Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Dành cả thanh xuân để biến rác thành “vàng”, 2 nhà sáng lập thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm: Bây giờ không sống xanh thì còn chờ đến bao giờ?

Công ty trị giá hơn 100 triệu USD của Arthur Huang và Javis Liu đã thu hút được sự chú ý trên khắp thế giới cho nhiều dự án khác nhau, bao gồm việc xây dựng một phòng triển lãm chỉ sử dụng chai nhựa vào năm 2010.

Đối với Arthur Huang, những gì người khác coi là đồ bỏ đi, không thể sử dụng lại là “kho báu”. Anh là người có khả năng “hô biến” tàn thuốc lá thành vật liệu xây dựng, đĩa CD và DVD cũ thành gọng kính râm, biến chai nhựa thành quần áo và thậm chí là tạo ra vật liệu để xây dựng các tòa nhà cao tầng.

Vốn là người rất ghét rác thải nhựa, Huang thành lập công ty tái chế Miniwiz ở trung tâm thành phố Đài Bắc năm 2005 với mục đích đem lại cho những món đồ bỏ đi một cuộc sống mới.

Kiến trúc sư 40 tuổi chia sẻ: “Ghét bỏ rác nhựa không làm chúng biến mất, vậy nên tôi quyết định lập công ty tái chế”. Hiện nay, công ty của Huang trị giá hơn 100 triệu USD và đã thu hút được sự chú ý trên khắp thế giới cho nhiều dự án khác nhau, bao gồm việc xây dựng một phòng triển lãm chỉ sử dụng chai nhựa vào năm 2010.

Chân dung Arthur Huang.

Tại phòng thí nghiệm của Miniwiz, một nhóm kỹ sư chuyên về vật liệu và hóa học sẽ thử nghiệm trên các loại rác khác nhau để tìm ra cách biến chúng thành vật liệu mới. Trong những năm qua, họ đã tạo ra được hơn 1.000 loại vật liệu như vậy.

Theo Huang, thách thức về lâu dài của Miniwiz là khiến các nhà thiết kế, kiến trúc sư và nhà sản xuất khác sử dụng những vật liệu này để góp phần bảo vệ môi trường. Tháng 6 năm ngoái, một cơ sở dữ liệu về vật liệu của công ty đã được mở cho 100 trường đại học và sinh viên sẽ được nhận tài trợ để tạo ra sản phẩm mới từ các nguyên vật liệu đó.

Mặc dù vậy, Huang cho biết người tiêu dùng mới là đối tượng quan trọng nhất bởi nếu có một lượng lớn khách hàng quan tâm đến sự bền vững và môi trường thì rất nhiều công ty sẽ chuyển sang nắm bắt thị trường này.

Giám đốc công nghệ Jarvis Liu chia sẻ: “Trong hơn 10 năm qua, chúng tôi đã thử nghiệm trên 800 vật liệu thải khác nhau để tìm hiểu tính chất cơ học của chúng. Những viên gạch xây nhà này là một thành công trong vô số thử nghiệm và thất bại của chúng tôi”.

Jarvis Liu, nhà đồng sáng lập Miniwiz.

Trước đây, Jarvis chưa bao giờ nghĩ rằng anh sẽ trải qua những năm tháng tuổi trẻ trong phòng thí nghiệm rác. Tuy nhiên, bước ngoặt đã xảy đến khi anh học chuyên ngành kiến trúc tại Đại học Tunghai, Đài Loan.

Anh nói: “Kiến trúc sư khai thác nguyên liệu thô để tạo ra những tòa nhà mới nhưng đi kèm với đó là lượng vật liệu khổng lồ mà chúng tôi thải ra mỗi ngày. Tôi nhận ra rằng lĩnh vực mình đang theo học là một trong những thủ phạm gây ra tình trạng ô nhiễm trên toàn cầu. Vì vậy, tôi luôn tự đặt câu hỏi liệu có lựa chọn thay thế nào ngoài sử dụng nguyên liệu truyền thống hay không”.

Một phần vì cảm thấy tội lỗi, một phần bởi ý thức được trách nhiệm khắc phục tình hình, Jarvis quyết định hành động bằng cách tham gia cùng Huang, người có định hướng tương tự. Họ đã thành lập Miniwiz để khám phá và khai thác tiềm năng của rác thải.

Jarvis chia sẻ: “Mọi người thường có quan niệm rằng vật liệu tái chế xấu xí và chất lượng thấp. Do đó, Miniwiz cố gắng làm cho chúng trở nên thu hút hơn để được tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống hàng ngày”.

2 năm sau khi thành lập, Miniwiz đã ra mắt sản phẩm đầu tiên mang tên HYmini. Được thiết kế bằng nhựa tái chế, giấy và rác thải điện tử, đây là chiếc sạc pin di động khai thác năng lượng gió và mặt trời để tạo ra điện.

Nó đã trở thành một thành công lớn, mang lại cho Miniwiz khoản tài trợ đầu tiên cho hàng trăm dự án sáng tạo xanh sau này của công ty, tất cả được xây dựng với mục đích phát triển vật liệu thay thế bền vững, có hiệu suất cao và không để lại dấu chân carbon (Lượng phát thải CO2 mỗi người sinh ra có thể gây hại đối với môi trường).

Giờ đây, Miniwiz đã vươn lên tầm quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghệ xanh. Hiện công ty được điều hành bởi đội ngũ gồm hơn 40 kỹ sư, nhà thiết kế và kiến trúc sư từ khắp nơi trên thế giới.

Với các dự án sáng tạo như không gian triển lãm và văn phòng chung House of Trash ở Milan rộng gần 400m2 được làm từ rác thải địa phương và hộp đựng giày bán trong suốt của Nike Air Max, Miniwiz đã truyền tải thông điệp không thể rõ ràng hơn rằng vật liệu từ rác thải hoàn toàn có thể thay thế nhiều loại vật liệu xây dựng hiện nay.

Arthur Huang và sản phẩm hộp đựng giày từ vật liệu tái chế.
Một căn phòng bên trong House of Trash.

Về mặt tài chính, việc kinh doanh của Miniwiz cũng đang sinh lợi. Jarvis nói: “Chúng tôi tin rằng để vật liệu từ rác trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi hơn, chúng tôi cần tìm cách để bản thân các sản phẩm tái chế được mọi người mong muốn và tất nhiên chúng cũng cần tạo ra lợi nhuận để công ty có nguồn vốn tiếp tục hoạt động”.

Từ việc cung cấp công nghệ và dịch vụ xử lý rác cho một số công ty hàng đầu thế giới như Coca-Cola, Miniwiz đã tạo ra doanh thu hàng năm lên tới hơn 100 triệu USD. Con số ấn tượng này chứng minh tính khả thi về tài chính của mô hình của công ty khi có khả năng tạo ra nhiều doanh thu với tài nguyên rẻ tiền.

Tháng trước, Miniwiz đã tạo ra một cơ sở dữ liệu mở về chi tiết nghiên cứu về các tính chất cơ học của chất thải mà công ty đã thu thập trong suốt 13 năm qua. Mục đích là để chia sẻ công nghệ với tất cả các nhà đổi mới xanh. Ngoài việc cung cấp giải pháp cho các công ty, Miniwiz còn muốn những doanh nghiệp này nhận thức và thể hiện trách nhiệm thực sự với lượng rác mà họ thải ra môi trường.

Gia Vũ

Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp