Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ buộc các tổ chức tín dụng hạ lãi suất huy động kể từ 18/11…
Tại báo cáo trước Quốc hội về việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Phấn đấu năm 2020 giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với những lĩnh vực ưu tiên”.
Khẳng định trên của Thủ tướng dường như cũng là một yêu cầu bức thiết dành cho Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh cuộc chạy đua lãi suất cho vay còn hiện hữu.
Theo giới chuyên môn phân tích, muốn giảm lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ tự phải tiết giảm các chi phí hoạt động hoặc giảm lãi suất huy động đầu vào hoặc Ngân hàng Nhà nước sẽ áp trần lãi suất cho vay.
Về tiết giảm các chi phí hoạt động, đây là mục tiêu của nhiều ngân hàng trong các năm trở lại đây. Thế nhưng, chi phí hoạt động đã ở ngưỡng giới hạn bởi lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Xét toàn hệ thống, hệ số thu nhập lãi thuần (NIM) đang có xu hướng hẹp dần.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, dư địa tăng NIM trở nên hạn chế hơn chủ yếu là do áp lực huy động vốn trung và dài hạn; tỷ trọng cho vay bán lẻ đã ở mức cao, cạnh tranh trong mảng cho vay bán lẻ gia tăng; dư nợ tín dụng so với vốn huy động (LDR) được đẩy mạnh gần ngưỡng; ngành tài chính tiêu dùng gặp khó khăn áp lực huy động vốn trung dài hạn.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, NIM năm 2019 của ngành ngân hàng chỉ tăng nhẹ, thậm chí đi ngang.
“Tuy nhiên, xu hướng NIM sẽ là không giống giữa các ngân hàng do mỗi ngân hàng có độ nhạy với lãi suất tiền gửi và nhu cầu vốn khác nhau. Lợi thế sẽ thuộc về các ngân hàng LDR thấp, mạng lưới rộng lớn (giúp huy động dễ dàng hơn) và có tỷ lệ tiền gửi không hạn kỳ hạn cao (giúp giảm chi phí vốn)”, nhóm nghiên cứu tại VNDirect bổ sung.
Một công cụ hành chính Ngân hàng Nhà nước có thể dùng là áp trần lãi suất cho vay. Nhưng đây lại là công cụ mà chưa đến thời điểm khẩn cấp, Ngân hàng Nhà nước có lẽ sẽ không dùng đến.
Như vậy, dường như phương pháp giúp Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện hoá yêu cầu của Thủ tướng đang nghiêng về hướng giảm lãi suất huy động.
Thực tế cũng cho thấy, sau cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động và bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi”, từ đầu tháng 11 cho đến nay, đã xuất hiện một vài ngân hàng chủ động giảm 0,1 – 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động. Đặc biệt, không chỉ các ngân hàng tư nhân, hai ngân hàng thương mại Nhà nước là BIDV và Vietcombank cũng điều chỉnh giảm. Trong đó, lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn từ 1-2 tháng của BIDV giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4,3%/năm; lãi suất tại 2 kỳ hạn này ở Vietcombank đều giảm còn 4,5%/năm.
Tuy nhiên, tại một báo cáo gần đây, nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI thống kê được rằng, tình trạng cắt giảm trên chỉ là thiểu số, hầu hết lãi suất huy động các ngân hàng còn lại đều đi ngang. Lãi suất huy động vẫn phổ biến quanh vùng 4,1-5,5%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 5,3-7,8%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Khi VnEconomy trao đổi vấn đề trên với một lãnh đạo đang làm việc tại Ngân hàng Nhà nước, ông tiết lộ, kể từ 18/11 các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động đầu vào để kéo giảm lãi suất cho vay.
Theo vị lãnh đạo trên, hiện nguồn vốn khả dụng của nhiều ngân hàng đang rất dư thừa do các lĩnh vực cho vay có độ rủi ro cao thì phía nhà điều hành lại siết rất mạnh nên không thể giải ngân nhiều.
Nguồn vốn khả dụng tại một số ngân hàng lớn đang đổ dồn tại công cụ mua, bán ngắn hạn các giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước. Có những phiên giao dịch trên thị trường mở, phía nhà điều hành chỉ chào thầu 1 nhưng khối lượng đặt thầu lại gấp 10 lần.
Đồng thời, theo thống kê, có khoảng 14 ngân hàng nhỏ thường xuyên rơi vào tình trạng thanh khoản yếu. Và từ nay đến hết năm là thời điểm nhu cầu chi trả cao, những ngân hàng yếu thanh khoản thì chỉ còn cách đẩy lãi suất cao; việc vay mượn trên liên ngân hàng cũng không dễ vì một số định chế lớn chuyên cung vốn trên đó luôn đòi hỏi tài sản bảo đảm và lãi suất cao. Rất dễ xảy ra tình trạng ngân hàng nhỏ lại dẫn dắt cuộc đua lãi suất huy động, vì nếu ngân hàng lớn còn hứng thú thì sẽ không huy động được.
“Vì vậy, yêu cầu buộc giảm lãi suất huy động là cần thiết để hy vọng các ngân hàng lớn không mặn mà với cuộc đua. Từ đó, 14 ngân hàng nhỏ trên có thể tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ và giảm lãi suất cho vay”, vị lãnh đạo trên nói.
Theo Đào Hưng
Vneconomy