Chưa có ngân hàng bị lỗ và ghi nhận lợi nhuận quý 3/2019 giảm so với cùng kỳ. Thậm chí, nhiều ngân hàng có kết quả tăng trưởng lợi nhuận tính theo cấp số nhân.
Thống kê từ BCTC các ngân hàng cho thấy trong quý 3/2019, phần lớn các ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn so với 2 quý đầu năm 2019. Trong đó, nhiều ngân hàng còn tăng trưởng theo cấp số nhân và chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng nhỏ.
Mức tăng trưởng cao nhất – 54 lần là ở MSB. Trong quý 3/2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này tăng đột biến, đạt 497 tỷ đồng, gấp 23 lần mức đạt được cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ, tăng tới 54 lần. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng này cũng tăng rất cao (267%) đạt hơn 1.000 tỷ.
Việc lợi nhuận của MSB tăng đột biến trong quý 3 chủ yếu do thu nhập lãi thuần tăng vọt 58% so với cùng kỳ đạt 864 tỷ. Ngoài ra, lãi từ hoạt động khác còn tăng tới 376% đạt 463 tỷ, trong đó phần lớn là nhờ khoản thu nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Hay tại ABBank, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý 3 đạt 338 tỷ, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ; lãi ròng đạt 248 tỷ, tăng 2,3 lần. Kết quả này có được là nhờ ngân hàng ghi nhận lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 195 tỷ đồng, tăng tới hơn 35 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần, hoạt động kinh doanh ngoại hối và lãi từ hoạt động khác cũng có kết quả khả quan, tăng trưởng khá cao.
Trong khi những ngân hàng trên có tăng trưởng đột biến ở quý 3 nhờ nguồn thu lãi từ hoạt động khác, chủ yếu là từ nợ đã được xử lý; một số khác lại nhờ cắt mạnh chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro. Tại VietABank, việc nguồn thu từ các mảng kinh doanh chính là tín dụng kém khả quan hơn đã khiến tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này bị sụt giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ việc chi phí hoạt động giảm 1,4%, chi phí dự phòng rủi ro giảm 35,6% đã giúp lợi nhuận trước thuế quý 3 đứng ở mức 50 tỷ, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.
Tương tự, tại Saigonbank và PGBank, mặc dù hoạt động kinh doanh không mấy khởi sắc nhưng việc cắt giảm trích lập dự phòng đã giúp LNST của 2 ngân hàng này lần lượt tăng tới 32 lần và 8 lần so với cùng kỳ, đạt 127 tỷ đồng và 56 tỷ đồng.
Một ngân hàng nhỏ khác nữa là VietBank. Trong quý 3, hầu hết các mảng kinh doanh của ngân hàng đều có lãi khả quan giúp tổng thu nhập hoạt động tăng 50% so với cùng kỳ đạt 458 tỷ đồng. Chi phí hoạt động gần như không tăng, chi phí dự phòng tăng nhưng cũng ở mức rất thấp, chỉ 15 tỷ. Theo đó, LNTT của VietBank trong quý 3 đạt 180 tỷ, tăng 79%; LNST đạt 143 tỷ, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ.
Với quy mô lợi nhuận còn khiêm tốn nên chỉ cần có khoản thu đột biến ở mảng kinh doanh phi tín dụng hoặc giảm trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ dễ dàng tăng trưởng theo cấp số nhân trong một thời gian ngắn.
Đáng chú ý là một số ngân hàng lớn cũng có tăng trưởng lợi nhuận rất cao. Chẳng hạn tại Sacombank, LNST quý 3/2019 của ngân hàng đạt 772 tỷ, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ. Động lực chính là thu nhập lãi thuần tăng tới 41% và ngân hàng thậm chí còn giảm nhẹ chi phí dự phòng rủi ro nhờ nợ xấu chuyển biến tích cực.
Các ngân hàng lớn khác, không đến mức tăng trưởng theo cấp số nhân nhưng với quy mô lớn thì mức tăng trên 50% (tức tăng gấp rưỡi) cũng đã được xem là rất cao. Trong đó có thể kể đến Vietcombank có LNTT quý 3 tăng 72%, VPBank tăng 63%, VIB tăng 70%,…
Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận quý 3 của các ngân hàng “sáng” hơn so với 2 quý đầu năm, phần vì đây là giai đoạn bước vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận ngân hàng nào có tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý 3 và ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất là BIDV với mức tăng chỉ 1,5% đối với LNTT.
Diệp Trần
Theo Trí thức trẻ