Với sự gia nhập của Uniqlo và trước đó là H&M và Zara, thị trường thời trang “mì ăn liền” Việt Nam hứa hẹn trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Thông tin hãng thời trang “mỳ ăn liền” lớn nhất Nhật Bản sẽ chính thức đổ bộ vào Việt Nam cuối năm nay được đưa ra khiến thị trường lại được phen náo loạn.
Thêm “tay chơi” mới
Theo đó, cửa hàng đầu tiên của hãng Uniqlo sẽ được đặt tại trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1, TP.HCM). Vị trí cửa hàng nằm trên góc đường Lê Thánh Tôn và Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), với diện tích lên đến hơn 3000 mét vuông, và sỡ hữu 3 tầng trưng bày. Với diện tích này, Uniqlo Đồng Khởi được quảng cáo là một trong những cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á của Uniqlo.
Tập đoàn bán lẻ quần áo Nhật Bản này đã đăng ký công ty Uniqlo Việt Nam có trụ sở tại TP.HCM dưới hình thức liên doanh 100% vốn nước ngoài. Thông tin từ trang Nikkei (Nhật Bản) cho biết, cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam sẽ đặt ở TP.HCM, dựa trên liên doanh giữa Fast Retailing (sở hữu thương hiệu Uniqlo) và Mitsubishi Corporation (sở hữu 25% trong liên doanh).
Hiện nay, Việt Nam là thị trường lớn của nhiều hãng thời trang nhanh như Zara, H&M, Pull&Bear, Stradivarius… Trong đó, cuộc đua rõ nhất nằm ở Zara (Tây Ban Nha) và H&M (Thụy Điển).
Tuy vào Việt Nam từ tháng 9/2016, nhưng đến nay,, số lượng cửa hàng của Zara đã bị H&M ra mắt vào tháng 9/2017 vượt mặt gấp 3 lần, với 7 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.
Dù chỉ gia nhập vào thị trường thời trang ăn liền trong các năm gần đây, nhưng những hãng thời trang trên đều mang về những lợi nhuận. Trong năm 2018, H&M cũng thu về 176 tỷ đồng trong quý I/2018 và 148 tỷ đồng trong quý II/2018. Như vậy, trung bình thương hiệu này thu về khoảng hơn 1,8 tỷ đồng mỗi ngày tại Việt Nam.
Zara cũng không hề kém cạnh, khi thu về hàng trăm tỷ đồng. Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ nửa đầu năm 2018, doanh thu của Zara tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 133% so với cùng kỳ lên mức gần 950 tỷ đồng. Tính bình quân mỗi ngày doanh thu từ Zara và các thương hiệu khác của Inditex tại Việt Nam đạt gần 5,3 tỷ đồng.
Việc Uniqlo chính thức mở cửa hàng ở Việt Nam được cho là sẽ khiến cuộc đua này trở nên sôi động hơn. Thậm chí nhiều người còn cho rằng bộ ba này sẽ thống trị thị trường thời trang “mỳ ăn liền” của Việt Nam. Đặc biệt, mới đây, Uniqlo lần đầu kết hợp cùng Tiktok thách thức người dùng thể hiện cá tính.
Bộ ba đang làm ăn ra sao trước khi kéo nhau về Việt Nam?
5 năm trở lại đây, sự lên ngôi của mua sắm trực tuyến đang là một nguyên nhân dẫn đến “cái chết” của nhiều cửa hàng thời trang nhanh. Thế nhưng, thay vì tập trung đầu tư vào thương mại điện tử, các hãng lại đua nhau mở rộng diện tích và số lượng cửa hàng tại các trung tâm thương mại, trong khi giá thuê mặt bằng ngày càng đắt.
Thế nhưng, thay vì tập trung đầu tư vào thương mại điện tử, các hãng lại đua nhau mở rộng diện tích và số lượng cửa hàng tại các trung tâm thương mại, trong khi giá thuê mặt bằng ngày càng đắt.
Sau khi đóng cửa khoảng 140 cửa hàng bán lẻ vào năm 2018, H&M điều chỉnh lại kế hoạch mở cửa hàng trong năm 2019, từ 175 thành 130 cửa hàng trên toàn thế giới.
Zara cũng đã đóng 355 cửa hàng vào năm ngoái, nhiều hơn 76% so với dự kiến ban đầu. Năm nay, hãng này chuẩn bị đóng thêm 250 cửa hàng. Các thương hiệu bán lẻ thời trang đang phải giảm bớt các mặt hàng bán chậm, phần nhiều vì hành vi tiêu dùng của khách hàng nay đang hướng về mua sắm trực tuyến.
Tuy không đến nổi đóng cửa liên miên trên toàn thế giới nhưng trước làn sóng tẩy chay đồ Nhật, Uniqlo đang ngừng kinh doanh nhiều cửa hàng ở Hàn Quốc. Thị trường trong nước khá ảm đạm do dân số già, và nhịp điệu tăng trưởng giảm.
Các hãng đứng trước con dốc: hoặc phá sản hoặc phải thay đổi.
Với cửa hàng truyền thống, Zara thường xuyên thay đổi bố cục, tạo trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, với những bức ảnh online rất đẹp và liên tục trao đổi tin tức về sản phẩm, khiến khách ghé thăm website thường xuyên.
Zara còn tổ chức các đợt giảm giá cùng với việc ra mắt sản phẩm mới, sản xuất với số lượng vừa phải để tạo cảm giác khan hiếm hàng.
H&M linh động hơn khi cung cấp cả dịch vụ cho thuê trang phục.
Hãng này bắt đầu đầu tư vào thương mại điện tử, mời hàng loạt ngôi sao tên tuổi về làm đại diện, đẩy mạnh thực hiện các sản phẩm truyền thông hiện đại như TVC, viral clip, tài trợ MV… Ngoài ra, H&M liên tiếp đưa ra các chương trình thu nhận quần áo cũ, đổi lấy mã giảm giá cho người dùng, để bắt kịp xu hướng thời trang bền vững. Hãng này còn tuyên bố sẽ hướng đến việc dùng vải và các chất liệu tái chế để sản xuất quần áo trong tương lai.
Rẻ ra 3 nhánh, Uniqlo vừa chăm chút đầu tư cho các dòng sản phẩm giá rẻ, vừa dồn tiền cho thương mại điện tử, lại phải cật lực mở rộng thị trường quốc tế. Chỉ trong năm 2018, có đến hàng trăm cửa hàng được mở mới, chú yếu tại các thị trường mới nổi như Đông Nam Á.
Tại các cửa hàng mới, Uniqlo đẩy mạnh dòng sản phẩm giá rẻ, mặc hàng ngày. Mới đây, hãng này tung ra chương trình tặng 100.000 sản phẩm dòng HeatTech cho khách hàng tải xuống ứng dụng của mình.
Thị trường Việt Nam cũng không dễ “xơi”
Nghiên cứu của Statistics Portal – một công ty nghiên cứu thị trường của Đức dự báo, tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) của thời trang Việt Nam giai đoạn 2017-2022 là 22,5%. Nhờ mức tăng trưởng này, thị trường có thể đạt doanh thu 988 triệu USD vào năm 2022.
Dù thị trường chung tiềm năng là thế, việc mở rộng thị phần ở Việt Nam thực chất không hề dễ dàng với cả doanh nghiệp ngoại lẫn nội. Các hãng thời trang ngoại sau khi nhanh chóng giành được thành công ở vài thành phố lớn hầu hết đều chững lại, không vươn ra được các tỉnh thành khác do mức giá còn khá cao và kiểu dáng chưa phù hợp với thị hiếu của phần lớn người Việt.
Theo chia sẻ của bà Trần Mai Hương, người sáng lập thương hiệu thời trang Coco Sin, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp này không phải là việc chạy theo xu hướng thời trang hay phong cách mới, mà là bài toán về tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng như dòng tiền. Để tồn tại được, các thương hiệu luôn cần tung ra các mẫu mã mới. Mỗi khi bán được một bộ sưu tập, doanh nghiệp phải ngay lập tức tái đầu tư vào bộ sưu tập mới hơn. Ngoài ra, áp lực ra sản phẩm mới nhanh cũng buộc doanh nghiệp phải đầu tư và sở hữu nhà xưởng riêng, bởi nếu thuê gia công, doanh nghiệp sẽ luôn bị động về tiến độ và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, khả năng thực hiện khảo sát về thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng cũng là bài toán lớn với các hãng thời trang trong bối cảnh vòng đời sản phẩm thời trang ngày càng ngắn như hiện nay. Chính thực tế trên đã buộc các tập đoàn thời trang toàn cầu phải đầu tư mạnh hơn vào công nghệ Big Data. Big Data giúp nhà bán lẻ định hướng từ đầu là cần sản xuất mẫu thời trang nào, số lượng bao nhiêu, nên giảm giá vào lúc nào… Tại Việt Nam, doanh nghiệp thời trang chủ yếu vẫn dựa vào các dự đoán và dữ liệu với độ trễ nhất định.
Các chuyên gia thời trang cũng tin rằng, sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của các hãng thời trang nhanh khác ở Việt Nam như Magonn, Libé, Eva de Eva, Hnoss với mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, chu kỳ thời trang bắt kịp được xu hướng, phù hợp dáng người Việt, dịch vụ giao hàng nhanh chóng, tiện lợi cũng là những “đối thủ đáng gờm”.
Khánh Hà
Theo DĐDN