Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án để đón sóng phục hồi

Theo ý kiến của các chuyên gia, để đón sóng hồi phục hoạt động vào dịp cuối năm và năm 2022, bên cạnh sự hỗ trợ tín dụng từ phía Nhà nước và ngân hàng, doanh nghiệp cần chủ động đánh giá tình hình, lên phương án thích hợp để tạo ra dòng tiền bền vững, thay vì chỉ trông chờ vào hỗ trợ từ ngân hàng và Nhà nước.

Hết giãn cách, doanh nghiệp vẫn gặp khó vì chi phí tăng cao. Ảnh: DNSG.

Kết thúc đợt giãn cách xã hội, cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM đã và đang bắt đầu từng bước nối lại hoạt động, nỗ lực tranh thủ cơ hội đón sóng phục hồi, đặc biệt tranh thủ tận dụng dịp cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Tuy nhiên, dù Nhà nước đã đưa ra quan điểm sống chung với Covid-19, doanh nghiệp vẫn gặp phải rất nhiều vướng mắc để đưa sản xuất, kinh doanh trở lại. Cụ thể, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – điện TP.HCM (HAMEE) cho biết, vướng mắc chính hiện nay là việc xuất hiện các ca F0 ở khâu sản xuất, điều chắc chắn không thể tránh khỏi khi từ bỏ chiến lược “zero Covid-19”.

Sự xuất hiện của các ca nhiễm khiến doanh nghiệp phải tiêu tốn thêm chi phí xét nghiệm cho nhân viên, thậm chí còn nhiều hơn cả xét nghiệm trong giãn cách. Một số công nhân viên cũng có mong muốn được ở lại cơ quan, công xưởng để đảm bảo an toàn cho gia đình.

Chi phí y tế cùng chi phí nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng cao, theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang nỗ lực sản xuất, kinh doanh nhưng không có lãi, chỉ cố gắng đảm bảo thực hiện các đơn hàng đã ký và chuẩn bị cho năm 2022.

Mặt khác, một số doanh nghiệp tỏ ra vô cùng ngần ngại khi chi phí đầu vào vượt quá khả năng. Một số doanh nghiệp trong bối cảnh giãn cách đã trả mặt bằng, chuẩn bị rời bỏ thị trường, đến nay dù mong muốn trở lại nhưng cũng không biết phải làm thế nào để trở lại. Bài toán đặt ra là phải tái cơ cấu, chọn lại thị trường, chọn lại sản phẩm, tìm phương thức kinh doanh mới nhưng lại không có tài chính để thực hiện.

Bài toán về nhân công cũng là thách thức đáng ngại đối với doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều giải pháp đã được triển khai như gửi thư mời, tổ chức xe đón người lao động, kết hợp với địa phương để triển khai tiêm đủ 2 mũi vaccine, tuy nhiên vấn đề chỉ được giải quyết phần nào ở nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn.

Theo ông Hưng, doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh gia đình rất khó đưa lao động trở lại vì thực tế là không còn ngân sách để đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động. Lúc này, sự hỗ trợ từ phía chính sách là đặc biệt cần thiết.

Thực tế, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Đại diện HUBA nhận xét, chính sách này “rất tốt nhưng thủ tục khó quá”.

“Giờ bắt doanh nghiệp phải xác định người lao động làm việc bao lâu, doanh nghiệp thiệt hại bao nhiêu, người lao động được đóng bảo hiểm chưa… rất rắc rối. Chính sách nên có sự thông cảm và thấu hiểu cho doanh nghiệp”, ông Hưng cho biết.

Doanh nghiệp cần “tự thân vận động”

Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Bản Việt cho biết, ngân hàng luôn theo sát và thấu hiểu những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tiếp cận vốn vay trong bối cảnh khó khăn chưa từng có tiền lệ như hiện nay.

Song song với các chính sách từ phía Nhà nước, ngân hàng Bản Việt cũng như một số ngân hàng khác đã có nhiều sự chủ động để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Nhân cho biết, hiện nay việc yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, có phương án dòng tiền là rất khó, do vậy ngân hàng Bản Việt đang tìm cách để đưa ra giải pháp nới lỏng hơn điều kiện cho doanh nghiệp.

Về cơ cấu nợ, Bản Việt cũng thực hiện trên tinh thần của Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời chủ động cơ cấu thêm khoảng 5 – 10% nợ cho doanh nghiệp, thể hiện sự chia sẻ đối với những nhu cầu thiết yếu để doanh nghiệp có thể phục hồi.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đóng vai trò là người tư vấn, đưa ra định hướng để xác lập lại thị trường và hoạt động của doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng không kém việc tiếp cận vốn bởi thị trường vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn và rủi ro chưa thể lường trước.

Đánh giá cao tinh thần chia sẻ khó khăn của ngân hàng Bản Việt cũng như cộng đồng ngân hàng, ông Hưng nhận xét, sự hỗ trợ từ phía ngân hàng chỉ đóng vai trò là điều kiện cần. Doanh nghiệp không thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân hàng hay Nhà nước, mà phải có những hành động cụ thể, “tự thân vận động”.

“Doanh nghiệp muốn được đồng hành, muốn vượt qua khó khăn thì cần phải có sự rõ ràng, có lỗ thì báo lỗ, sau đó phải có phương án thiết thực, rõ ràng để phục hồi”, Phó chủ tịch HUBA nhấn mạnh.

Theo đó, khi xây dựng kế hoạch đón sóng phục hồi, doanh nghiệp cần tránh tuyệt đối suy nghĩ mang tính “mơ tưởng”, không thực tế mà cần phải nghiêm chỉnh, rõ ràng và chắc chắn tạo ra được dòng tiền trả nợ.

Mặt khác, sự biến động này cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự xem xét mình, từ đó tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ định vị lại thị trường, lao động, sản phẩm cho tới tài chính.

Có được sự chủ động này, việc tiếp cận vốn không phải là điều quá mức khó khăn. Thực tế, ngân hàng cũng được coi là một loại doanh nghiệp, khi nới lỏng các điều kiện cho vay cũng đang là tự gánh thêm phần rủi ro. Vì vậy, doanh nghiệp cũng phải thể hiện ra trách nhiệm đối với hệ thống ngân hàng.

Đồng quan điểm với ông Hưng, ông Tống cũng đặc biệt lưu ý, nếu không có kế hoạch rõ ràng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, việc vay thêm vốn thực tế là thêm khó khăn, thêm gánh nặng chứ không phải là “phao cứu sinh”.

Theo The Leader