Chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững, ứng dụng công nghệ cao là chiến lược quan trọng của Lộc Trời để tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, khẳng định vị thế của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Với nền nông nghiệp lúa nước hàng ngàn năm, đến nay, Việt Nam vẫn duy trì vị thế là cường quốc về canh tác và xuất khẩu lúa gạo. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam đứng thứ 3 về sản lượng xuất khẩu gạo và đứng đầu về năng lực sản xuất lúa gạo đáng tin nhất thế giới.
Không chỉ sản lượng mà chất lượng gạo cũng có những bước tiến đáng kể. Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cách đây khoảng 10 năm, Việt Nam chỉ sản xuất ra được những loại gạo có chất lượng bình thường, tuy nhiên đến nay đã có thể trồng ra nhiều loại gạo chất lượng cao, được quốc tế ưa chuộng như gạo jasmine thơm mùi hoa nhài hay gạo ST25 được mệnh danh là ngon nhất thế giới.
Nhờ vào thiên nhiên ưu đãi, cây lúa trồng ở Việt Nam có năng suất cao. Ông Thuận cho biết, trung bình một hạt lúa reo xuống, sau khoảng hơn 90 ngày sẽ cho ra được 212 hạt lúa mới. Nhờ vậy, gạo Việt Nam có mức giá rất cạnh tranh, tuy nhiên chưa phải là có giá rẻ nhất do canh tác còn manh mún, nhỏ lẻ.
Một thế mạnh khác của lúa gạo Việt Nam là nhờ vào khả năng sản xuất ổn định, thương lái quốc tế luôn coi Việt Nam là nguồn cung ưu tiên số một, do đó ít xảy hiện tượng chèn ép bởi họ không muốn đánh mất nguồn cung từ Việt Nam.
Canh tác lúa bền vững và điều đáng tiếc ở thị trường nội địa
Cây lúa là lương thực quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới. Tuy nhiên, canh tác lúa cũng là nguồn phát sinh nhiều phát thải nhà kính như khí thải carbon, metan…
Ở nhiều quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam, trồng lúa sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây ra tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh, đồng thời cũng khiến hạt gạo giảm giá trị, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, điều kiện bắt buộc đặt ra cho Lộc Trời là phải bền vững hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo tiêu chuẩn vốn đã rất cao và đang ngày càng cao hơn của thị trường quốc tế.
Quan điểm của Lộc Trời là phát triển đồng đều, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả cổ đông, nhân viên và bà con nông dân. Quan điểm ấy vẫn được vận dụng vào chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn.
Theo ông Thuận, khó khăn trong việc canh tác lúa bền vững, thuận tự nhiên, đảm bảo môi trường nằm ở người nông dân, khi bà con nông dân Việt Nam nhìn chung vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến các vấn đề này.
Công tác tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng quy trình sản xuất lúa gạo sạch vấp phải rất nhiều trở ngại khi phải làm việc với khoảng 1 triệu nông hộ ở miền Tây.
Để giải quyết điều này, Lộc Trời áp dụng giải pháp là đưa ra lợi ích kinh tế. Cụ thể, Lộc Trời đưa ra 2 tiêu chuẩn canh tác là SRP100 và tiêu chuẩn sản xuất gạo ít phát thải carbon (low carbon rice).
Người nông dân đồng ý áp dụng tiêu chuẩn này, thực tế sẽ không tốn thêm chi phí hay công sức, chỉ đổi mới quy trình canh tác nhưng sẽ được thu mua lại với giá cao hơn. May mắn là một số đối tác quốc tế cũng chấp nhận thu mua với giá cao hơn, tạo ra nguồn tài chính để khuyến khích bà con nông dân.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ở trong nước, thị trường vẫn chưa có sự ghi nhận đối với những nỗ lực chuẩn hóa chuỗi cung ứng và chưa sẵn sàng trả giá cao hơn cho hạt gạo được sản xuất ra một cách bền vững.
“Lỗi này một phần nằm ở phía chúng tôi, khi chưa truyền thông được cái nỗ lực và cái thành quả của mình nên chưa thay đổi được cách nhìn của người tiêu dùng Việt Nam”, ông Thuận chia sẻ.
Chuyển đổi số cho cây lúa
Bản chất của ngành nông nghiệp là sự trải rộng, diện tích hoạt động lớn. Hiện tại, đội ngũ khoảng 1.200 kỹ sư nông nghiệp của Lộc Trời phải làm việc trên diện tích hơn 1 triệu héc ta lúa, “dù có túc trực ngày đêm cũng không có cách gì quản lý được”.
Làm nông là nghiệp “trông trời, trông đất, trông mây”, bất cứ một biến động nhỏ về thời tiết, thủy lợi hay sự xuất hiện của sâu bệnh cũng có thể khiến canh tác gặp thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, để phát triển bền vững cây lúa, buộc lòng phải có cách kiểm soát một cách kịp thời và hiệu quả những biến số kể trên.
Do đó, bên cạnh khuyến khích về tài chính, giải pháp “không thể không áp dụng” được CEO Lộc Trời đưa ra là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 để thực hành canh tác lúa gạo bền vững.
Ông Thuận cho biết, cách đây khoảng 3 năm, Lộc Trời đã tham gia vào chương trình ứng dụng vệ tinh nhân tạo cho canh tác lúa, tức là chụp ảnh ruộng lúa, thông qua phân tích hình ảnh dữ liệu lớn, dự báo khí tượng thủy văn để đưa ra mức sự báo rất chuẩn xác về sản lượng lúa trong một năm tới.
Dự án trên tạo ra nguồn cảm hứng để Lộc Trời tiến hành thử nghiệm chụp ảnh cây lúa, sâu bệnh, dịch bệnh bằng máy bay không người lái (drone). Khoảng 30 nghìn bức ảnh sẽ được chụp, sau đó kết hợp với Cục Bảo vệ thực vật và Tập đoàn Viettel để thiết kế ra một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Nếu hệ thống AI này phát triển thành công, các drone có thể “đi tuần” khắp ruộng lúa, kịp thời thông tin nếu có biến động bất thường và nhanh chóng xử lý, tránh để xảy ra hiện tượng tương tự như vụ sâu bệnh lạ xuất hiện phá hoại dừa ở Bến Tre vừa qua, mất trên dưới 1 tháng mới giải quyết được.
Một số ứng dụng đơn giản dễ thấy hiệu quả của công nghệ vào sản xuất như dùng drone tưới cây, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật giúp tiết kiệm hàng trăm lít nước cho mỗi héc ta, hay sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tránh hiện tượng hàng xuất đi xong lại bị trả về vì không đạt chuẩn, rủi ro rất lớn với cả Lộc Trời và bà con.
Về mặt vĩ mô, công nghệ 4.0 ứng dụng vào việc chọn giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng hay thời tiết mỗi năm cũng đang được ứng dụng để tối ưu hóa sản lượng nông sản.
Ông Thuận đúc kết, nhiều công nghệ số, công nghệ 4.0 đã được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, cần phải giải bài toán về sự canh tác manh mún và nhỏ lẻ.
Theo đó, các nông hộ cần phải liên kết với nhau một cách thông suốt và chặt chẽ, đồng thuận cùng nhau đổi mới phương thức canh tác. Mô hình hợp tác xã, theo ông Thuận là mô hình liên kết nông hộ hiệu quả nhất hiện nay, cần phải đặc biệt được lưu ý trong quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ cao.
Theo The Leader