Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú: Xây dựng nền móng phát triển nông nghiệp hữu cơ

Sau nhiều năm đầu tư cho vùng trồng lúa hữu cơ đạt chứng nhận USDA và phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ sau gạo, doanh nhân Nguyễn Văn Hùng liên kết với nông dân để mở rộng vùng trồng, góp phần phát triển vùng kinh tế còn nhiều khó khăn tại Cà Mau và xây dựng nền móng phát triển nông nghiệp hữu cơ trong tương lai.

Chọn Cà Mau để phát triển nông trại hữu cơ

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng nhiều sản phẩm từ gạo của nước ta còn “lép vế” trên thị trường quốc tế, một phần do chất lượng không đủ tiêu chuẩn an toàn, một phần do thương hiệu Việt chưa đủ sức cạnh tranh. Người nông dân còn khó khăn, lợi nhuận thu về không tương xứng với công sức bỏ ra…

Thấu hiểu điều đó, doanh nhân Nguyễn Văn Hùng cùng đội ngũ nhân sự Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (Công ty Viễn Phú) quyết tâm sản xuất giống gạo hữu cơ, hoàn toàn không hóa chất, không biến đổi gen và có giá trị dinh dưỡng cao nhằm khẳng định nông sản Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào.

Thời điểm năm 2007 – 2008, sản xuất hữu cơ và sản phẩm hữu cơ đạt chứng nhận là khái niệm rất mới mẻ ở thị trường Việt Nam. “Lý do thúc đẩy chúng tôi lựa chọn phát triển nông nghiệp hữu cơ là cả một câu chuyện dài và nhiều ý nghĩa. Sau khi khảo sát và tìm kiếm vùng trồng tại nhiều địa phương, doanh nghiệp đã lựa chọn vùng đất rừng U Minh ở Cà Mau. Đây là khu vực còn rất nhiều khó khăn, việc canh tác của người nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa, đất nhiễm phèn nặng; dù gạo ngon, chất lượng tốt, nhưng năng suất rất kém…”, ông Hùng kể.

Tuy nhiên, may mắn là vùng đất nơi đây còn hoang sơ, chưa được khai thác, nên không bị nhiễm hóa chất hoặc nông dược, hội tụ đủ điều kiện để Viễn Phú xây dựng nông trại sạch đạt chuẩn quốc tế.

Năm 2008, Viễn Phú thành lập nông trại hữu cơ với diện tích 317 ha, chuyên trồng lúa hữu cơ xuất khẩu và bắt đầu công cuộc cải tạo vùng đất hoang hóa đầy lau sậy. Lấy việc trồng lúa không dùng phân bón, thuốc hóa học làm kim chỉ nam, Công ty đưa ra các quy định nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất…

Đặc biệt, doanh nhân Nguyễn Văn Hùng áp dụng triệt để các giải pháp thủ công, mang tính tự nhiên vào quá trình canh tác, như thuê lao động nhổ cỏ bằng tay, đối phó với dịch bệnh bằng bẫy côn trùng, không dùng hóa chất xử lý phèn, sử dụng chế phẩm sinh học do công ty quốc tế xác nhận để làm dinh dưỡng cho cây trồng…

Hiểu rõ những thách thức khi xuất khẩu gạo ra quốc tế, ông Hùng tập trung nguồn lực để nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu với quy trình canh tác theo tiêu chuẩn toàn cầu.

“Nếu sản xuất thông thường, sản lượng thu về thấp, giá bán ra thấp, người nông dân sẽ khó có lời trong hoạt động mang lại kế sinh nhai chính cho gia đình. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo phương pháp hữu cơ, một mặt giúp cải thiện năng suất, một mặt nâng cao giá trị lúa, giúp giá bán tăng đáng kể, bù lại phần năng suất đang bị giới hạn. Đây cũng là ý tưởng ban đầu của chúng tôi với mục đích thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhằm nâng cao giá trị cây lúa và chất lượng hạt gạo Việt, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động tại vùng kinh tế khó khăn của tỉnh Cà Mau”, ông Hùng chia sẻ.

Trách nhiệm với gạo Việt

Năm 2012, những “hạt ngọc” Viễn Phú gieo trồng đã được Control Union (Hà Lan) trao chứng nhận nhãn hiệu gạo hữu cơ của Tổ chức quốc tế BIO Organic và nhãn hiệu gạo hữu cơ an toàn tuyệt đối có lợi cho sức khỏe (organic product) của Hoa Kỳ. Trong đó, chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Ủy ban Hữu cơ Quốc gia (USDA) là chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt nhất khi yêu cầu sản phẩm chứa 95% thành phần hữu cơ.

“Nếu chúng ta tạo ra được loại gạo mang lại giá trị cao, thì thương hiệu gạo Việt sẽ có chỗ đứng ngày càng vững chắc trên trường quốc tế. Vì vậy, mô hình nông trại 317 ha này là tiền đề để Viễn Phú xây dựng nền móng phát triển nông nghiệp hữu cơ trong tương lai”, ông Hùng khẳng định.

Vì vậy, vị doanh nhân này không ngừng đầu tư cho vùng nguyên liệu, quản lý nguồn đất và nguồn nước, hạn chế ô nhiễm chéo. Ông Hùng kể, những năm mới thành lập là giai đoạn khó khăn nhất với Viễn Phú. Công ty đã trả giá bằng nhiều mùa vụ để đúc rút kinh nghiệm trong việc phát triển cây lúa hữu cơ. Không những thế, nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn, bởi doanh nghiệp phải nạo vét kênh mương, đắp bờ bao để tạo ra khu vực chuyên biệt. Hoạt động đầu tư cho vùng trồng tiêu tốn hàng chục tỷ đồng mỗi năm…

Bằng quyết tâm và sự nỗ lực, ông Hùng và đội ngũ của mình đã thành công trong việc biến đồng đất hoang sơ thành nông trại chuyên sản xuất lúa hữu cơ sạch, với quy trình canh tác khép kín. Nông trại được cô lập với bên ngoài bằng các kênh nước bao quanh, tạo vùng đệm rất tốt cho việc canh tác hữu cơ.

Ngoài nguồn nước mưa tự nhiên, nông trại Viễn Phú còn có nguồn nước sạch chảy từ rừng U Minh qua lớp đất than bùn, mang lại dinh dưỡng cho cây trồng. Đồng thời, doanh nghiệp liên tục tăng cường các chế phẩm sinh học xử lý phèn, bổ sung phân sinh học để tăng độ phì nhiêu, giúp cây lúa tăng khả năng thích ứng trong điều kiện phèn.

“Bằng thái độ làm việc nghiêm túc và trách nhiệm với hạt gạo Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng góp phần thay đổi tư duy sản xuất, để người nông dân không còn đi theo lối mòn, mà dần có ý thức bảo vệ môi trường, giữ mảnh đất mình canh tác được sạch hoàn toàn. Như vậy, khi sản xuất bất kỳ thứ gì, chúng cũng đều sạch và an toàn, giá trị nông sản theo đó được tăng cao”, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú bộc bạch.

Nâng tầm giá trị “hạt ngọc” hữu cơ

Tiếp nối thành công từ các sản phẩm gạo hữu cơ với thương hiệu Hoa Sữa, Công ty Viễn Phú tiếp tục sản xuất các loại sản phẩm sau gạo như bún, phở, bánh tráng, nui, phở ăn liền… Trong đó, 90% là sản phẩm organic, đạt chuẩn hữu cơ quốc tế EU và USDA. 

“Đằng sau mỗi thương hiệu đều tồn tại một câu chuyện. Với Hoa Sữa, chúng tôi bắt đầu câu chuyện của mình bằng khát vọng: gạo Việt Nam không chỉ để ăn no, mà còn là dược liệu giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người”, doanh nhân Nguyễn Văn Hùng tâm đắc.

Ông lựa chọn các cửa hàng organic làm kênh tiêu thụ sản phẩm của Viễn Phú. Giờ đây, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm của Công ty tại hơn 1.300 cửa hàng organic ở trong nước.

Bên cạnh đó, Viễn Phú xuất khẩu sang một số quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản, Singapore, Australia… Ông Hùng cũng dự định tiếp tục mở rộng thị trường tại một số quốc gia Bắc Âu trong năm tới.

“Nhờ tích cực xúc tiến thương mại, trong năm 2023, tỷ lệ xuất khẩu của Viễn Phú đạt 55% và nội địa đạt 45%. Đến cuối tháng 5/2024, cơ cấu xuất khẩu tăng lên đáng kể, chiếm 65 – 70% và nội địa giảm còn 30 – 35%”, ông Hùng thông tin.

Công ty Viễn Phú có kế hoạch xây dựng nhà máy mới trong quý IV/2024, dự kiến hoàn thành trong quý I/2025, quy mô 90 – 100 tấn sản phẩm chế biến sau gạo mỗi tháng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, ngoài nguồn nguyên liệu từ nông trại hữu cơ, Công ty còn cần thêm vùng nguyên liệu tối thiểu khoảng 500 – 800 ha. Phần diện tích này, doanh nghiệp sẽ liên kết với hợp tác xã, bà con nông dân.

Trong đó, chủng loại lúa liên kết với bà con nông dân sẽ được Viễn Phú dùng làm nguyên liệu chế biến sâu. Với diện tích đất lớn này, dù không theo tiêu chuẩn organic, nhưng doanh nghiệp vẫn sẽ chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng tuyệt đối việc sử dụng thuốc sinh học nhằm gia tăng chất lượng vùng trồng liên kết.

Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng tự tin, với lợi thế về phát triển vùng nguyên liệu, kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất lúa, gạo hữu cơ, Công ty Viễn Phú có tiềm năng phát triển nhiều dòng sản phẩm mới trong thời gian tới, nhất là khi nhu cầu về sản phẩm tốt cho sức khỏe ngày càng gia tăng.

“Để bắt kịp sự phát triển của nông nghiệp thế giới, chúng tôi sẽ cải tiến công nghệ phù hợp, bên cạnh việc tiếp tục phát triển, cải thiện lĩnh vực nông nghiệp truyền thống”, ông Hùng chia sẻ.

Theo baodautu.vn