Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

COVID-19 giai đoạn 2: Hợp lực “kiềng 3 chân” giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền

Để “cuộc chiến” COVID-19 giai đoạn 2 có kết quả tốt, cần sự phối hợp nhất quán, nhịp nhàng, và bài bản từ trung ương đến địa phương, giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Với việc xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới trong những ngày qua, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam bước vào giai đoạn mới với những thách thức mới.

Xung quanh vấn đề này Diễn đàn Doanh nghiệp trao đổi với TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, về vai trò và hành động của nhà nước trong thời gian qua, cũng như những gợi ý về chiến lược hành động chính sách trong thời gian tới.

TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

– Ông đánh giá như thế nào về các nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong giai đoạn 1?

Cần thấy là lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam đã sớm thể hiện quyết tâm phòng chống dịch cúm COVID-19 rất nghiêm túc.

Điều này được minh chứng qua chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp.

Tiếp đó, ngày 29/1, Thường trực Ban Bí thư đã ký Công văn số 79-CV/TW chỉ đạo hệ thống cơ quan Đảng về phòng chống dịch.

Sự chủ động và quyết liệt về chủ trương đã giúp cả hệ thống chính trị, hệ thống báo chí và truyền thông, các doanh nghiệp, cũng như từng người dân ý thức rất rõ về sự cần thiết phải kiểm soát bằng được dịch cúm.

Xét thực tế công tác phòng chống COVID-19 trên phạm vi toàn cầu thì đến nay rõ ràng Việt Nam thuộc số rất ít quốc gia đã nhận thức và hành động rất đúng cho nên đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận.

Số trường hợp lây nhiễm mới tại Việt Nam rất hạn chế (61 trường hợp tính đến ngày 16/3), chủ yếu liên quan đến người nước ngoài hoặc người Việt từ nước ngoài về, chứ không phải do lây lan cộng đồng trong nước.

Trong khi đó, các nước như Hàn Quốc, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ có số người nhiễm mới gia tăng nhanh chóng từng ngày, thậm chí tổng số ca nhiễm lên đến hàng chục ngàn như tại Ý.

– Từ góc nhìn chính sách, theo ông vì sao Việt Nam lại thành công trong việc chống COVID-19 ở giai đoạn 1?

Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát COVID-19 đến nay trước hết là nhờ ý thức rất cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân. Người dân đã đồng lòng cùng cán bộ chính quyền trong một nỗ lực hành động tập thể trên phạm vi quốc gia.

Khác với nhiều nước, ngay từ đầu Việt Nam đã huy động tổng lực bộ máy hành chính và các cơ quan chuyên môn để kiên quyết thực hiện cách ly tập trung hoặc cô lập cả một cộng đồng dân cư để dập dịch.

Những bối cảnh tập trung đông người như lễ hội, trường học, hội nghị… được yêu cầu tạm dừng. Các cửa ngõ biên giới liên thông với các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông được đặc biệt giám sát trong giai đoạn 1.

Về tài chính, Nhà nước Việt Nam chấp nhận chi trả mọi chi phí liên quan đến những người bị cách ly, bất kể quốc tịch. Các doanh nghiệp được Chính phủ sát cánh hỗ trợ để giảm thiểu khó khăn.

Về truyền thông, hệ thống báo chí đã vào cuộc tích cực để cập nhật thông tin tình hình dịch cũng như những khuyến cáo cần thiết cho người dân.

Những gì đã diễn ra cho thấy một sự phối hợp rất nhất quán, nhịp nhàng, và bài bản từ trung ương đến địa phương; giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Công tác phun dịch được Hà Nội thực hiện tại các điểm nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19. Ảnh: Quốc Tuấn.

-Vậy phải chăng các hành động của chính quyền như thời gian qua là rất thành công và cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới?

Chúng ta đang ứng phó với một tình huống bất thường, vô cùng khó kiểm soát. Những thành công vừa qua không có nghĩa những gì chúng ta đã làm là hoàn hảo.

Việt Nam đã sớm phát hiện ra những lỗ hổng và nhanh chóng khắc phục. Chẳng hạn, mọi sự chú ý của Việt Nam trong giai đoạn 1 dồn vào dòng người đến từ Trung Quốc và các quốc gia/lãnh thổ Đông Bắc Á.

Quả thực, chúng ta đã ngăn chặn rất tốt khả năng lây nhiễm từ những nguồn này. Tuy nhiên, thực tế lại bất ngờ khi những nguồn lây nhiễm mới lại đến từ những cán bộ, doanh nhân đi công tác và du học sinh ở các nước phương Tây trở về.

Đặc biệt, do chưa chuẩn bị áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, những du khách đến Việt Nam từ các nước phương Tây đã trở thành nguồn lây rất khó kiểm soát. Tình thế này có thể đe dọa khả năng cách ly tập trung nếu số người nhiễm mới từ nguồn này gia tăng.

Vấn đề thứ hai là công tác truyền thông. Các cơ quan báo chí đã rất tích cực thực hiện chức năng thông tin.

Tuy nhiên, cùng với sự hỗn loạn về thông tin trên mạng xã hội, nhiều tờ báo lại đưa tin liên tục với những hình ảnh và ngôn ngữ gây hoang mang như: “tình trạng đáng sợ tại Vũ Hán”; “số người nhiễm mới tiếp tục gia tăng”; “thêm trường hợp bị cách ly”; “cô lập toàn bộ chung cư”…

Việc đưa tin như vậy rất có thể là một yếu tố tạo ra tâm lý hoang mang, lo sợ thái quá ở một bộ phận dân cư. Tình trạng đổ xô đi mua nhu yếu phẩm tích trữ chính là hệ quả từ tâm lý đó.

-Vậy, nhà nước nên điều chỉnh hành động thế nào cho giai đoạn 2 và sau đó?

Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh hành động ngay sau khi phát hiện các lỗ hổng. Từ ngày 14/3, Việt Nam đã áp dụng cách ly y tế tập trung đối với tất cả khách đến từ Schengen và Anh, bao gồm cả người Việt Nam. Cũng từ 15/3, Việt Nam tiếp tục tạm dừng miễn thị thực với khối Schengen và Anh, đang xem xét áp dụng với Mỹ.

Trong khi đó, tất cả các cửa khẩu vẫn tiếp tục được giám sát chặt chẽ và áp dụng khai báo y tế điện tử với tất cả các khách đến Việt Nam. Biện pháp cô lập trên diện rộng được xem xét lại để tránh xáo trộn đời sống dân cư.

Việc xét nghiệm và điều trị sẽ được chuyển giao cho các cơ sở y tế tuyến dưới chứ không chỉ tập trung ở tuyến trung ương như hiện nay. Tất cả các khách đến từ phương Tây cũng sẽ được xét nghiệm chứ không chỉ khai báo y tế.

Để ổn định dư luận, tránh hỗn loạn thì việc sử dụng các công cụ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng trong những tình huống khó lường như hiện nay. Nhà nước cần tiếp tục sử dụng mọi phương tiện thông tin (phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, tờ rơi, họp báo, mạng xã hội…) để giúp người dân cập nhật thông tin chính xác và trung thực.

Chính phủ cũng cần khuyến cáo các cơ quan báo chí đưa tin khách quan, tránh sử dụng ngôn từ và hình ảnh cảm tính vì dễ gây tâm lý tiêu cực trong cộng đồng. Kể cả những thông tin xấu nhất cũng nên được công bố theo hướng tích cực và lạc quan. Các hành vi phao tin giả cần bị trừng phạt nghiêm khắc.

Các hình thức tuyên truyền cũng cần tiếp tục được triển khai đồng bộ để trấn an dư luận, khuyến khích sự trung thực và tự giác khai báo thông tin, vun đắp lòng tin của người dân vào chính quyền trong hoàn cảnh bất thường.

Bên cạnh đó, trước nguy cơ số nhiễm mới có thể gia tăng, chính quyền các địa phương cũng cần chuẩn bị các phương án về tổ chức, nhân sự, và tài chính để tiến hành cách ly tại cộng đồng; xét nghiệm và điều trị tại cấp cơ sở.

-Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 11 về các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Chính phủ?

Hệ thống doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Dịch cúm Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, nhất là khối kinh doanh dịch vụ.

Thiệt hại của các doanh nghiệp không chỉ hệ lụy đến đời sống của người lao động mà còn cả ngân sách quốc gia. Vì thế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là trách nhiệm của chính quyền ở mọi quốc gia.

Chỉ thị 11/CT-TTg là động thái rất kịp thời của Chính phủ Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính, tín dụng, thuế, thủ tục hành chính, nguyên vật liệu sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, Chính phủ cũng thường xuyên bám sát tình hình, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để cùng đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thiết thực hơn nữa, chính quyền các cấp nên xem xét phân bổ các khoản chi tiêu công đến với đối tác là các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu nhận được các hợp đồng cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho chính quyền, các doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để nhanh chóng vượt qua khó khăn. Các gói hỗ trợ tín dụng và tài chính cần phải chọn đúng các doanh nghiệp cần giúp đỡ để có thể phát huy tác dụng.  

– Đối với cộng đồng doanh nghiệp thì sao thưa ông? Các doanh nghiệp cần lưu ý gì để chống dịch, thưa ông?

Dịch Covid-19 không chừa một ai, bất kể cá nhân, doanh nghiệp, hay chính quyền. Tất cả các chủ thể đều có thể bị thiệt hại chứ không chỉ doanh nghiệp.

Vì thế, tự mỗi doanh nghiệp cần ý thức về các phương án tự cứu mình, chứ không thể chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ của chính quyền.

Trong bối cảnh hiện nay, không có cách nào khác là mỗi doanh nghiệp đều phải tiết kiệm chi phí, tạm thời chấp nhận giảm hoạt động và thiệt hại để đợi đợt dịch qua đi. Các chiến lược và kế hoạch phục hồi sản xuất và kinh doanh sau dịch cần được tính toán kỹ lưỡng.

Bằng những cách đó, chính doanh nghiệp cũng đã đồng hành cùng Chính phủ để vượt qua giai đoạn sóng gió này.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Enternews.vn