anh có thể cập nhật một vài số liệu về tình hình phát triển của TopCV được không?
TopCV có quy mô gần 300 nhân sự, dự kiến năm nay con số này lên 500. Công ty giữ mức độ tăng trưởng 300%/năm và năm vừa rồi cũng đã đạt được. Giai đoạn đại dịch, chúng tôi có nhiều thuận lợi vì hoạt động chuyển đổi số diễn ra nhiều hơn, nhu cầu tìm kiếm kết nối việc làm cũng tăng. HIện tại, chúng tôi đang phục vụ khoảng 5 triệu người dùng và 200.000 doanh nghiệp từ startup đến tập đoàn đa quốc gia.
Người ta dùng khái niệm “Soonicorn”để chỉ các startup có tiềm năng trở thành kỳ lân (Unicorn). Anh có nghĩ TopCV là Soonicorn và anh có đặt mục tiêu sau bao lâu thành Unicorn?
Unicorn là mong muốn của bất kỳ startup nào. Nhưng để thành Unicorn thì tôi hiện tại chưa đặt mục tiêu đó. Câu chuyện thành Unicorn đôi khi dựa trên việc gọi vốn và định giá công ty. Còn với bản thân tôi và ban lãnh đạo TopCV, mục tiêu chúng tôi tập trung nhiều hơn vào: 1, tạo sản phẩm thực sự có giá trị cho khách hàng và người dùng, phát triển công ty ở mức tốt nhất; 2 là đưa công ty IPO trong vài năm nữa.
Kể cả với các Unicorn, câu chuyện cuối cùng vẫn là IPO nên IPO là mục tiêu khá rõ ràng với chúng tôi.
Là một người am hiểu về lĩnh vực tuyển dụng, trong thời gian vài năm tới, theo anh nhóm ngành nào sẽ lên ngôi?
Tôi thấy lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin sẽ cực kỳ hấp dẫn. Đại dịch Covid-19 khiến mọi thứ phải số hóa, kéo theo nhu cầu khủng khiếp về lực lượng lao động trong ngành này.
Công nghệ thông tin không chỉ giới hạn với các bạn làm lập trình mà còn nhiều vị trí như BA (Business Analyst), Tester, PO (Product Owner),… Những vị trí này liên tục được mở rộng và thu hút nhiều người tham gia. Thậm chí có một xu hướng dịch chuyển ngành, tức là những người làm ngoài ngành công nghệ thông tin hoàn toàn có thể chuyển sang làm ở các vị trí phi kỹ thuật.
Một khảo sát của TopCV cho thấy trong năm 2021, 49% doanh nghiệp đang “khát” nhân lực công nghệ thông tin. Vài ba năm tới, con số này có thể cao hơn nhiều.
Công nghệ thông tin là nhóm ngành liên quan đến người lao động, còn rộng hơn là kinh tế số. Gần đây nổi lên rất nhiều công ty fintech gọi được nguồn vốn lớn, rồi các công ty thương mại điện tử, gọi xe giao hàng, logistics, medtech,…tất cả những điều này đều gắn với kinh tế số. Tất nhiên những lĩnh vực truyền thống như du lịch, sau khi đại dịch kết thúc, sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng để gọi là nổi bật, là ngôi sao trong nền kinh tế Việt Nam thì tôi tin đó phải là kinh tế số.
Gần đây người ta nói nhiều về nhân sự thuộc thế hệ Gen Z, theo anh lực lượng này có điểm gì nổi trội?
Gen Z sẽ là thế hệ chiếm phần lớn nguồn lực lao động của doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai gần. Họ sinh từ giai đoạn 1995 – 2010 nên có người đã lên làm quản lý, cũng có người mới ra trường, bắt đầu đi làm. Đây là thế hệ được tiếp cận công nghệ, Internet, điện thoại đông minh,… nên tính sáng tạo, chủ động, độc lập được đẩy lên cao. Nếu sử dụng TikTok bạn sẽ thấy thế hệ này sáng tạo hơn nhiều so với thế hệ trước. Họ cũng có khả năng quan sát, lắng nghe, phân tích và chọn lọc thông tin tốt hơn, vì họ được tiếp cận nhiều luồng thông tin.
Bên cạnh các vấn đề về chính sách, môi trường, văn hóa, văn phòng đẹp đẽ,… vốn là những tiêu chuẩn cơ bản nhân sự quan tâm khi tuyển dụng, Gen Z còn đặt nhiều câu hỏi hơn so với thế hệ trước. Ví dụ lứa 8x đầu 9x, họ cần tìm môi trường ổn định, có thu nhập tốt. Nhưng thế hệ này còn quan tâm tương lai công ty thế nào, tương lai mình phát triển ở đây ra sao, có những cơ hội gì, nếu cống hiến sẽ nhận lại được gì,… Không hẳn là thực dụng mà với Gen Z, họ rõ ràng hơn và sự rõ ràng ấy được đẩy lên cao hẳn so với trước đó.
Còn biểu hiện gọi là tiêu cực như không thích là nghỉ, cũng có thể coi là một phần của sự rõ ràng. Công ty không tốt, họ sẽ ra đi. Đó là điều các công ty khi lên kế hoạch tuyển dụng, phát triển văn hóa doanh nghiệp cần lưu ý.
Như vậy để tuyển dụng và giữ chân Gen Z, các đơn vị sẽ tốn nhiều công sức hơn?
Đúng vậy. Và lẽ ra phải như vậy. Các công ty thường chú trọng đến tìm kiếm, giữ chân khách hàng, vì khách hàng mang tiền cho họ. Nhưng muốn triển khai công việc, muốn phục vụ khách hàng tốt thì cần có nhân sự. Đầu tư vào nhân sự là chiến lược cần lưu tâm của tất cả doanh nghiệp Việt Nam. Với góc nhìn như vậy thì rõ ràng, mỗi đơn vị đều cần bỏ nhiều thời gian, công sức, xây dựng môi trường làm việc chuẩn mực chứ không chỉ tập trung vào câu chuyện kiếm tiền. Chỉ kiếm tiền không thì không đủ với thời đại bây giờ.
So với Trần Trung Hiếu thời bắt đầu khởi nghiệp khoảng 2014-2015, Trần Trung Hiếu hiện nay có gì khác hơn, thưa anh?
Tôi luôn tự nhắc bản thân rằng mình cần thay đổi mỗi ngày, hôm nay tốt hơn một chút so với hôm qua. Như vậy sau 1 năm hoặc một hành trình nhìn lại, mình sẽ đi những bước tiến rất xa. Nhìn cả quá trình từ 2014-2015 đến giờ, tôi thấy mình có độ “chín” hơn. Trong mảng quản trị doanh nghiệp, tôi cũng có cái nhìn sâu hơn về xây dựng tổ chức, con người, phát triển đội nhóm,…
Ngoài ra tôi thấy mình quyết liệt hơn trước, đã làm là làm tới cùng, và đã đi là đi con đường xa hơn. Thời điểm 2014 – 2015 tôi phải vừa đi vừa dò từng bước. Còn giờ, mỗi bước đi tôi đều hiểu rõ mình cần làm gì, mình làm tốt chưa và có sự nhìn nhận sâu sắc hơn.
Thứ duy nhất không thay đổi là quyết tâm theo đuổi đến cùng những mục tiêu, sứ mệnh đã đặt ra. Sứ mệnh càng lớn thì tôi càng quyết tâm thực hiện bằng được.
Khởi nghiệp cần nhiều may mắn, anh có nghĩ mình đã gặp may?
Làm kinh doanh hay bất cứ việc gì thực tế luôn cần may mắn. Nhưng may mắn đến từ sự chuẩn bị kỹ càng. Ai cũng có may mắn và cơ hội như nhau, khác nhau ở chỗ có nhìn ra để chuẩn bị và đón nhận hay không.
Tôi cũng là người may mắn vì quá trình khởi nghiệp ban đầu, tôi không đi một mình mà có nhiều co-founder đi cùng. Họ tiếp thêm sức mạnh vào những ngày đầu khó khăn, để tôi không cảm thấy chán nản mà từ bỏ. Còn giờ khi doanh nghiệp phát triển qua nhiều giai đoạn, tôi có những người thầy, người anh chỉ giúp tôi con đường nên đi thế nào cho đúng, có những người đồng nghiệp cùng sát cánh trên hành trình thực hiện sứ mệnh.
Được biết anh đã lên chức “cha” hơn 1 năm nay. Anh có gặp khó khăn ở vai trò mới này không, khi công việc của các CEO thường rất bận rộn?
Mọi người hay nói đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vậy định nghĩa cân bằng là gì? Với tôi không phải là một ngày vừa vui vẻ với gia đình, vừa làm tốt công việc. Tôi nghĩ cân bằng là mỗi giai đoạn, mình biết cần ưu tiên cái nào cao hơn cái nào. Sự ưu tiên đó sẽ có đánh đổi. Đôi khi mình cần ưu tiên gia đình, đôi khi cần ưu tiên công việc. Ví dụ tại thời điểm này con ốm, thì phải ưu tiên việc chăm sóc con. Nhưng khi quay lại với công việc, mình phải xử lý cho trọn vẹn.
Thực tế, có giai đoạn sau khi vợ sinh con, tôi phải làm việc đến 8-9h tối rồi mời từ văn phòng về nhà. Lúc ấy tôi phải tìm cách chia sẻ với vợ để vợ hiểu. Rồi tôi dành thời gian cho vợ con vào lúc khác, như cuối tuần cả gia đình cùng đi chơi chẳng hạn. Cân bằng ở chỗ đó. Chứ mỗi người có 24h/ngày, chia đều là rất khó.
Anh có nói về thời gian cho gia đình, công việc, vậy thời gian dành riêng cho bản thân thì sao?
Tôi có nhiều cách để kết hợp và sử dụng thời gian hiệu quả. Ví dụ đi từ nhà đến công ty hết 30-45 phút. Thời gian đó nếu căng thẳng thì tôi vừa lái xe vừa nghe nhạc, hoặc không thì cập nhật kiến thức bên ngoài công việc về kinh tế-xã hội, khoa học, phật pháp,… Quá trình di chuyển đỡ mệt mỏi mà mình vẫn thu nạp nhiều cái mới.
Hoặc việc tập luyện sức khỏe cũng thế. Thay vì đến phòng gym thì tôi tự chạy bộ trên máy ở nhà, hoặc thỉnh thoảng tôi ngồi thiền. Tùy thời điểm cơ thể mình cần gì mà tôi sẽ có cách kết hợp để tối ưu thời gian. Như vậy tôi vẫn có thời gian đi chơi, xem phim, hay cập nhật kiến thức mới, bên cạnh thời gian bận rộn vì công việc.
Trong năm mới, anh có ý định học thêm điều gì mới mẻ không?
Mỗi năm tôi đều đặt mục tiêu là phải học cái gì đấy hoặc làm cái gì đấy mà bản thân trước nay chưa từng thử qua. Những mục tiêu ấy tôi thường đồng bộ với công việc, để tối ưu thời gian và tối ưu hiệu quả. Như năm ngoái tôi học một khóa về tâm lý học còn năm nay, tôi dự định tham gia một khóa thiền dài ngày. Dù công việc bận rộn nhưng việc này sẽ tốt hơn cho bản thân tôi và tổ chức.
Thiền và công việc, hơi khó để hình dung mối liên hệ, xin anh chia sẻ rõ hơn?
Làm lãnh đạo, khó nhất là quản trị về con người cũng như giải quyết các bài toán tổng thể của công ty. Người lãnh đạo vì thế cũng cần sự tĩnh lặng, sự quan sát theo chiều sâu thay vì cứ cuốn theo việc này việc kia. Cuối cùng không đủ thời gian xử lý các bài toán lõi trong doanh nghiệp.
Học thiền giúp tôi gạt bỏ vướng bận bên ngoài để có sự tĩnh lặng mà nhìn vào bản thân mình, có thời gian quan sát dòng chảy xung quanh, từ quá khứ đến hiện tại để đánh giá tổng thể. Nhiều CEO cũng thiền vì thế. Nhìn bên ngoài tưởng không liên quan nhưng đó là cách gián tiếp giúp hoạt động quản trị có chiều sâu và doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng tốt hơn.
Cảm ơn những chia sẻ của anh! Chúc anh một năm mới gặt hái thêm nhiều thành tựu mới!
Theo Cafebiz.vn