Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Cuộc chơi mới trên thị trường thương mại điện tử 2020

Tốc độ tăng trưởng thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nhanh thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.

Năm 2019, thị trường thương mại điện tử Việt Nam chia tay những tên tuổi như: Adayroi, hay Lotte.vn, nhưng không vì thế, sức hút ở lĩnh vực này kém đi. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Trong khi đó, Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) phát hành, chỉ ra mức tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam đang cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT cũng tăng vọt. Năm 2018, cả nước có 39,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 11,8% so với năm 2017 và tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 năm. Giá trị mua sắm trực tuyến bình quân đầu người đạt 202 USD, tăng 8,6%.

Vai trò của TMĐT cũng dần trở nên quan trọng hơn khi tỷ trọng doanh thu từ TMĐT trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước đạt 4,2%; tăng 0,6% so với năm trước đó. Một loạt các trang TMĐT Việt Nam như: Tiki, hay Sendo thời gian gần đây liên tục gọi vốn khủng, đồng thời đạt được những chỉ số ấn tượng.

“Việt Nam có dân số trẻ, năng động, với 65 triệu người đang sử dụng thiết bị di động tuy nhiên trong số này tỷ lệ người mua hàng trực tuyến còn rất thấp, tiềm năng phát triển còn rất dồi dào”, ông Vijay Talwar – Phó tổng giám đốc kênh bán lẻ của Tiki nhận định.

Theo các chuyên gia, diễn biến của thị trường TMĐT Việt Nam đang theo hai hướng. Một là cuộc chơi dành cho các ông lớn thương mại điện tử với những khoản đầu tư khổng lồ nhằm tranh giành thị phần. Kế đến là sự xuất hiện của ngày càng nhiều các startup với công nghệ đột phá cung cấp dịch vụ cho những doanh nghiệp đầu ngành.

Bà Vũ Thị Nhật Linh – Giám đốc sàn giao dịch Tiki khẳng định đây là thời cơ chín muồi để startup tham gia vào, kể cả với mục đích đối đầu trực tiếp với các ông lớn hay là tham gia cung cấp dịch vụ cộng sinh cho hệ sinh thái TMĐT.

“Đây là thời điểm tốt cho các tay chơi mới gia nhập thị trường, tham gia đào vàng để trở thành kỳ lân hoặc tham gia để bán cuốc xẻng cho các ông lớn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này”, bà Nhật Linh cho hay.

Xu hướng thương mại điện tử 2020

Trong báo cáo thường niên của We Are Social và Hootsuite hồi đầu năm, 66% người dân Việt Nam sẽ tiếp cận với internet trong năm nay; 98% trong số đó mua hàng qua mạng theo nhận định của Nielsen. Thị trường bán lẻ trực tuyến đã trở nên sôi động hơn trong những năm gần đây cùng với xu hướng internet hóa cộng đồng.

Kênh mua sắm trực tuyến của khách hàng bắt đầu đa dạng hơn nhờ sự đóng góp của sàn thương mại điện tử (68%), mạng xã hội/diễn đàn (51%) và thương mại di động (41%) (số liệu từ Sách trắng TMĐT Việt Nam 2018). Người mua đã có nhiều lựa chọn và họ cũng đòi hỏi người bán xuất hiện tại nhiều kênh bán để tối đa hóa nhu cầu.

Khảo sát của HBR đã chỉ ra 73% trong số 46.000 người tiêu dùng đánh giá cao trải nghiệm đa kênh của cửa hàng online. Vì vậy, chuỗi đa kênh trực tuyến đóng vai trò rất quan trọng với thị trường bán lẻ hiện đại.

Thực tế thì mô hình thương mại đa kênh đã xuất hiện trong vài năm trước đây. Nhưng mãi đến hiện tại mới được các chủ shop tiếp cận rộng rãi. Theo báo cáo thường niên của Sapo, 97% cửa hàng online trong năm 2018 áp dụng bán lẻ đa kênh. Trong đó, hơn 54% chủ shop sở hữu 5 kênh bán hàng. Từ đó cho thấy thương mại đa kênh sẽ là xu hướng rõ rệt nhất trong tương lai.

Hãng nghiên cứu thị trường Asia Plus nhận định, TMĐT tương tác sẽ rất triển vọng trong năm 2020, là tiền đề cho việc bán hàng qua mạng xã hội phát triển. Đây sẽ là xu hướng chủ yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỉ lệ mua hàng qua mạng xã hội, cụ thể là Facebook đạt 70% và tăng nhẹ so với năm 2017.

Tuy nhiên, ông Lê Hải Bình – chuyên gia từ VECOM (Hiệp hội TMĐT Việt Nam) đánh giá thương mại mạng xã hội chỉ góp phần giúp thương mại điện tử truyền thống trở nên phổ biến hơn. Ông Bình cho rằng rất khó để đánh giá tiềm năng của thương mại mạng xã hội bởi yếu tố mua bán đảm bảo và thanh toán an toàn vẫn còn chưa rõ ràng. Hành lang pháp lý cho thương mại mạng xã hội cũng chưa có.

Do đó, năm 2020 sẽ chỉ là một năm chớm nở của thương mại mạng xã hội, nhưng chưa có cơ hội bùng nổ. Vị chuyên gia từ VECOM cũng dự đoán rằng tiếp thị người ảnh hưởng (influencer marketing) của những năm trước sẽ nhường ngôi cho xu hướng bán hàng của người ảnh hưởng trong năm 2020 (influencer sales).

Theo TheLeader