Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Doanh nghiệp thực phẩm dè dặt với sức mua dịp Tết

Các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm đã khôi phục 80-100% công suất nhưng thận trọng khi dự báo sức mua Tết sắp tới.

Chia sẻ tại “Tuần lễ Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm” năm 2021, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA) cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đã trở lại sản xuất với 80-100% công suất. Thậm chí thời điểm này, họ còn tăng công suất, tăng ca để chuẩn bị hàng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

“Hiện tại, dịch bệnh phần nào được khống chế nên chúng tôi dần trở lại công suất sản xuất trước đây. Chưa đạt 100% nhưng vừa đang nỗ lực chống dịch vừa cố gắng sản xuất”, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, nói.

Khách tham quan các sản phẩm thực phẩm chế biến sáng 13/12. Ảnh: Viễn Thông

Tuần lễ triển lãm này là dịp hiếm hoi ngành lương thực thực phẩm TP HCM xúc tiến thương mại sau một năm bận rộn chống dịch. Chương trình năm nay đã quy tụ gần 85 doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm với 716 mặt hàng, 4.700 sản phẩm.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, doanh thu bán lẻ tháng 11 ước gần 40.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với tháng 10 nhưng giảm 22,7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, 21,5% là doanh thu lương thực, thực phẩm, tăng 9,1% so với tháng 10 và chỉ giảm 1,7% so với cùng kỳ 2020.

“Thị trường đã có những tín hiệu tích cực. Tháng 11 đã tốt hơn tháng 10 và chúng tôi đang kỳ vọng tháng 12 sẽ tăng trưởng ở mức hai con số”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP HCM, đánh giá.

Tình hình khởi sắc nhưng một số doanh nghiệp vẫn thận trọng khi nói về kế hoạch sản xuất và sức mua mùa Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Cao Minh Sang, CEO Santa Food, một công ty chuyên kinh doanh gừng sấy dẻo, mật ong, hạt điều, cà phê có cơ sở tại TP Thủ Đức, cho rằng sức mua Tết sẽ giảm nhiều. Nguyên nhân là khả năng chi tiêu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng và doanh nghiệp tiết kiệm hơn khi mua giỏ quà Tết tặng nhân viên.

Bản thân ông Sang cũng chỉ tái khởi động 50% năng lực sản xuất. “Mình không dự đoán được tình hình dịch sắp tới ra sao nên phải thận trọng khi tung ra sản phẩm, chỉ tập trung sản xuất các mặt hàng truyền thống, thật sự cần thiết”, ông nói và cho biết sẽ không tăng giá trong dịp Tết này vì phải giữ chân khách hàng.

Acecook Việt Nam cũng có kế hoạch tương tự, theo lời Tổng giám đốc Kajiwara Junichi, không tăng giá ít nhất cho đến Tết Nguyên đán. Vị này cho hay chi phí của nhiều loại nguyên vật liệu và nhiên liệu đã tăng từ năm ngoái và đặc biệt là năm nay đã tăng rất cao.

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, nói sức mua tại hệ thống siêu thị này 11 tháng qua giảm so với cùng kỳ 2020, nhưng dự báo sắp tăng nhiều nhờ các chương trình kích cầu. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận những xu hướng tiêu dùng mùa Tết này, là những thách thức mới cần nắm bắt.

Khách hàng sẽ chú trọng những sản phẩm liên quan sức khoẻ hơn. Tết này, họ cũng sẽ không du lịch nhiều mà dành thời gian cho gia đình. Ngoài ra, họ thanh toán không tiền mặt và mua qua thương mại điện tử nhiều hơn.

“Chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu tích cực, nếu nắm bắt được thì có thể đột phá”, ông Furusawa Yasuyuki nói.

Chủ tịch FFA nhận định thời gian tới, các doanh nghiệp, nhất là nhóm vừa và nhỏ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo bà Chi, sau các đợt dịch, hầu hết doanh nghiệp đều hụt vốn tái sản xuất. Vốn dự trữ trước đó đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh khi duy trì sản xuất, đảm bảo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho TP HCM trong thời điểm giãn cách. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần vay thêm.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14, cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ gốc, lãi của khoản nợ, miễn giảm lãi, phí. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp. Rào cản lớn nhất là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường. Theo bà Chi, mức giảm lãi suất còn thấp cũng là rào cản.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), cho rằng doanh nghiệp lương thực thực phẩm cần nhất lúc này là các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác tốt thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Theo VNE