Tận dụng những thế mạnh về thương hiệu cũng như chuỗi cung ứng sẵn có, Tiki tự tin tung ra chương trình TikiSave với hy vọng sao chép được thành công của “tiền bối” Amazon.
Lợi ích cho mọi người
Được tung ra vào năm 2007, chương trình Subscribe & Save của Amazon cho phép khách hàng có thể dễ dàng đăng ký nhận định kỳ những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống như: Giấy toilet, nước rửa chén, kem đánh răng, tã bỉm …
Không những tiết kiệm thời gian mua sắm, Subscribe & Save còn hứa hẹn sẽ có mức giá rẻ hơn nhiều so với các trung tâm mua sắm, và thêm vào đó là dịch vụ vận chuyển miễn phí đến tận tay khách hàng.
Theo Amazon, khách hàng sẽ toàn quyền tự do quyết định sản phẩm, số lượng, tần suất giao hàng… sao cho phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng.
Không những thế, mỗi đơn hàng Subscribe & Save còn được giảm 5% so với giá bán thông thường trên website, và nếu khách hàng đặt từ 5 món trở lên, cả đơn hàng giao định kỳ sẽ được giảm tới 15% giá trị.
Có thể thấy, Tiki đã học hỏi rất tốt những điểm hấp dẫn nhất của chương trình Subscribe & Save với cam kết giảm 10% giá trị cho các đơn hàng lập lại, tận dụng lợi thế từ các sản phẩm chính hãng với giá thành tốt và khả năng giao hàng 2 giờ “không có đối thủ” tại thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, Amazon còn đi xa hơn khi cam kết giảm đến 20% cho các sản phẩm mẹ & bé như tã, bỉm, sữa bột… Hiện chương trình TikiNOW chỉ hoàn lại 10% giá trị cho đơn hàng đầu tiên, 5% cho các đơn hàng tiếp theo với giới hạn là 100.000 VNĐ mỗi tháng.
Nhưng Tiki đã nhanh chóng bù lại bằng sự linh hoạt của mình, cũng như Amazon, chương trình TikiSave hoàn toàn không có ràng buộc hoặc cam kết nào.
“Chương trình hướng đến những người phụ nữ bận rộn, không có nhiều thời gian nhưng luôn cần mua những thứ xài mỗi ngày trong gia đình. Tiki sẽ tự động nhắc nhở, tự động giao và còn giảm giá thêm. Điều này là win-win cho tất cả mọi người” – ông Trần Ngọc Thái Sơn, Chủ tịch Tiki giải thích.
Cụ thể hơn, Subscribe & Save của Amazon sẽ gửi email thể hiện sản phẩm, số lượng và giá thành (và % giảm giá) trước khi đơn hàng được giao. Từ đây, khách hàng có thể nhanh chóng dời đơn lại vào đợt sau hoặc hủy hoàn toàn đơn hàng nếu không có nhu cầu.
Xu hướng của tương lai
Mô hình “đăng ký định kỳ” của thị trường Thương mại Điện tử đã có những bước tăng trưởng vượt bậc trong những năm vừa qua. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2016 với tốc độ phát triển hơn 100% mỗi năm.
Tại trị trường Bắc Mỹ, khách hàng sử dụng dịch vụ Subscribe & Save được đánh giá là “phân khúc vàng” trong ngành bán lẻ với thu nhập cao từ 50.000 USD đến 100.000 USD mỗi năm, và nhu cầu cũng cao không kém khi đang trong độ tuổi từ 25 đến 44.
Tính đến thời điểm hiện tại, trung bình có đến 15% khách hàng thường xuyên mua sắm online chuyển sang sử dụng dịch vụ “đăng ký định kỳ”, đồng nghĩa với thị trường tiềm năng 5 triệu người Việt Nam gần như chưa được khai thác.
Và không chỉ là một sản phẩm, trung bình người dùng thường đặt tới 2 đến 3 sản phẩm cho một chu kỳ giao hàng, trong đó có 42% khách hàng nam giới có hơn 3 mặt hàng cần được giao mỗi tháng.
Trong tất cả những thương hiệu áp dụng mô hình “subscribe”, Amazon hiện đang dẫn đầu với doanh thu tăng hơn 50% trong 5 năm trở lại đây.
Tính đến năm 2017, Amazon Subscribe & Save đã mang về hơn 10 tỷ USD cho gã khổng lồ thương mại điện tử, tăng vượt bậc so với doanh thu chỉ 2,7 tỷ USD trong năm 2014.
Tạp chí Forbes còn mạnh dạn dự đoán mô hình Subscribe & Save sẽ đem về hơn 20 tỷ USD vào cuối năm 2020, chiếm tới 6% doanh thu của Amazon.
“Subscribe” nhưng không “Save”?
Tuy nhiên, mô hình Subscribe & Save đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều từ những người dùng lâu năm, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ.
Vào năm 2016, tờ the New York Times đã chỉ ra một “lỗ hổng” trong mô hình khiến nhiều khách hàng cực kỳ khó chịu khi phải trả mức phí cao hơn mong đợi.
Nguyên nhân chính là do sản phẩm dù được đăng ký định kỳ nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của biến đổi giá thị trường chứ không “cố định” như khách hàng nhầm tưởng. Trong bài viết trên, một khách hàng bày tỏ sự thất vọng của mình khi sản phẩm mà cô đăng ký nhanh chóng tăng 170% giá trị chỉ trong vòng vài tháng, và Amazon hoàn toàn không nỗ lực báo trước khách hàng.
Jared Wiesel – phân tích viên tại Hãng Revenue Analytics cho hay: “Tôi nghĩ Amazon đang cố tình lạm dụng sự lầm tưởng của khách hàng khi thay đổi giá bán. Khi nghĩ đến dịch vụ “đăng ký định kỳ”, đa phần khách hàng nghĩ rằng mình chỉ cần trả một mức giá cố định trong khoảng thời gian sử dụng.”
Không lâu sau đó, Amazon đã lập tức “phản pháo” trên tờ TIME, gã khổng lồ khẳng định rằng mình luôn thông báo rõ ràng cho khách: “Chúng tôi luôn gửi email đến khách hàng 10 ngày trước khi đơn hàng được giao, trong đó có cả giá sản phẩm hiện tại và giá sản phẩm trong quá khứ để mọi người có cơ hội thay đổi ý định.”
Kết luận
Amazon cố tình “đánh lừa” khách hàng hay Khách hàng quá chểnh mảng với các đơn hàng của mình? Chỉ có thời gian mới đem lại câu trả lời cho xung đột lợi ích này.
Dù có vấp phải nhiều phản đối, Amazon chắc chắn vẫn đẩy mạnh chương trình Subscribe & Save vì những lợi ích về doanh thu và dữ liệu mà nó mang lại. Không những thế, sự thất bại ê chề của nút “Dash” vì giá thành không cạnh tranh cũng là một lý do khiến Amazon phải tập trung đầu tư vào mô hình Subscribe của mình.
Hơn ai hết, Amazon sẽ luôn là một bậc thầy “đăng ký” khi dịch vụ này đã lan sang tận Ấn Độ, thị trường có dân số đông nhất nhì thế giới, hứa hẹn một tương lai mà khách hàng không thể nào sống thiếu Amazon.
Thanh Sang
Theo Trí Thức Trẻ