Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế, việc xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp có được tấm vé thông hành ra thị trường quốc tế.
Theo PGS.TS Phan Đăng Tuất – Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp, ẩn sau chữ thương hiệu là các sản phẩm, các doanh nghiệp, tập đoàn. Ông lấy ví dụ, Mercedes-Benz không phải một hãng, mà là một thương hiệu. Mercedes-Benz có nhiều nghìn doanh nghiệp liên kết, cung cấp dịch phụ, sản phẩm phụ trợ và trở thành một chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Thực tế, Mercedes-Benz chỉ là tên một thương hiệu sản phẩm của tập đoàn Daimler AG. Vì vậy, ở Việt Nam, câu chuyện không dừng lại ở xây dựng thương hiệu theo hàng dọc hay hàng ngang, mà quan trọng hơn là thực hiện theo phương thức gì.
Nhận thức đúng về giá trị thương hiệu
Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, các doanh nghiệp Việt hiện nay đang trong giai đoạn chuyển đổi về thương hiệu vì vậy chúng ta cần có nhận thức đúng về giá trị thương hiệu, đặc biệt lãnh đạo doanh nghiệp càng cần nhận thức rõ hơn về vấn đề này.
Theo ông Trường, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong vấn đề thương hiệu Việt. Đó là vấn đề quy mô nhỏ, đơn lẻ, vấn đề chất lượng, an toàn, năng lực chế biến, khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…
Cùng với đó, việc kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và thương mại hiện nay còn rất hạn chế. Chúng ta còn yếu và thiếu năng lực phát triển thương hiệu. Nếu nhận thức thương hiệu là công cụ kinh doanh thì doanh nghiệp phải biết mài sắc nó.
Điểm yếu trong kết nối của doanh nghiệp Việt là câu chuyện thời gian và nguồn lực cho kết nối thương hiệu Việt. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần có nhận thức đúng và chiến lược để xây dựng thương hiệu.
“Có thực tế thú vị rằng lãnh đạo cơ quan thích gì thì nhân viên sẽ thích theo cái đó nên nếu làm thương hiệu tốt từ chủ doanh nghiệp thì nhân viên cũng sẽ làm theo. Nếu không quan tâm tới thương hiệu thì chúng ta không thể có thương hiệu của Việt Nam” ông Trường cho biết.
Việc xây dựng, phát triển thương hiệu không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai mà nó cần có quá trình và theo từng bước cụ thể. Không chỉ là tác động một chiều mà nó là sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể và lộ trình để xây dựng thương hiệu cũng như phải tạo ra những điểm khác biệt cho thương hiệu của mình. Phải chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu ngay từ khi mới thành lập và khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm cũng như khả năng gắn kết vào tâm trí người tiêu dùng từ hoạt động quảng cáo. Để phát triển thương hiệu không thể làm một mình mà nó là nỗ lực chung của cả một tập thể.
Là doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc dự án Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là rất quan trọng. Ngay từ khi Vinasamex thành lập đã rất quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu vì các sản phẩm của Vinasamex chủ yếu là xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Cùng với đó, Vinasamex cũng xác định phải đồng hành, hỗ trợ bà con thực hiện theo đúng các quy trình cam kết để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường quốc tế. Đối với người nông dân Vinasamex luôn cam kết đầu ra cho bà con khi bà con tham gia hệ thống của công ty.
Ngoài ra, “nếu các sản phẩm có chất lượng tốt nhưng công tác làm thương hiệu không tốt, không quảng bá tốt thì cũng không thể vào được các thị trường quốc tế. Khách hàng quốc tế biết tới chúng tôi là nhờ vào thương hiệu của chúng tôi” ông Minh nói.
Liên kết cùng phát triển
Nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện nay ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Vingroup cho rằng, ai cũng biết là sức cạnh tranh hết sức yếu, và có rất nhiều cách để khắc phục, chẳng hạn như có chính sách nhà nước. Thế nhưng, từng doanh nghiệp cần phải có ý thức và biện pháp để vươn lên, một trong những vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp cần liên kết với nhau.
Ông Hiệp chia sẻ, Vingroup ngay từ đầu đã ý thức việc xây dựng thương hiệu. Trong 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, có 3 thương hiệu của Vingroup góp mặt là Vinhomes, Vincom Retail, Vincommerce, hiện có giá trị nhiều triệu USD.
“Bản thân Vingroup luôn ý thức là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu, luôn cố gắng vươn lên chiếm lĩnh vị trí tiên phong, mặt khác dẫn dắt các thương hiệu các cùng vươn lên. Bởi nếu chỉ có 1 doanh nghiệp thì Việt Nam khó mà phát triển được, và các doanh nghiệp cần đồng hành cùng nhau”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp chia sẻ, đối với lĩnh vực nông nghiệp, Vineco lúc đầu xây dựng 1 mình, sau một thời gian ngắn đã điều chỉnh để liên kết với các doanh nghiệp và nhà sản xuất lớn tại Việt nam.
Hiện nay Vingroup đang liên kết với 1.000 doanh nghiệp tuy nhiên cần cam kết, nếu họ làm đúng quy trình, sản phẩm luôn tốt thì Vingroup sẽ đưa sản phẩm của họ vào hệ thống Vinmart tiêu thụ.
Cùng với đó, có hơn 250 thương hiệu đang tham gia vào chuỗi Vinmart, được hỗ trợ về mặt công nghệ, vốn, đặc biệt Vingroup bán hàng không thu chiết khấu.
Đối với VinFast, theo ông Hiệp, mục tiêu lớn nhất của VinFast theo Chủ tịch Phạm Nhật Vượng hướng đến là ngành sản xuất ô tô chính là mũi nhọn ngành công nghiệp, nếu thành công sẽ đẩy mạnh đượi nền kinh tế công nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Hiện tại, Vingroup đang kết hợp với các nhà sản xuất ô tô các nước, mục tiêu lâu dài là chuyển sang liên kết với các nhà sản xuất của Việt Nam. “Thậm chí, trong chính sách của tập đoàn chúng tôi có 1 bộ phận quan trọng lo việc nội địa hóa”, ông Hiệp nói.
Theo Enternews.vn