Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Cú bắt tay lịch sử của hai tỷ phú Việt: Phép cộng đẹp giữa 2 doanh nghiệp Việt tạo ra “bức tường chắn sóng” trước các đối thủ ngoại

“Đối với riêng VinMart thì biên lợi nhuận gộp của họ công bố là khoảng 14%. Nếu Masan tiếp quản thì họ có thể sẽ không cần lời đến 14%. Vì vậy, Masan có thể giảm biên lợi nhuận đó xuống và bù lại họ có thể đẩy phần lợi ích đó cho khách hàng”,ông Trần Thái Sơn – Chuyên viên phân tích Thị trường Bán lẻ Công ty Chứng khoán Rồng Việt phân tích.

Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi

Thương vụ giữa Tập đoàn Vingoup và Tập đoàn Masan vừa qua đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện tại vốn đem lại mức tăng trưởng 2 con số mỗi năm và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn từ các quốc gia khác. 

Ở thời điểm hiện tại, VinCommerce gồm VinMart, VinMart+ đang có hơn 2600 cửa hàng và siêu thị tại 50 tỉnh thành và VinEco với 14 nông trường Công nghệ cao. Sau 5 năm có mặt trên thị trường, VinGroup đã trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn với tốc độ phát triển nhanh chóng, mức tăng trưởng doanh thu bình quân là 80 -100%/năm.

Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer Holding hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng bao gồm thực phẩm và nước giải khát. Các sản phẩm của doanh nghiệp này đang có mặt tại hệ thống phân phối của VinCommerce.

Các chuyên gia đánh giá, thương vụ giữa hai tập đoàn này tạo ra kỳ vọng, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhờ giảm đáng kể khoản chi phí phát sinh trong quá trình phân phối vì doanh nghiệp sẽ hạn chế được sự dàn trải trong đầu tư.

Ông Vũ Minh Phú – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói với VTV24: “Cái bắt tay giữa hai tập đoàn lớn Vingroup và Masan là một phép cộng đẹp giữa các doanh nghiệp Việt. Thứ nhất, điều này tạo nên sức mạnh tổng hợp của người Việt để đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng.

 Thứ hai, với vấn đề cạnh tranh trên thị trường hiện tại thì ngoài vấn đề chất lượng hàng hóa là vấn đề giá cả. Hiện nay tình trạng hàng hóa từ sản xuất để bán lẻ phải qua rất nhiều khâu trung gian, khi vào đến siêu thị phải chiết khấu từ 20-30%. Nếu hai tập đoàn này bắt tay với nhau thì thì toàn bộ chi phí trung gian sẽ không còn và có điều kiện để hạ giá, cạnh tranh trên thị trường với những thương hiệu bán lẻ khác. Rõ ràng, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ngay tức khắc”.

Ông Trần Thái Sơn – Chuyên viên phân tích Thị trường Bán lẻ Công ty Chứng khoán Rồng Việt phân tích: “Đối với riêng VinMart thì biên lợi nhuận gộp của họ công bố là khoảng 14%. Nếu Masan tiếp quản thì họ có thể sẽ không cần lời đến 14%. Vì vậy, Masan có thể giảm biên lợi nhuận đó xuống và bù lại họ có thể đẩy phần lợi ích đó cho khách hàng”.

“Bức tường chắn sóng” trước các doanh nghiệp ngoại

Theo một khảo sát mới đây về nghiên cứu thị trường Việt Nam tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác, số lượng siêu thị Việt Nam tăng thêm 16% so với năm 2018. Trong đó, các siêu thị thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như Aeon, Big C, Sakuko, Mega Market là 101 siêu thị; số lượng siêu thị của các ông chủ Việt như VinMart, Co.opmart là 231, tức là chiếm đến 70% .

Còn đối với phân khúc cửa hàng tiện lợi, thậm chí còn tăng trưởng tới 62% so với cùng kỳ năm 2018. Trong số đó, không thể không kể đến các cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống VinMart+, chiếm đến 58%.

Các trung tâm thương mại (TTTM) cũng tăng đến 23% và VinCom đã chiếm đến 67/96 (TTTM), tức là gần 70%.

Từ những số liệu trên có thể thấy, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và TTTM ở Việt Nam đang tăng trưởng khá nhanh qua từng năm. Tuy nhiên, không thể không chú ý đến sự đổ bộ ngày càng nhiều của các doanh nghiệp ngoại khác như Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Theo đó, giới chuyên gia cũng đánh giá, thương vụ giữa hai tập đoàn lớn sẽ trở thành “bức tường chắn sóng” trước các doanh nghiệp ngoại.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định: “Trong bối cảnh mấy năm trước đây, sức ép của các doanh nghiệp ngoại đối với thị trường Việt Nam là rất mạnh mẽ. Chúng ta phải vui mừng vì có những tập đoàn bán lẻ như Vingroup hay Sài Gòn Co.op đã phát triển được như thời điểm hiện tại. Đồng thời, những cái bắt tay với nhau để phát triển và như thế từng bước, “bức tường chắn sóng” của chúng ta có thể mạnh mẽ và vững chắc hơn”.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – nguyên Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cũng đồng quan điểm: “Tôi cho rằng việc sáp nhập này hết sức bình thường và cũng là một điều đáng mừng cho cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Vì đây là sự kết hợp để cho ra đời một thương hiệu mạnh hơn”.

“Trước đây, hàng tiêu dùng, hàng sản xuất Việt Nam rất khó tiếp cận với một số siêu thị ngoại, nhất là các siêu thị lớn, chiết khấu thì lên đến 20-30%.

Đơn cử như sự kiện hồi tháng 7 vừa qua, chỉ với một cú điện thoại, siêu thị ngoại đã dừng làm việc với các nhà cung cấp. Đó là một sự kiện chấn động của thị trường Việt Nam”, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.

Đồng thời, ông nhấn mạnh: “Việc chúng ta liên kết và phát triển thành những tập đoàn lớn mạnh thì chúng ta sẽ có cơ hội dẫn dắt thị trường, gắn kết sản xuất với bán lẻ. Đó là sức mạnh tuyệt vời để không phụ thuộc vào mạng lưới của doanh nghiệp nước ngoài. Và như thế, hàng Việt sẽ dễ dàng đi vào hệ thống phân phối hiệu quả và đến tay người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, trước thương vụ của hai Tập đoàn Vingroup và Masan, ông Kengo Kurokawa -Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu Thị trường Asia Plus lại cho rằng: “Đây là một thách thức lớn nhưng rất thú vị, trên phạm vi thế giới rất ít khi thấy trường hợp doanh nghiệp sản xuất đi tiếp quản chuỗi phân phối bán lẻ có quy mô gần 3000 cửa hàng. Do đó, để thực sự đem lại lợi nhuận, Masan phải làm khác đi”.

Phải thừa nhận rằng, thương vụ giữa hai tập đoàn lớn này sẽ là thách thức đối với Masan. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng tích cực của thương vụ này sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nội trên thị trường bán lẻ.

Theo Trí Thức Trẻ