Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Dệt may, da giày, thủy sản cùng kêu cứu vì dịch COVID-19

Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, thủy sản đã bị hủy, hoãn giao hàng, không kí tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản vì dịch COVID-19.

Ngày 30/3, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) vàHiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… đề xuất kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản, dệt may, da giày

Theo công công văn, ngành dệt may, da giày và thủy sản hiện là ba trong các ngành kinh tế chủ chốt với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt gần 80 tỉ USD, tạo ra gần 8 triệu việc làm cho người lao động trên cả nước.

Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn thế giới. Đặc biệt dịch bệnh đã bùng phát và trở thành tâm điểm tại các quốc gia như: Trung Quốc, EU, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản…

Đây cũng chính là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khấu dệt may, da giày và thủy sản Việt Nam tuy nhiên rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp thuộc ba hiệp hội đã bị hủy, hoãn giao hàng, không kí tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản.

Ngành dệt may, da giày và thủy sản hiện là ba trong các ngành kinh tế chủ chốt với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt gần 80 tỉ USD. Ảnh minh họa.

Trước tác động nghiệp trọng trên, cả ba hiệp hội đều kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các bộ ngành có giải pháp cấp thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cụ thể, về bảo hiểm xã hội, trước mắt cho phép doanh nghiệp và người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tùy theo tình hình tác động của dịch bệnh xin miễn đóng với mức tương ứng.

Dùng tiền kết dư của quĩ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, 50% còn lại doanh nghiệp tự lo. Đồng thời dùng tiền kết dư quĩ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp vay không lấy lãi đế chi trà các chi phí cho người lao động. 

Các hiệp hội cũng kiến nghị Quốc hội thông qua việc giảm tỉ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động vào quĩ bảo hiểm thất nghiệp từ1% xuống 0,5%.

Các hiệp hội cũng kiến nghị về miễn kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp và phí công đoàn cho người lao động trong năm 2020.

Về tiền lương cho người lao động, đại diện 3 hiệp hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn 1 trong 2 giải pháp.

Một là, nếu người lao động chấp nhận mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo mức do hai bên thỏa thuận có thể thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Hai là, đề nghị  cho phép áp dụng ngay Điều 99 của Bộ Luật Lao động 2019, trong trường hợp ngừng việc do dịch bệnh thì 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và từ ngày 15 trờ đi theo mức lương do hai bên thỏa thuận.

Về vấn đề thuế, các hiệp hội cũng kiến nghị cho phép chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2019 đến hết 2020 và không tính lãi chậm nộp. Còn thuế VAT, cần hoãn thuế VAT cho các doanh nghiệp trong năm 2020 và không tính lãi nộp chậm. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị về miễn kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp và phí công đoàn cho người lao động trong năm 2020.

Ngoài ra, cả ba hiệp hội cũng kiến nghị hỗ trợ hạ lãi suất cho các khoản đã vay trước năm 2020, cụ thể, hạ 4 – 5% đối với khoản vay VNĐ và 2 – 3% đối với đồng USD.

Các hiệp hội cũng xin giãn các khoản nợ đến hạn trong năm 2020, với thời hạn trả chậm được phép tối thiếu là 3 – 6 tháng mà không tính lãi suất chậm trả nợ.

Cũng tại công văn này, hiệp hội ngành dệt may, da giày, thủy sản đề nghị giảm giá điện, nước 30% trong năm 2020, cùng đó, đề nghị Hải Phòng giảm phí cảng biến 50% và Bộ GTVT nghiên cứu giảm 30% phí BOT từ năm 2020.

Theo VNB