Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Cứu tinh của du lịch giữa đại dịch

Ngành du lịch tập trung phát triển thị trường khách nội địa trước viễn cảnh tiếp tục trắng khách quốc tế.

“Không ngờ khách lại đông đến vậy”, ông Phạm Hà, nhà sáng lập Lux Group tiết lộ khi buộc phải từ chối một yêu cầu đặt phòng cho một đêm trên du thuyền Heritage Cruises du ngoạn vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. 

Chỉ chưa đầy một tuần kể từ khi tỉnh Quảng Ninh cho phép nối lại hoạt động ngủ đêm trên tàu ở vịnh Hạ Long, toàn bộ 20 phòng nghỉ trên chiếc du thuyền sang trọng được đưa vào hoạt động cách đây không lâu, đã được khách hàng đặt kín cho chuyến xuất hành cuối tuần này.

Sau khi đưa vào vận hành du thuyền Emperor Cruises trên vịnh Hạ Long, ông Hà đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng Heritage Cruises và kỳ vọng rất lớn vào nguồn khách du lịch quốc tế – những người có thể chi hơn 10 triệu đồng cho một đêm phòng. Ông không nghĩ lại có ngày người Việt mới là đối tượng phục vụ chính. 

“Với những số liệu, kinh nghiệm và thông tin chúng tôi có được, nếu dịch Covid-19 dần được khống chế trên thế giới thì phải ít nhất đến cuối năm nay mới có thể hy vọng thị trường khách du lịch quốc tế quay trở lại. Vì thế, không còn cách nào khác là phải tập trung khai thác thị trường khách nội địa trong lúc này”, ông Hà nói. 

Việt Nam đóng cửa với khách du lịch quốc tế kể từ 18/3/2020 khi quyết định dừng cấp thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài trong nỗ lực phòng chống Covid-19 xâm nhập từ bên ngoài. 

Tại cuộc họp sáng ngày 6/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona thống nhất tiếp tục chưa cho nhập cảnh khách du lịch quốc tế trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh trên thế giới phức tạp, căng thẳng.

Lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh kể từ đầu năm và thậm chí “trắng sổ” vào tháng 4, buộc ông Hà và các chủ du thuyền trên vịnh Hạ Long tạm dừng hoạt động một thời gian. Trước viễn cảnh tiếp tục trắng khách quốc tế, ông Hà chỉ có thể trông chờ vào thị trường khách nội địa để thu lại phần nào thiệt hại mà Covid-19 gây ra.

Cũng như ông Hà, ông Lê Quốc Việt, chủ biệt thự nghỉ dưỡng Santa Sea Hội An trước đây chủ yếu đón khách nước ngoài, nhưng giờ đây cũng nhắm khách trong nước. Nhờ có quan hệ với thị trường Hà Nội nên mặc dù không có khách nước ngoài, Santa Sea Hội An vẫn có ngày kín phòng. 

“Trước mắt, chắc chắn chúng tôi sẽ phải tập trung vào thị trường khách nội địa”, ông Việt nói, đồng thời cho biết thêm, hầu hết khách sạn ở Hội An vẫn đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì không có khách do trước đây chỉ tập trung thu hút khách Hàn Quốc hoặc Trung Quốc. 

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á-Thái Bình Dương, dẫn diễn biến của thị trường Trung Quốc trong thời gian gần đây để nói rằng khách trong nước sẽ là thị trường chính cho du lịch Việt Nam trong vài tháng tới.

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc sau khi đại dịch được kìm hãm. Thị trường Trung Quốc chỉ mất khoảng 6 tuần để công suất trở lại mức 30% sau khi công suất bị giảm mạnh vào giai đoạn trước đó và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ”, ông chia sẻ.

Theo ông Mauro, thị trường du lịch trong nước sẽ quay trở lại trong giai đoạn đầu tiên của sự phục hồi. Sau quyết định về cách ly xã hội, phần lớn các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã đóng cửa nhưng hầu hết đang có kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng 5 với các chương trình khuyến mãi để thu hút khách du lịch trong nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều người còn e ngại việc di chuyển bằng máy bay, các điểm đến có thể di chuyển bằng ô tô như Vũng Tàu, Hồ Tràm, Mũi Né, Hạ Long, Đà Lạt và Sapa sẽ là lựa chọn hàng đầu trong ngắn hạn.

Cùng quan điểm, ông Hà cho rằng xu thế du lịch sau đại dịch là du khách sẽ chọn điểm đến gần, an toàn, ít khách, không phải di chuyển bằng máy bay và giá cả phù hợp. Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà sẽ là lựa chọn cho nhiều gia đình cho kỳ nghỉ hè này.

Biểu diễn “Vũ điệu trên mây” tại khu du lịch Sun World Sa Pa

Trao đổi với truyền thông, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành của Wink Hotels, tỏ ra lạc quan về mức tăng trưởng 20% hàng năm của du lịch nội địa được ghi nhận suốt 5 năm qua dù du lịch Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn khách nước ngoài.

“Chúng ta có thể nhìn thấy 70-80 triệu người Việt đi du lịch hàng năm và đây thực sự sẽ trở thành một thị trường lớn”, ông nhấn mạnh và cũng tin rằng mọi người sẽ bắt đầu đi du lịch ngay khi các chuyến bay và mọi thứ được mở trở lại.

Kể từ ngày 2/5, các đường bay đến các địa điểm du lịch đã được khôi phục hoàn toàn và bay theo nhu cầu của các hãng hàng không, ngoại trừ đường bay giữa Hà Nội/TP. HCM và Đà Nẵng vẫn bị khống chế số lượng chuyến bay, nhưng cũng từng bước được nới lỏng. Bộ Giao thông vận tải cũng quyết định dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách xã hội trên các phương tiện giao thông vận tải từ hôm nay. 

Ông Michael cho rằng lớp dân số trẻ của Việt Nam đang mong muốn đi du lịch trở lại với 70% số người được khảo sát thông qua một mạng xã hội cho biết điều đầu tiên họ muốn sau khi hết cách ly là đi biển.

“Người trẻ tại Việt Nam có nguồn năng lượng mạnh mẽ, họ phấn khích, quen với việc di chuyển liên tục và rất mong muốn được du lịch trở lại. Do đó, khi các chuyến bay trở lại lịch trình bình thường, khách sạn mở cửa, thị trường Việt Nam sẽ thoát ra khỏi tình trạng im ắng khá nhanh, bắt lấy nhu cầu du lịch vốn bị dồn nén vì dịch bệnh”, Michael chia sẻ.

Tuy vậy, ông Michael lưu ý nhu cầu du lịch sẽ chậm lại trong năm nay do các công ty đã cắt giảm lương đáng kể vì Covid-19, nhiều khu vực bị ảnh hưởng và tốc độ tăng trưởng sụt giảm mạnh, đồng nghĩa với túi tiền của người dân cũng bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cũng cho rằng nhu cầu tại thời điểm hiện nay chưa thể gia tăng nhanh chóng mà sẽ phục hồi dần dần do dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, tâm lý dè dặt của người dân, thu nhập không còn dư dả nhiều cũng như các đơn vị, doanh nghiệp không dành ngân sách cho việc đi lại, vui chơi trong năm nay.

Ông Dũng nhận định với tình hình dịch bệnh còn phức tạp, thị trường khách nội địa có thể phục hồi 30-50% được xem là một thành công.

Xem xét lại chiến lược giá

Để đón đầu nhu cầu du lịch trong nước gia tăng, ông Mauro Gasparotti cho rằng các khu du lịch, khách sạn cần điều chỉnh lại mức giá cũng như các ưu đãi.

“Chủ sở hữu và các nhà điều hành khách sạn sẽ đối mặt với giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới, đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới để quản lý và tạo ra nguồn doanh thu mới”, nhà tư vấn này nói.

Theo ông Dũng, các doanh nghiệp có thể đưa ra các gói ưu đãi, kích cầu theo ba hướng như giảm giá thành hoặc giữ giá nhưng tăng số lượng dịch vụ như cho thêm dịch vụ spa, đưa đón sân bay, thêm suất ăn trưa, ăn tối. Thứ ba là giữ giá nhưng tăng chất lượng dịch vụ, ví dụ như trước đây quy chuẩn 3 sao giờ nâng lên mức 5 sao nhưng không tăng giá.

Trong khi đó, ông Hà đề xuất các điểm đến giảm 50% giá vé, khách sạn mua 2 tặng 1, hàng không điều chỉnh giảm giá và linh hoạt hoàn hủy, từ đó giá tour mới có thể giảm. Các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao giờ đây cần tồn tại nên cần để một mức giá hợp lý để mọi người Việt có thể thụ hưởng.

Một số nơi như Sa Pa đã đồng lòng giảm giá 30-60% giá phòng khách sạn, vé ô tô, vé vào khu du lịch. Hay như du thuyền Heritage Cruises cũng đang bán voucher với giá 2,5 triệu đồng/người/đêm, giảm giá một nửa so với trước đây. Santa Sea Hội An cũng giảm giá 40% cho khách nội địa thời điểm này.

Ông Hà nhấn mạnh, trong bối cảnh “bình thường mới”, cần có tư duy đột phá về phát triển du lịch, trong đó kích hoạt ngay lập tức chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, dựa trên cảm hứng từ câu nói nổi tiếng “Người Việt đi tàu Việt” của “vua tàu thuỷ” Bạch Thái Bưởi cách đây 100 năm.

“Nhiều trải nghiệm sang trọng và độc đáo như du thuyền ngủ đêm trên vịnh hay trên sông toàn du khách nước ngoài hưởng, đốn tim du khách nước ngoài tại sao người Việt Nam ta chưa mặn mà?” ông Hà đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng cần xúc tiến truyền thông thói quen mới tới du khách, đó là văn minh lịch sự, hình thành văn hóa ứng xử với điểm đến, văn hóa bản địa, học hỏi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn.

Trong chiến lược du lịch sau này, mọi ngành cần ưu tiên cho du lịch và vì du lịch. Cần đặt khách hàng lên trước, ưu tiên người Việt Nam thụ hưởng văn hoá, thiên thiên, ẩm thực của quê hương và tạo tự tôn, tự hào trước khi xúc tiến ra nước ngoài. 

“Hãy đặt khách du lịch cần gì, muốn gì lên trên hết, trước bất kỳ hành động nào và bây giờ là lúc phát triển du lịch bền vững”, ông Hà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không phải chủ doanh nghiệp nào cũng đồng tình với chiến lược giảm giá sâu để thu hút khách nội địa, vì cho rằng việc giảm giá giống như “con ếch bị luộc”, nghĩa là bị chết từ từ mà không biết. 

Những chủ doanh nghiệp này cho rằng, đắt rẻ không phải là yếu tố chính để du khách quyết định tiêu tiền mà tâm lý chung người dân sẽ chờ đợi hết dịch mới đi du lịch. Vì thế, giảm giá bây giờ sẽ tạo ra cuộc chiến về giá và khó lấy lại giá cũ khi thị trường phục hồi.

Theo TheLeader