Không nằm ngoài sự càn quét của cơn bão dịch, ngành kinh doanh khách sạn đang “ngấm đòn” và khẩn khoản mong Chính phủ có quyết sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
Dịch bệnh COVID -19 đang gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn nói riêng.
Đa phần các doanh nghiệp trên toàn quốc đang gắng gượng để tồn tại và buộc phải thực hiện các biện pháp không mong muốn như cắt giảm nhân sự, chi phí đầu tư và cho đóng cửa tối đa các dịch vụ đi kèm. Bởi đây là ngành nghề kinh doanh có doanh thu chủ yếu phụ thuộc vào thị trường, kinh phí đầu tư về mặt bằng, duy trì hoạt động rất lớn.
Do đó vào thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay, hơn lúc nào hết, ngành khách sạn mong mỏi chính sách ứng cứu kịp thời từ Chính phủ.
Thiệt hại to lớn
Chia sẻ về những thiệt hại vừa qua, Ông Lê Đức Phong – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Daeha ( Khách sạn Daewoo Hà Nội) cho biết: Là khách sạn thuộc tốp 5 sao lớn tại Hà Nội, Daewoo đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy phòng đang ở mức dưới 20% – mức thấp nhất trong suốt quá trình 24 năm hoạt động của khách sạn. Các nhà hàng của Hà Nội Daewoo vốn là điểm đến yêu thích của nhiều thực khách tại Hà Nội thì giai đoạn này cũng rất vắng do người dân chủ động hạn chế đi lại để phòng dịch.
Tỷ lệ lượng khách sụt giảm đột ngột khiến doanh thu khách sạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng… “Tuy nhiên đó chỉ là phần nổi của những khó khăn mà các khách sạn như chúng tôi phải đối mặt. Khó khăn nhất lúc này là làm thế nào để đảm bảo an toàn cho toàn bộ nhân viên cũng như cho khách lưu trú tại khách sạn? Làm thế nào để duy trì công việc và thu nhập cho hơn 600 cán bộ nhân viên đã và đang đồng hành cùng khách sạn suốt thời gian qua? Đó là những trăn trở lớn nhất đối với chúng tôi vào lúc này“? – Ông Phong nói.
Đồng quan điểm bà Phạm Thị Hằng, chủ khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel, ngậm ngùi chia sẻ: “Sau hơn 2 tháng vật lộn với các phương án cầm cự để khắc phục tổn thất, cuối tháng 2 vừa qua khách sạn buộc phải đóng cửa, bởi doanh thu của khách sạn không đủ để thanh toán tiền điện, chứ đừng nói đến việc chi trả mặt bằng và lương nhân viên. Đến nay gần 3 tháng chống trọi, không lợi nhuận, công ty đã thâm hụt đến 20 tỉ đồng, đây là con số tiền bằng cả đời tích góp”- bà Hằng nghẹn giọng nói.
Ngoài ra các khách sạn trên phố Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Đinh Lễ, quận Hoàn Kiếm… cùng chung hoàn cảnh trên, phương án đưa ra để họ tồn tại bằng cách giảm giá phòng đến 60%, được coi là là mức giảm mạnh chưa từng có tính từ khi hoạt động.
Cùng hoàn cảnh trên, một ông chủ một khách sạn lớn trên đường Lê Đức Thọ, Cầu giấy cho biết, khách sạn 5 sao của ông chủ yếu đón tiếp khách nước ngoài như Anh, Pháp, Nhật, Hàn với chi phí đầu tư khách sạn lớn, hiện nay các nước phải đối mặt với dịch COVID-19, nên tất cả đều hủy phòng, khiến khách sạn cũng rơi vào tình thế vô cùng khó khăn.
Cần quyết sách “khẩn” cứu doanh nghiệp
Ông Phong cho biết, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thực sự là một thảm hoạ cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và ngành công nghiệp không khói nói riêng. Trước thực trạng số ca nhiễm tăng nhanh, lệnh dừng cấp visa được nhiều quốc gia áp dụng đồng thời, không ít cơ sở lưu trú không đủ nội lực đã phải tạm đóng cửa để bảo toàn vốn, giảm thiểu thiệt hại.
“Lúc này, tôi nghĩ ban lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn cần sẵn sàng tâm thế bình tĩnh để đối mặt với mọi kịch bản, mọi tình huống”, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Daeha chia sẻ, đồng thời đánh giá: “Giai đoạn vàng chống dịch cũng là cơ hội để chúng ta tiến hành rà soát và kiện toàn các chính sách, quy trình quản lý, vận hành; triển khai kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cũng như tập trung công tác đào tạo nhân viên để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng khi thị trường quay trở lại”.
Để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế cũng như giúp các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 có đủ sức mạnh vượt qua khó khăn ông Phong đề xuất, kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cùng các bộ, ban ngành có liên quan cho phép Giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế VAT và các loại thuế khác; Chậm nộp thuế TNDN, thuế VAT năm 2019, lùi sang quý III hoặc quý IV/2020; Miễn lãi suất nộp chậm thuế; Miễn đóng BHXH trong thời gian dịch bệnh. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chi trả tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc do bất khả kháng từ dịch bệnh; Miễn thuế Thu nhập cá nhân cho người lao động; Giảm giá điện, nước; giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay; Hỗ trợ vốn vay với doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp/ gián tiếp bởi dịch.
“Bên cạnh đó, chúng tôi rất mong muốn Chính phủ đẩy mạnh các chương trình quảng bá vĩ mô để khách du lịch trong, ngoài nước thấy Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là một điểm đến an toàn, thân thiện có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp” – Ông Phong đề xuất.
Cũng chịu thiệt hại bởi COVID-19, doanh nhân Lê Xuân Vinh – CEO Hanoi La Storia Hotel đề xuất: “Hiện nay, không chỉ riêng doanh nghiệp của tôi mà tất cả những doanh nghiệp kinh doanh khách sạn khác ở khu vực phố cổ đều mong chờ nhà nước có thêm chính sách và tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp nói riêng và du lịch Hà Nội nói chung phục hồi trong khoảng thời gian khó khăn này. Chúng tôi mong muốn giá tiền thuê nhà trong thời gian này giảm xuống và ngân hàng có thể khoanh lãi trong 6 đến 9 tháng, khi tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng. Khó khăn đến mấy tôi cũng quyết không bỏ cuộc vì còn rất nhiều nhân viên đang chờ khách sạn đứng dậy.”
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, trước khó khăn chung của ngành du lịch, các lĩnh vực như lữ hành, lưu trú cần có những giải pháp phù hợp, đặc biệt trong vấn đề tổ chức nhân sự để chuẩn bị cho giai đoạn hồi phục thị trường. Các cơ sở lưu trú cần cân nhắc việc cắt giảm nhân sự thời điểm này để tránh lãng phí nguồn lao động đã được đào tạo.
Cũng theo người đứng đầu ngành du lịch Thủ đô, kinh nghiệm từ dịch SARS cho thấy, du khách nội địa có khả năng khôi phục sau 2 tháng, thị trường quốc tế sau khoảng 6 tháng, nếu chúng ta triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, đồng bộ ngay từ bây giờ. “Nhiệm vụ kép của ngành “kinh tế xanh” Hà Nội lúc này là phòng, chống dịch và duy trì các hoạt động, dịch vụ phục vụ du khách cũng như xây dựng các sản phẩm mới chất lượng, hấp dẫn, góp phần khẳng định và quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn ngay trong giai đoạn này và cả sau khi hết dịch” – ông Hải nhấn mạnh.
Theo Enternews.vn