Cắt giảm nhân sự là lựa chọn bất khả kháng và trở thành nỗi ám ảnh với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19, phương thức và cách xác định nhân sự để cắt giảm không phải doanh nghiệp nào cũng có kinh nghiệm thực hiện.
“Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới cả đầu vào và đầu ra trong hoạt động kinh doanh, áp lực doanh nghiệp phải tính tới bài toán chi phí,” ông Phan Sơn – chuyên gia quản trị nhân sự, nguyên quản lý nhân sự VinGroup nói tại sự kiện Đi làm hậu cách ly – tiếp lửa cho nhân sự” do Acheckin tổ chức sáng 5.5.
Dịch bệnh bùng nổ đang tạo ra cú sốc chưa từng có tới nền kinh tế, đẩy nhiều doanh nghiệp vào con đường chật vật để tồn tại. Chỉ trong tháng Tư, Tổng cục Thống kê ghi nhận 4.121 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 68,1% so với tháng Ba và cao hơn 65,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các đại diện doanh nghiệp chia sẻ, trước tiên cần tối ưu hóa chi phí từ các hoạt động không cần thiết, chẳng hạn như chi phí đi lại, phụ cấp điện thoại, sau đó mới bắt đầu cắt giảm nhân sự.
“Khi khí cầu sắp rơi thì phải hy sinh bỏ bớt nhiều thứ. Nhân sự lõi của công ty thường chỉ chiếm khoảng 10-20%, còn lại là những cành lá phát triển chung quanh. Dịch bệnh là lúc ta phải ‘tỉa bớt’ những nhánh cây ít hiệu quả,” ông Nguyễn Đình Thành – đồng sáng lập và giám đốc quản lý của Elite PR School nhận định.
Các chuyên gia đều đồng tình việc xác nhận nhân sự chủ chốt và cắt bỏ phần còn lại chỉ hiệu quả khi trước đó doanh nghiệp liên tục đánh giá kết quả làm việc của đội ngũ theo từng thời kỳ và dự án.
Với trường hợp các doanh nghiệp trước nay chưa coi trọng các phương pháp đánh giá đội ngũ nhân viên như KPI hay OKR (*), trong lần khủng hoảng này là cơ hội để thực hành đánh giá khả năng của toàn bộ mắt xích trong bộ máy công ty.
“Nhân sự phải xây dựng bộ khung đánh giá ít nhất 6 tháng/lần để nhìn ra những nhân viên nào không chịu cải thiện. Khi đánh giá đã rõ ràng thì nhân viên sẽ tự nhận biết khả năng của mình, đồng thời doanh nghiệp sẽ biết mình cần thả bao cát nào khi khinh khí cầu chao nghiêng vào lần sau,” ông Thành giải thích.
Khi cắt giảm nhân sự, việc quan trọng cần chú ý là cách thức truyền đạt thông điệp, theo chuyên gia quản trị nhân sự Phan Sơn. Trước đó lãnh đạo cần phải chuẩn bị tinh thần cho nhân viên, thông báo trước về những những thách thức tổ chức đang đối mặt, đồng thời đề ra các kịch bản hành động tùy theo từng mức độ nghiêm trọng: dịch kéo dài 3 tháng, 6 tháng hay một năm.
Các chuyên gia nhấn mạnh khủng hoảng như Covid-19 là điều không thể tránh khỏi và có thể lặp lại trong tương lai, vậy nên bài học quan trọng nhất các doanh nghiệp cần làm là chuẩn bị cho những kịch bản tương tự ngay từ lúc này, cả về vật chất lẫn tinh thần, để không lúng túng và nhanh chóng quay trở lại cuộc chơi khi cần.
Nhìn sang bức tranh lớn, ông Nguyễn Thành Nam – nhà sáng lập FUNiX trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT, cho rằng dịch bệnh lần này sẽ tạo ra một trào lưu mới, tại đó nhân sự có thể làm việc cho nhiều doanh nghiệp cùng lúc.
Theo ông, trào lưu này đặc biệt có ý nghĩa với những ngành nghề đang “khát” nhân sự có trình độ, chẳng hạn như IT. “Việc doanh nghiệp từ bỏ tư tưởng sở hữu nhân viên là một việc khó, nhưng nó có thể cải tiến hiệu suất của nhân viên và giúp tăng nguồn lực nhân sự cho ngành,” ông Nam chỉ ra.
Trong lúc này, Covid-19 cũng đang nhào nặn lại nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, khi lúc này phẩm chất lý tưởng của nhân viên lần lượt sẽ là khả năng thích nghi linh hoạt với môi trường làm việc thay đổi, tinh thần trách nhiệm cao và luôn xem công việc là bộ mặt của chính bản thân, ông Nguyễn Đình Thành nhận định.
Theo FosberVietnam