Tập trung hay đa dạng hóa sản phẩm là bài toán chiến lược mà các doanh nghiệp luôn “đau đầu” khi tìm lời giải. Thế nhưng, trong lĩnh vực du lịch, hướng đi dường như khá rõ ràng. Câu chuyện về thành công của những điểm đến “3 trong 1” là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh cộng hưởng từ những mắt xích trong cùng một hệ sinh thái của những đơn vị đầu tư, khai thác du lịch bền vững.
Quyền lực của những điểm đến “vạn năng”
Báo cáo du lịch toàn cầu năm 2018 của Visa cho thấy, mục đích chủ yếu của các chuyến du lịch là gắn kết mối quan hệ. Cũng trong năm 2018, hiệp hội Thương mại Du lịch Anh (ABTA) công bố, du khách có xu hướng du lịch với mật độ thường xuyên hơn. 71% khách du lịch trong số đó có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho kỳ nghỉ của họ.
Những số liệu này có ý nghĩa thế nào đối với chiến lược phát triển thương hiệu của một điểm đến?
Thứ nhất, hiểu rõ động cơ của chuyến đi, các nhà phát triển du lịch sẽ tìm được cách thỏa mãn tối đa nhu cầu của du khách. Hãy thử tưởng tượng, người phụ nữ với vai trò là người lập kế hoạch cho chuyến đi gắn kết gia đình sẽ chọn lựa điểm đến như thế nào khi mỗi thành viên có một nhu cầu khác nhau?
Một điểm đến thỏa mãn được cái thú du lịch mạo hiểm của ông chồng ưa thử thách thì có đủ tiện nghi cho đứa con út còn đang trong độ tuổi ăn dặm? Nếu chuyến du lịch wellness có khả năng làm vừa lòng ông bà, điểm đến đó liệu có đủ sôi động và náo nhiệt nhằm thỏa mãn tâm hồn sống động của những đứa trẻ trong độ tuổi thiếu niên?
Điều này có nghĩa là, những điểm đến có khả năng đáp ứng được nhu cầu của tất cả thành viên trong chuyến đi sẽ dễ dàng lọt vào danh sách được lựa chọn.
Thứ hai, khi điểm đến đáp ứng được nhu cầu của càng nhiều đối tượng du khách, thời gian lưu trú của họ tại địa phương càng tăng. Đơn cử như tại Đà Nẵng, du khách lưu trú trung bình đạt 4,5 ngày/người. Trong khi đó, tại Quy Nhơn do chưa theo kịp tiến độ đầu tư du lịch như Đà Nẵng thì một kỳ nghỉ trung bình của du khách chỉ kéo dài trong 2,1 ngày/người (Theo số liệu của Cục Thống kê Bình Định). Kỳ nghỉ được kéo dài cũng đồng nghĩa với việc mức chi tiêu của du khách tại quốc gia/địa phương ấy theo đó mà tăng lên.
Những Tập đoàn phát triển du lịch và bất động sản du lịch hàng đầu thế giới không bỏ qua điều này. Họ đều hiểu rằng, khả năng đa dạng hóa trải nghiệm của du khách quyết định thành bại của điểm đến. Bởi vậy, thành công của những Tập đoàn toàn cầu như Accor có sự đóng góp không nhỏ của chiến lược đa dạng hóa sản phẩm.
Nếu Pullman là dòng khách sạn cao cấp phục vụ tầng lớp doanh nhân, chính trị gia, Novotel Suite phục vụ đối tượng khách gia đình với sự chu toàn, tiện nghi thì Ibis đầy “cá tính” lại hướng tới phục vụ nhóm du khách trẻ luôn có khao khát khẳng định bản thân.
Những hành trình và điểm đến “3 trong 1”
Trưởng thành 20 năm từ dịch vụ du lịch quốc tế, Crystal Bay cũng là một trong những Tập đoàn nhanh nhạy nhất với những xu hướng du lịch mới trên thế giới. Hơn ai hết, họ hiểu rằng nếu mật độ du lịch của khách ngày càng tăng, phải có điều gì mới lạ khiến du khách muốn quay lại một điểm đến thêm nhiều lần nữa. Sản phẩm du lịch “Một kỳ nghỉ nhiều vùng di sản” vì thế mà ra đời.
Trong đó, tại mỗi điểm đến Vân Đồn – Nha Trang – Ninh Thuận, hệ sinh thái của Tập đoàn đều có khả năng đáp ứng 3 nhóm nhu cầu chính của các đối tượng du khách khác nhau: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm (văn hóa, thiên nhiên, con người) và du lịch giải trí. Đơn cử, trong quá trình triển khai Tổ hợp du lịch SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang với 3.300 phòng khách sạn 5 sao, Crystal Bay cũng đồng thời hình thành được các tour du lịch trải nghiệm địa hình sa thảo độc đáo chỉ có tại Ninh Thuận, đi kèm theo đó là hệ thống 101 tiện ích, dịch vụ đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế.
Việc hình thành những điểm đến “3 trong 1” không chỉ cho thấy tầm nhìn xa bắt nhịp cùng xu hướng du lịch quốc tế, mà còn cho thấy chiến lược phát triển sản phẩm bền vững của Crystal Bay. Những điểm đến “vạn năng” tự thân nó đã có năng lực thu hút du khách. Tuy nhiên, điểm mấu chốt không nằm ở đó. Các điểm đến này đều được lên ý tưởng, phát triển và vận hành bởi Tập đoàn có bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành du lịch và đang bắt kịp với xu hướng du lịch thế giới.
Lĩnh vực kinh doanh của Crystal Bay bao trùm cả một hệ sinh thái gồm phát triển bất động sản du lịch – vận hành và lữ hành. Trong đó, mỗi khâu là một mắt xích quan trọng khiến mỗi dự án của Tập đoàn đã là một bộ máy hoàn chỉnh sẵn sàng vận hành trơn tru từ khâu lên ý tưởng mà không cần thụ động trông chờ bất kỳ một tác động nào từ bên ngoài.
Với những mắt xích dịch vụ và điểm đến hoàn chỉnh, SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang được lên ý tưởng và xây dựng với mục đích chính là phục vụ dòng khách quốc tế sẵn có của Crystal Bay. Năm 2018, Crystal Bay đã đưa 60% lượng du khách Nga tới Việt Nam thông qua 18 máy bay charter, sử dụng 4,3 triệu phòng/đêm của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc. Hiện nay, Crystal Bay đang mở rộng dịch vụ du lịch lữ hành tới các vùng lãnh thổ Ấn Độ và Đông Bắc Á để đẩy mạnh dòng khách quốc tế về Việt Nam.
Những điểm đến sở hữu lợi thế “3 trong 1” được phát triển và vận hành bởi tập đoàn đầu tư, phát triển du lịch bền vững là cơ sở vững chắc để tin rằng giấc mơ cán mốc 18 triệu lượt khách của ngành Du lịch Việt Nam với những cực phát triển mới như Ninh Thuận sẽ được hiện thực hóa trong tương lai rất gần.
BÌNH YÊN
Theo VnEconomy