Trong khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn cố gắng phát triển sản phẩm và dịch vụ mới để thích ứng, vượt khó.
Công ty vật tư nông nghiệp làm gel rửa tay sát khuẩn. Doanh nhân từng đóng cửa 7 cửa hàng thực phẩm quyết tạo nền tảng kết nối trực tiếp nông dân với người tiêu dùng để giảm ùn ứ nông sản. Rất nhiều nỗ lực như thế vừa giữ nhịp sống kinh tế, vừa góp sức chống dịch.
Từ làm để tặng đến xuất khẩu
Sau tết, nhu cầu về khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn tăng cao nhưng nguồn cung lại khan hiếm.
Sẵn có nguồn nguyên liệu và hệ thống máy móc đạt chuẩn, lãnh đạo Công ty TNHH An Nông (TP.HCM) – chuyên sản xuất vật tư nông nghiệp – quyết định cho sản xuất thử rồi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm gel rửa tay khô sát khuẩn.
“Ban đầu khi thấy người dân mua nước rửa tay sát khuẩn mà không có nên chúng tôi chỉ tính làm với số lượng nhỏ để tặng khách hàng và người dân.
Nhưng hiện nay nước rửa tay của chúng tôi đã trở thành dòng sản phẩm chính thức. Đây là điều trước đây chúng tôi chưa hề nghĩ tới” – ông Hoàng Hải, chủ tịch HĐQT của An Nông, chia sẻ.
Sau khi sản phẩm được đưa ra thị trường, nhiều nơi điện thoại đặt hàng mua nên công ty quyết định sản xuất quy mô lớn. Đến nay, An Nông đã được Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành 7 chế phẩm sát khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.
Không chỉ vậy, sau khi bán tại thị trường trong nước, một số khách hàng nước ngoài đã đặt vấn đề lấy hàng của An Nông để xuất khẩu.
Và đến ngày 20-4 vừa qua, lô hàng gel rửa tay khô sát khuẩn với số lượng 20.000 chai (loại 100ml và 500ml) đầu tiên của công ty đã được xuất khẩu sang Úc.
“Để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, chúng tôi phải đạt các tiêu chuẩn của họ. Rất may do hệ thống nhà máy sản xuất hiện tại đã đạt chuẩn nên việc chuyển qua sản xuất các sản phẩm mới không tốn nhiều thời gian. Hiện chúng tôi vẫn đang đàm phán với các đối tác để xuất khẩu sản phẩm đi các quốc gia khác”, ông Hải nói.
Hỗ trợ nông dân trong dịch bệnh
Trong khi đó, những ngày giãn cách xã hội do COVID-19 vừa qua lại là khoảng thời gian mà ông Nguyễn Tuấn Khởi, tổng giám đốc Công ty CP VTVCorp, hoạt động không mệt mỏi để cùng lúc đưa nhiều dự án hỗ trợ người dân trong dịch bệnh.
Đó là dự án quán cơm dã chiến phục vụ người nghèo, hoàn thiện sản phẩm túi y tế gia đình Doctorcare giúp các gia đình sắp xếp tủ thuốc và vật dụng y tế hợp lý.
Dự án quan trọng nhất mà ông Khởi đang tập trung và chuẩn bị cho ra mắt chính là Foodconnect, nền tảng kết nối trực tiếp nông dân sản xuất tới tay người tiêu dùng.
“Giai đoạn đầu, Foodconnect sẽ tập trung làm việc cùng người nông dân ở các vùng quê để cùng họ tiêu thụ những sản phẩm đang ùn ứ không thể tiêu thụ được vì dịch bệnh. Người nông dân bao đời nay vẫn chân chất, đa số không nghĩ nhiều về cách bán hay tiếp thị cho chính sản phẩm của mình”, ông Khởi chia sẻ.
Theo đó, Foodconnect là một mô hình giống như Grab trong lĩnh vực thực phẩm, kết nối trực tiếp người sản xuất với người mua. Foodconnect đóng vai trò là nơi kết nối và kiểm soát chất lượng, phối hợp với bên thứ ba để làm các dịch vụ logistics phía sau.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi cho hay bằng kinh nghiệm 8 năm tham gia các chương trình giải cứu nông sản, 3 năm làm chương trình ngân hàng thực phẩm (foodbank) đưa thực phẩm tới người nghèo, công ty đã có những hiểu biết sâu về sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng như kết nối với nhiều đối tác để thực hiện dự án.
“Hiện đã có 1.000 nông dân trong mạng lưới của Foodconnect để đưa sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng”, ông Khởi cho biết.
Quyết đoán để tồn tại
Nhiều DN cho biết thiệt hại về kinh tế do COVID-19 gây ra là chắc chắn. Tuy nhiên, dịch bệnh này và các hệ lụy kèm theo cũng có những mặt tích cực bởi trong điều kiện bình thường, nhiều doanh nhân có thể đã không làm quyết liệt để thay đổi cho hiệu quả hơn.
Ông Khởi cho hay trước đó công ty cũng phải đóng cửa 7 cửa hàng thực phẩm vì hoạt động không hiệu quả.
“Không phải vì dịch bệnh chúng tôi đóng cửa mà bởi vì các cửa hàng đã không hiệu quả trước đó, dịch bệnh làm chúng tôi quyết liệt hơn để tinh giản bộ máy và tập trung vào các dự án tiềm năng hơn”, ông Khởi nói.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu và chính sách, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng cả quý 1-2020 và làm cho kinh tế VN chao đảo với nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, vận tải, giáo dục…
Buộc phải cách ly xã hội để chặn dịch bệnh cũng tạo ra cú sốc cho nền kinh tế cả ở phía cung và cầu. Triển vọng quý 2 sẽ bị ảnh hưởng do sức mua của nền kinh tế giảm và sự đứt đoạn trong chuỗi cung ứng từ phía cung.
Theo ông Thành, sau dịch bệnh, những DN đã nỗ lực chuyển đổi, thích nghi được với dịch bệnh sẽ có lợi thế. Khi mọi thứ trở lại bình thường, họ sẽ có đà để phát triển.
Đặc biệt, những ngành dựa trên nền tảng số, không gian số và thực hiện chuyển đổi số rõ ràng thì khả năng thành công sau dịch bệnh sẽ rõ ràng hơn.
Theo Tuổi trẻ