Vina T&T là đơn vị dẫn đầu xuất khẩu vào Hoa Kỳ, chiếm 50% số lượng trong khoảng 15 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường này.
“Bà đỡ” đưa xoài, dừa xiêm vào Mỹ
Năm 2018, xuất khẩu rau củ quả Việt Nam đạt hơn 3,7 tỷ USD. Thông tin từ Forbes cho biết trong đó doanh thu Vina T&T đạt 30 triệu USD. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu xuất khẩu vào Hoa Kỳ, chiếm 50% số lượng trong khoảng 15 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường khó tính này.
Con số Vina T&T công bố, năm 2018, công ty xuất đi hơn 7.200 tấn dừa trái, 3.800 tấn thanh long, 2.800 tấn nhãn và 200 tấn chôm chôm. Năm 2017, dừa xiêm Bến Tre lần đầu vào thị trường Mỹ nhờ Vina T&T. Tháng 4/2019, công ty này tiếp tục đưa 15 tấn xoài cát chu và xoài tượng đầu tiên vào Mỹ, thị trường nhập khẩu xoài lớn nhất thế giới.
“Tôi muốn gia đình bà con quê vợ tự hào, trái cây Việt Nam phát triển bền vững và được thế giới biết đến”, ông Nguyễn Đình Tùng- nhà sáng tập Vina T&T chia sẻ. Vị doanh nhân này vốn có hơn chục năm xuất khẩu nông sản trước khi chuyển sang mảng trái cây tươi.
Ít ai biết ông Tùng từng làm ngành công an rồi sau đó vị CEO sinh năm 1978 này của Vina T&T từng công tác trong ngành công an và khởi nghiệp trong lĩnh vực vận chuyển. Vợ ông Tùng vốn sinh ra ở miền Tây. Hai chữ T&T trong tên Vina T&T là tên ghép giữa ông Tùng và người vợ tên Thảo.
Năm 2012 khi thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế, dù là một trong những công ty đầu tiên xuất khẩu thanh long sang Mỹ nhưng ông Tùng từng định từ bỏ để chọn ngành khác. Nhưng vốn là rể miền Tây, vựa trái cây lớn nhất cả nước, nhìn người nông dân sản xuất ra những loại trái cây tươi ngon phải bán giá rẻ, đổ đống, đầu ra bấp bênh đã thôi thúc ông Tùng tìm cách xuất khẩu. Đúng lúc đó, đối tác nhiều năm của ông ở Mỹ lại tìm cách liện hệ nhập trái cây vì người tiêu dùng bên đó thích, khen ngon, vị doanh nhân này quyết định dốc hết sức mình để đưa trái cây tươi ngon của Việt Nam chinh phục các thị trường trên thế giới.
Trên trang web của Vina T&T, công ty này cho biết chuyên về mặt hàng xuất khẩu gồm những loại trái cây đạt chuẩn quốc tế HACCP, GLOBALGAP… như Thanh long, Sầu riêng, Nhãn, Vú sữa, Bưởi, Xoài, Chôm chôm, Dừa… sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Úc, Canada. Hiện công ty này có các nhà máy tại Đồng Tháp, Bến Tre và Tiền Giang đồng thời kết hợp cùng VNPT để khách khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc trái cây, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Giải bài toán khó
“Hiện thị trường tiêu thụ trái cây tươi tại Mỹ rất lớn, người Mỹ thích ăn trái cây nhiệt đới tươi ngon. Thế nhưng, sản lượng trái cây Việt Nam chỉ mới khai thác được 2% thị phần ít ỏi tại Mỹ. Các lô hàng của Việt Nam vẫn chủ yếu bán ở bang California trong khi Mỹ có hơn 50 bang. Vì vậy thị trường cho trái cây Việt Nam ở Mỹ là rất rộng lớn và nhiều tiềm năng khai thác”, ông Tùng từng chia sẻ.
Dù tiềm năng lớn nhưng để vào được thị trường Mỹ không hề đơn giản bởi hệ thống kiểm soát chặt chẽ trái cây tươi nhập khẩu về dư lượng của thuốc trừ sâu, các tác nhân gây bệnh, vi khuẩn. Nhưng nếu doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định, thì sẽ được thông quan hàng hóa rất nhanh.
Ngược lại chỉ cần một lần sản phẩm bị phát hiện có chứa chất bảo quản không cho phép, nhiễm nấm bệnh, sẽ bị kiểm tra toàn bộ lô hàng và một cách liên tục khiến cho thời gian tồn giữ trái cây bị rút ngắn, mất cơ hội tiêu thụ và thậm chí có nguy cơ mất luôn thị trường này. Trước khi trái cây xuất khẩu đến Mỹ thì phải qua chiếu xạ tại Việt Nam nhằm loại bỏ các côn trùng gây hại (đây là yêu cầu của Mỹ, riêng châu Âu thì bằng nhiệt hơi).
“Không đơn giản là thu hoạch xong, đóng gói và chuyển đến nhà máy chiếu xạ là có thể xuất khẩu được”, ông Tùng cho biết. Theo đó tại các nhà máy chiếu xạ, luôn có một chuyên gia người Mỹ của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có nhiệm vụ kiểm tra mẫu trái cây bằng mắt thường trước khi đưa vào chiếu xạ. Nếu chuyên gia FDA phát hiện trái cây dính đất, hoặc phát hiện có sâu bọ là hủy ngay lô hàng của doanh nghiệp. Ví dụ chôm chôm là loại quả rất dễ dính bẩn và sâu bọ do vỏ ngoài nhiều lông nhọn mềm.
Vina T&T từng mất trắng một số lượng lớn trái thanh long, vì sự chủ quan trong quá trình vận chuyển. Thanh long được thu hái xong chuyển lên xe, chở đến nhà máy chiếu xạ, rồi dỡ hàng xuống để chiếu xạ, xong bốc hàng lên. Thế nhưng quá trình lên xuống hàng, rồi chạy qua máy chiếu xạ khiến trái thanh long bị sốc nhiệt khiến quả bị nhũn.
Sau này, Vina T&T hoàn thiện lại quy trình logistics mới giữ được trái có chất lượng. Đó là phải thu hoạch lúc 2 giờ sáng, đưa ngay vào nhà mát đóng hàn, chở hàng đến nhà máy chiếu xạ vào ban đêm, nhằm đảm bảo trái cây có sự cân bằng nhiệt độ.
Một bài toán khó khác là cạnh tranh về giá. Việc xuất khẩu sang Mỹ nếu dùng máy bay vận chuyện giá thành khá đắt đỏ khoảng 3.000 USD/tấn hàng trong khi vận chuyển bằng tàu thủy chỉ tốn 2.500 USD/container. Mỗi container này chứa được hơn 10 tấn hàng. Nhờ dùng công nghệ bảo quản mà các sản phẩm của Vina T&T có giá thành rất cạnh tranh trên đất Mỹ. Forbes cho biết dừa tươi của Vina T&T có thể bảo quản tới 80 ngày. Nhãn bảo quản được 45-60 ngày, thanh long 30 ngày và xoài 30 ngày.
Đối thủ cạnh tranh về trái cây nhiệt đới ở Mỹ của Việt Nam có thể kể đến như Thái Lan hay Mexico với lợi thế về Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ. Như câu chuyện xuất khẩu trái dừa xiêm Bến Tre sang Mỹ của Vina T&T, sau khi xuất thử nghiệm vài container, người tiêu dùng Mỹ phải thừa nhận dừa Việt Nam uống ngon hơn dừa Thái Lan. Với hợp đồng lớn 100.000 trái dừa/tuần, công ty này đánh bật đối thủ Thái Lan khi bao năm nay trái dừa nước này chiếm lĩnh thị trường Mỹ.
Sau thời gian thành công với xuất khẩu, hiện Vina T&T bắt đầu chú trọng thị trường nội địa khi mới đây cho ra đời chuỗi cửa hàng trái cây- sinh tố- cà phê Fruits T&T. Các cửa hàng này ra đời với mục tiêu cung cấp trái cây sạch đạt chuẩn xuất khẩu, sinh tố và cà phê sạch cho người dùng Việt.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp