Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Đến lượt tôm hùm được ‘giải cứu’ vì dịch Covid-19

Sau hàng loạt nông sản như: thanh long, dưa hấu được nhiều siêu thị giải cứu cho bà con nông dân, nay tôm hùm tại Khánh Hòa đang gặp khó vì không xuất khẩu sang Trung Quốc.

Những ngày này, tại Hà Nội, nhiều cửa hàng xuất hiện những tấm biển bán giá 299.000 đồng/con tôm hùm khiến nhiều người bất ngờ vì giá rẻ lại nhiều. Nguyên nhân bởi nhiều người nuôi tôm tại Khánh Hòa đang gặp khó khi không có thương lái đến mua tôm cho xuất khẩu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài.

Chị Thu Nga, nhân viên bán hàng tại cửa hàng hải sản trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, cửa hàng mới nhập thêm tôm hùm từ Khánh Hòa bán khoảng 1 tuần nay. Lượng tiêu thụ mạnh bởi giá tôm hùm đang rẻ và hàng tươi sống không đông lạnh.

Anh Trần Quân – CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển chia sẻ, ý tưởng bán tôm hùm hỗ trợ người nuôi xuất phát từ việc dịch Covid – 19 bùng phát khiến nhiều bà con nông dân gặp khó không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Một con tôm hùm, người dân nuôi chỉ khoảng từ 0,5- 1kg/con và không thể lớn hơn được. Nếu không tiêu thụ sớm, người nuôi tôm sẽ thiệt hại vì tốn nhiều chi phí.

“Người nông dân thích xuất khẩu bởi họ bán với số lượng lớn nhưng qua đợt giải cứu này, thị trường Hà Nội tiêu thụ số lượng lớn và nhiều cửa hàng chung tay hỗ trợ nông dân, người nuôi sẽ có cái nhìn khác về thị trường nội địa trong thời gian tới. Điều này càng giúp cho người tiêu dùng hưởng lợi vì giá tôm sẽ hạ bởi giảm chi phí vận chuyển và các thủ tục xuất khẩu khác”, anh Quân nói.

Ông T, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thủy sản cho biết, trung bình tháng 1 đầu năm, công ty xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 3 – 5 triệu USD, nhưng năm nay doanh số chỉ khoảng 450 ngàn USD… Dù đường biển hoạt động bình thường nhưng khách không chịu nhận hàng vì khi sang đến nơi bán không được, nên hàng trăm tấn tôm của công ty phải tồn kho, khiến giá sụt từng ngày. Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản và người nuôi trồng mặt hàng này cũng đang trong tình trạng khóc dở mếu dở.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết, hiện tác động của việc hủy đơn với mặt hàng thủy sản do covid- 19 chưa có, nhưng đã xảy ra tình trạng chậm và điều chỉnh đơn hàng. Các đối tác hứa ngày 16/2 mới bắt đầu nhận hàng. Khó khăn trước mắt mà các doan nghiệp gặp phải là một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận container hàng chở đi Trung Quốc, các khách hàng lớn ở Nhật Bản cũng đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc.

Số doanh nghiệp có hàng xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn hiện đang tồn kho; trong khi phía Trung Quốc, nhiều khách bán trực tiếp cho các nhà hàng đã giảm hoặc ngưng mua hàng vì không muốn mất chi phí lưu kho do hệ thống nhà hàng, cửa hàng thực phẩm đã tạm dừng hoạt động…

Ngọc Mai

Theo Tiền Phong